Nước ngọt về, ĐBSCL tích cực lấy nước cứu lúa
ĐBSCL đang tích cực lấy nước cứu lúa, thông tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn-Túy Loan vào cuối năm, Lý Sơn nằm trong vùng được bảo tồn của công viên địa chất toàn cầu… là các thông tin xã hội đáng chú ý ngày 4/4.
Người dân ở TP. Châu Đốc (An Giang) tranh thủ bơm nước vào đồng ruộng cứu hạn. Ảnh: Vietnamnet. |
Nước ngọt về ĐBSCL
Bà con nông dân tại nhiều địa phương ở ĐBSCL như Cần Thơ, Sóc Trăng đang tích cực bơm nước ngọt vào đồng để cứu lúa.
Hiện độ mặn trên sông Tiền và sông Hậu đang giảm nhanh. Các cống ngăn mặn tại đây đã mở để lấy nước, cứu khoảng 2.000 ha lúa vụ Xuân-Hè.
Dự báo, trong hôm nay (4/4), tại Tân Châu, An Giang – điểm đầu nguồn của sông Tiền khi chảy vào Việt Nam, lưu lượng nước sẽ đạt ngưỡng 3.200-3.500 m3/s. Tại Châu Đốc là khoảng 600-750 m3/s.
Vài ngày tới, độ mặn tại một số tỉnh hạ du sông Tiền, sông Hậu có thể tăng lên theo triều cường, sau đó giảm dần do lượng nước từ thượng nguồn đổ về.
Thông tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn-Túy Loan vào cuối năm
Sau khi hoàn thành đúng tiến độ công tác giải phóng mặt bằng theo cam kết, các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn-Túy Loan. Dự kiến, tuyến đường sẽ được thông tuyến vào cuối năm.
Tuyến đường này thuộc cao tốc Cam Lộ-Túy Loan, chạy qua địa bàn huyện Nam Đông, dài 77 km, có điểm đầu ở Km 0 giao với Tỉnh lộ 14B (Km 4+500) tại xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế và điểm cuối ở Km 79 + 800 (điểm đầu dự án đường bộ cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi), thị tứ Túy Loan, TP. Đà Nẵng.
Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng 11.500 tỷ đồng. Dự được phân kỳ xây dựng thành 2 giai đoạn gồm: Giai đoạn 1 đầu tư 2 làn xe; giai đoạn 2 hoàn thành quy mô đường cao tốc 4 làn xe.
Hiện nay, các nhà đầu tư, nhà thầu tập trung thi công hạng mục nền đường, cầu, cống… với tổng khối lượng đạt 25%.
Sau khi hoàn thành, công trình giao thông này sẽ phá thế ngõ cụt của huyện Nam Đông (Thừa Thiên-Huế), tạo cơ hội để huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế rừng, công nghiệp, dịch vụ, du lịch…
Lý Sơn nằm trong vùng được bảo tồn của công viên địa chất toàn cầu
Chiều 3/4, Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức cuộc họp để nghe các chuyên gia, các nhà khoa học quốc tế và trong nước báo cáo kết quả khảo sát về việc lập hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn, Bình Châu và vùng phụ cận.
Đoàn chuyên gia, nhà khoa học gồm 5 chuyên gia nước ngoài, cũng là thành viên của Hội đồng di sản thế giới thuộc UNESCO, cùng với 13 chuyên gia trong nước về văn hóa, địa chất đã có cuộc khảo sát 3 ngày đêm tại đảo Lý Sơn và Bình Châu (Quảng Ngãi) từ 31/3-3/4.
Sau khảo sát cụ thể, các chuyên gia đều cho rằng, vùng địa chất tại các địa phương này rất có giá trị, cần phải chăm sóc đặc biệt. Vì vậy, Lý Sơn, Bình Châu và các cùng phụ cận có khả năng trở thành công viên địa chất toàn cầu.
Tuy vậy, điều kiện địa chất chỉ là điều kiện cần, bên cạnh đó còn phải xét đến nhiều điều kiện khác như công tác bảo tồn, giáo dục cộng đồng, phát triển du lịch như thế nào… để các vùng này được công nhận là công viên địa chất toàn cầu.
Ngoài khu vực đảo Lý Sơn, Bình Châu, vùng đất liền của Quảng Ngãi cũng được các chuyên gia đánh giá là vùng địa chất có sự đa dạng, phong phú hiếm có. Các vùng này nên được xem là vùng phụ cận của công viên địa chất toàn cầu khi đã hoàn thành.
Sau buổi làm việc này, Sở VHTT&DL sẽ trình hồ sơ lên UBND tỉnh xem xét, phê duyệt công nhận công viên địa chất cấp tỉnh. Tiếp theo đó, tỉnh Quảng Ngãi đề ra tiến độ cụ thể để được công nhận là công nhân địa chất cấp quốc gia và toàn cầu.
Rừng trên đảo Phú Quốc dự báo cháy cấp cực kỳ nguy hiểm
Huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đang vào giai đoạn cao điểm mùa khô khốc liệt. Tình trạng khô hạn, nắng nóng gay gắt kéo dài và suy kiệt nguồn nước khiến cho hơn 37.000 ha rừng trên đảo này dự báo cháy cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Phú Quốc, những vùng trọng điểm đứng trước nguy cơ cháy cao tập trung ở các khu vực như: Đồng Tràm ấp Bãi Vòng, đồng Tràm Bãi Bổn (xã Hàm Ninh); đồng Cây Sao (xã Cửa Dương); núi Du Hương, bãi Cây Da (xã Dương Tơ); đồng Tràm Bãi Thơm, đồng Lớn Rạch Tràm (xã Bãi Thơm); đồng Lớn Gành Dầu (xã Gành Dầu); đồng Bà (xã Cửa Cạn); xã đảo Hòn Thơm và một số khu vực thuộc thị trấn An Thới.
Đặc biệt, trên lâm phần Vườn Quốc gia Phú Quốc, khu vực trọng điểm khoảng 8.000 ha báo động nguy cơ cháy rất cao, cháy lớn và cháy lan nhanh có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Tính đến hết tháng 3, trên địa bàn huyện Phú Quốc đã xảy ra hàng chục vụ cháy làm thiệt hại gần 100 ha rừng và đồng cỏ; trong đó, nghiêm trọng nhất là vụ cháy gây thiệt hại hơn 56 ha rừng tràm nước tái sinh và đồng cỏ vào đầu tháng 3 tại tiểu khu 53, ấp Bãi Thơm, xã Bãi Thơm thuộc lâm phần rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Phú Quốc.
Nguồn http://baochinhphu.vn/
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.