Sắp tăng giá xăng và gas?
Cuối tuần qua, một số DN nhỏ đã cho biết sẽ có văn bản đăng ký giá với Bộ Tài chính và đề nghị được tăng giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu. Mức tăng khoảng 400 - 500 đồng mỗi lít trong những ngày tới, theo đúng chu kỳ 10 ngày như quy định. Nguyên nhân là vẫn chịu lỗ 400-500 đồng mỗi lít kể từ đợt tăng giá xăng dầu ngày 20/7.
Giá xăng Ron92 tại Singapore đã tăng 16% trong 1 tháng qua, giá gas thế giới tháng 7 cũng đảo chiều tăng vọt sau 4 tháng đi xuống khiến cho giá các mặt hàng này trong nước khó tránh khỏi việc tăng.
Giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng liên tục trong thời gian gần đây nhờ các tín hiệu lạc quan về tình hình nợ công châu Âu và đầu cơ rằng các nước từ Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ cho đến châu Âu sẽ nới lỏng tiền tệ hơn nữa nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Giá dầu WTI chốt ngày 27/7 đã lên trên 90 USD/thùng và tăng tổng cộng 16% kể từ 28/6 tới nay. Giá dầu Brent trong khi đó lên 106,47 USD/thùng, cũng tăng mạnh từ mức 95 USD/thùng cách đây 1 tháng.
Tại Singapore, thị trường cung cấp các sản phẩm xăng dầu chủ lực của nước ta, cũng là nơi giá xăng dầu được lấy tham chiếu để tính giá trong nước, giá các sản phẩm xăng dầu thời gian qua cũng tăng rất mạnh.
Giá xăng Ron 92 đã tăng từ mức 97 USD/thùng cách đây 1 tháng lên 113,02 USD/thùng, tương đương 16,5%. Dầu diesel tăng 10%, từ 110 USD lên sát 121 USD/thùng; dầu hỏa tăng 10,2% từ 108 USD lên 119 USD/thùng và dầu mazut từ 583 USD/tấn lên 638,77 USD/tấn, xấp xỉ mức tăng 10%.
Trong khi giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, nhưng giá xăng trong nước mới chỉ tăng có một đợt từ đó tới nay là 400 – 500 đồng/lít, tức khoảng 2,4% hôm 20/7. Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết, so với giá thế giới hiện tại, thì giá trong nước đang thấp hơn tới trên 1.000 đồng/lít, nhưng dựa trên giá cơ sở 10 ngày thì tính ra giá xăng dầu trong nước hiện chỉ thấp hơn khoảng 500 đồng/lít. Đây cũng là lý do khiến một số doanh nghiệp đã nộp đơn lên Bộ Tài Chính xin điều chỉnh tăng giá vài trăm đồng trong vài ngày tới.
Theo một chuyên gia về kinh tế vĩ mô, việc doanh nghiệp muốn tăng giá xăng hiện nay cũng không có gì vô lý và Bộ Tài chính cũng đã cho phép họ được quyền định giá trong biên độ và tần suất như quy định tại Nghị định số 84. Tuy nhiên, để được sự đồng tình của người dân thì doanh nghiệp cũng phải hành động tương tự ngay khi giá xăng dầu đi xuống.
Hiện tại, dư luận vẫn đang hoài nghi việc doanh nghiệp sẵn sàng hạ giá bán. Có nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp chỉ tăng giá là nhanh, còn khi giá thế giới giảm thì họ viện đủ lý do, chẳng hạn như để bù lỗ, do hoa hồng cao, hàng tồn kho giá cao…nên neo giá được ngày nào tốt ngày đó.
Trong khi đó trên thị trường gas, giá mặt hàng này từ đầu tháng 3 tới nay luôn ở trong trạng thái đi xuống, mức giảm tổng cộng 173.000 đồng/bình loại 12 kg và hiện còn khoảng 315.000 đồng/bình. Gas giảm giá là theo xu hướng của thế giới và nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của người tiêu dùng.
Nhưng mấy ngày gần đây, thông tin giá gas sẽ tăng trở lại bắt đầu thu hút sự chú ý của thị trường. Các đại lý kinh doanh gas cho biết họ đang phải tăng giá mua từ các công ty khoảng 10 – 15.000 đồng mỗi bình, trong khi giá bán lẻ vẫn giữ nguyên.
Theo anh Chí, chủ một đại lý kinh doanh gas ở đường Kim Ngưu (Hà Nội), người tiêu dùng giờ đây nắm rất rõ giá cả do báo chí nói đến nhiều, nên đại lý không thể tự tiện tăng giá bán lẻ. Tuy nhiên, trước dự báo giá gas sắp tăng mạnh, nên dù bị tăng giá thì các đại lý vẫn đẩy mạnh nhập hàng tích trữ.
Cho đến thời điểm hiện nay, giá gas thế giới đã chênh khá mạnh so với giá hồi cuối tháng 6, khoảng 150 USD/tấn. Với mức tăng này thì nhiều khả năng doanh nghiệp kinh doanh gas trong nước sẽ xin điều chỉnh giá bán lẻ tới 35 – 40.000 đồng/bình vào đầu tháng 8.
Nếu như đợt tăng này đúng như dự đoán, cùng với việc giá điện tăng thêm 5% hôm 1/7 và giá nước sinh hoạt đắt đỏ hơn kể từ ngày 12/7 thì sắp tới giá cả các mặt hàng tiêu dùng chắc chắn sẽ bị đẩy lên cao.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.