Các trường nghệ thuật chủ động tuyển sinh… lưu động
Thay vì thông báo tuyển sinh rồi chờ thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển, một số ngành nghệ thuật “khan hiếm” thí sinh đầu vào đã được các trường chủ động tìm nguồn tuyển đầu vào bằng cách tuyển sinh… lưu động – đến tận địa phương tuyển. Bên cạnh hiệu quả từ cách làm này thì vẫn còn những khó khăn khiến các cơ sở đào tạo không khỏi băn khoăn.
Tuyển sinh… lưu động
Vài năm gần đây, một số ngành, nghề ở các trường đào tạo nghệ thuật như Trường Trung cấp nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, Trường Cao đẳng múa Việt Nam, Đại học Sân khấu – Điện ảnh… đang gặp phải khó khăn về tuyển sinh đầu vào ở các ngành như diễn viên kịch hát dân tộc: tuồng, chèo, cải lương, múa, xiếc, lý luận phê bình Sân khấu – Điện ảnh….
Theo tiết lộ của PGS.TS Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu Điện ảnh thì có những năm trường đưa ra thông báo chỉ nhận được 5 hồ sơ của thí sinh. Còn ông Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Múa Việt Nam cũng cho biết, nếu chỉ thông báo tuyển sinh ở Hà Nội thì tình trạng bế tắc hồ sơ đầu vào là điều đã được nhìn nhận từ trước và không tránh khỏi.
Và để khắc phục tình trạng khan hiếm thí sinh đầu vào, căn cứ vào tình hình thực tiễn, các trường đã xây dựng những đề án tuyển sinh riêng gửi cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, thay vì cách làm cũ, chỉ đưa thông tin tuyển sinh và chờ thí sinh nộp hồ sơ rồi đến ngày đến giờ tiến hành thi tuyển theo lịch thì nay các trường đã đi đến các tỉnh trực tiếp thông báo tuyển sinh, nhận hồ sơ. Không những thế, từ đề án này thí sinh theo học còn được rất nhiều ưu đãi, được giảm 2/3 học phí, được bố trí chỗ ở trong suốt quá trình học, được tiền trợ cấp trang phục… Rồi khi tốt nghiệp, học viên còn được bố trí việc làm.
Tiết mục tốt nghiệp của sinh viên trường Cao đẳng Múa Việt Nam (ảnh cung cấp)
Với những chế độ ưu đãi được đưa ra, hứa hẹn thí sinh theo học toàn tâm toàn ý cho chuyên môn. Những tưởng trong bối cảnh đầu ra của sinh viên luôn là bài toán đau đầu và khó tính toán, đoán định thì một ngành nghề được đảm bảo việc làm ngay từ khi chưa ra trường sẽ thu hút những người có sẵn năng khiếu và đam mê theo đuổi. Tuy nhiên, ưu đãi là vậy, nhưng tình trạng thí sinh đầu vào vẫn thiếu hụt, chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển sinh. Một phần do thí sinh không mặn mà với ngành học, một phần do thiếu thông tin, thí sinh chưa nắm rõ những ưu đãi này.
Để tìm được học viên theo học, một số trường đã chủ động đi đến các tỉnh, thành khác ngoài khu vực Hà Nội. Trung bình mỗi mùa tuyển sinh, để lấy được số hồ sơ dự tuyển “an toàn” so với chỉ tiêu tuyển sinh các trường phải đến từ 8-10 tỉnh. Với cách tuyển sinh này, dù “vất vả” hơn so với trước đây, nhưng như cách nói của Hiệu trưởng của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh là “nỗ lực của chúng tôi bỏ ra cũng được đền đáp chứ không bỏ xuống sông xuống bể”. Kết quả là nhiều ngành đã tuyển được số học viên, đáp ứng nhu cầu tuyển sinh được đặt ra ban đầu, như diễn viên tuồng 30 em, diễn viên chèo 30 em…
Không những thế, với việc đi xuống từng trường học ở các tỉnh, thành, số hồ sơ dự tuyển của trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam lại rất đáng lạc quan. Theo chia sẻ của Hiệu trưởng trường Trung cấp nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam thì với chỉ tiêu lấy 35, nhưng cho đến thời điểm này, mới đầu tháng 4, mà số hồ sơ dự tuyển đã lên đến hơn 3000 và phải gần 4 tháng nữa, tức mùng 01/8 công tác tuyển sinh mới dừng nhận hồ sơ. Theo dự kiến của nhà trường, tỉ lệ chọi của thí sinh năm nay vào khoảng 1/100.
Vẫn còn đó những khó khăn
Cũng với cách làm tuyển sinh lưu động như trường Đại học Sân khấu Điện ảnh và trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, nhưng kết quả lại không được như hai trường kể trên là trường Cao đẳng Múa Việt Nam. Mặc dù nhìn tổng thể chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016 tăng hơn so với năm trước nhưng trên thực tế, số lượng lại không tăng, nguyên nhân chỉ tiêu của trường Cao đẳng Múa Việt Nam tăng là cùng lúc trường tuyển hai hệ: 2 năm và 4 năm.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Quang, trường Cao đẳng Múa Việt Nam chia sẻ: tìm được những em thực sự có năng khiếu đã khó. Nhưng khi tìm được rồi cũng chưa chắc các em theo học. Một trở ngại lớn khiến lượng thí sinh không theo học trường múa là từ phía gia đình. Nhiều gia đình không muốn con em mình theo học ngành múa vì vất vả tập luyện mà sau khi ra trường đi làm lương rất thấp. Theo lời ông Nguyễn Văn Quang thì với cách tính lương như hiện nay, nhất là lại có những em chỉ tốt nghiệp trung cấp thì lương chỉ đủ… ăn sáng! Có những em vừa có năng khiếu, được gia đình đồng ý cho thi rồi nhưng đến khi vào vòng chung tuyển lại đổi ý định không đi nữa. Hoặc thi đỗ rồi lại… không theo học nữa.
Tác phẩm của sinh viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội (ảnh cung cấp)
Tình trạng gia đình ngăn cản không cho con, em theo học một số ngành được cho là không “hot” là có thật và xảy ra ở nhiều ngành nghề khác, không riêng ngành múa, diễn viên tuồng, chèo, cải lương cũng gặp tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng trường Sân khấu Điện ảnh cho biết, ngoài việc gia đình không ủng hộ con em theo học một số ngành nghề còn có tình trạng, có những em có năng khiếu, học xong và được bố trí việc làm. Thế nhưng, chỉ một vài năm sau em đó lại bỏ nghề, theo làm nghề khác. Thực trạng này rất đáng buồn. Có nhiều lý do khiến năng khiếu và đam mê không đủ đảm bảo là sợi dây níu kéo để người có khả năng, lại được đào tạo bài bản theo nghề đến cùng. Và một trong những nguyên nhân không thể phủ nhận là họ rất khó sống được với nghề.
Bên cạnh đó, ngành lý luận phê bình sân khấu, điện ảnh của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh cũng đang gặp khó khăn tuyển sinh đầu vào vì chưa có được những ưu đãi như các ngành khác. Và trường Đại học Sân khấu Điện ảnh đang xem xét và dự định sẽ đưa lý luận phê bình sân khấu, điện ảnh vào đề án ưu đãi trong tuyển sinh để xin ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Báo Tổ Quốc
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.