Khởi công trùng tu, tôn tạo chùa Quỳnh Lâm, Quảng Ninh

Ngày 9-4, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh và UBND thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đã khởi công Dự án trùng tu, tôn tạo chùa Quỳnh Lâm nằm trong Quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều.

1

Khởi công trùng tu và tôn tạo chùa Quỳnh Lâm, nơi từng là trung tâm Phật giáo lớn ở Việt Nam.

Chùa Quỳnh Lâm tọa lạc tại xã Tràng An, thị xã Đông Triều, có lịch sử từ thế kỷ thứ VII. Đến đời nhà Lý, Thiền sư Dương Không Lộ đã cho đúc tượng Di Lặc bằng đồng cao 18,6m được coi là “An Nam tứ khí” (tứ khí là bốn vật quý bằng đồng gồm: tượng chùa Quỳnh Lâm, tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền và vạc chùa Phổ Minh).

Dưới triều nhà Trần, khi đức vua Trần Nhân Tông xuất gia tu hành tại Yên Tử, chùa Quỳnh Lâm cũng là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông lui tới. Quỳnh Lâm chỉ được sử sách nhắc tới với tư cách là trung tâm đào tạo lớn của Thiền phái Trúc Lâm dưới thời Pháp Loa, đệ nhị tổ của Thiền phái Trúc Lâm khi ông cho mở mang và xây dựng chùa Quỳnh Lâm thành một Tự Viện. Quỳnh Lâm trở thành trung tâm Phật giáo lớn và là nơi tổ chức các sự kiện Phật giáo lớn của Đại Việt đầu thế kỷ XIV.

Ông Nguyễn Văn Anh, Khoa lịch sử, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã trực tiếp tiến hành nghiên cứu, thăm dò, khai quật khảo cổ chùa Quỳnh Lâm vào các năm 2007 đến 2009 chia sẻ: “Quỳnh Lâm là trung tâm phật giáo lớn, tiêu biểu của phật giáo Việt Nam đại diện từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18. Quỳnh Lâm là nơi khởi đầu cho việc phục hưng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Do vị trí và vai trò của Quỳnh Lâm trong Phật giáo nên Quỳnh Lâm luôn được trùng tu tôn tạo, kiến trúc hội tụ các giá trị tiêu biểu của văn hóa một thời. Mặc dù phần lớn các di tích phần nhiều còn nằm dưới lòng đất nhưng giá trị của nó đều mang tính tiêu biểu cho các thời kỳ…”.

Những phát hiện khảo cổ được tiến hành từ năm 2007 cho thấy, các công trình chùa Tháp, điện thờ được xây dựng dưới thời Trần không còn nữa nhưng gạch ngói, đồ gốm sứ, những hình lá đề trang trí trên ngói mũi sen và tượng rồng trang trí trên nóc chùa cho thấy phần nào quy mô to lớn và sự lộng lẫy của kiến trúc chùa Quỳnh Lâm dưới thời Trần. Đó là kiến trúc Phật giáo Hoàng gia.

Các đồ thờ cúng được phát hiện cũng cho thấy những góc nhìn về đời sống nơi tự viện Quỳnh Lâm trước đây. Kết quả khai quật khu vực trung tâm chùa Quỳnh Lâm đã phát hiện một số dấu tích thời nhà Trần và các dấu vết kiến trúc thời Lê Trung Hưng- thời kỳ chùa Quỳnh Lâm được trùng tu quy mô lớn.

Phối cảnh chùa Quỳnh Lâm sau khi hoàn thiện trùng tu và tôn tạo.

Đây là dự án thực hiện theo Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Nhà Trần ở Đông Triều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Công trình trùng tu và tôn tạo chùa Quỳnh Lâm dự kiến được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa với kinh phí hơn 195 tỷ đồng, bao gồm tôn tạo điện thờ Phật, nhà thờ Trúc Lâm Tam Tổ, cổng Tam quan, vườn tháp Tổ và các công trình phụ cận bằng chất liệu gỗ lim theo kiến trúc truyền thống.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Những đóng góp để trùng tu, tôn tạo di tích chùa Quỳnh Lâm góp phần bảo tồn những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc và giá trị tâm linh của ngôi chùa trong quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, phục vụ phát triển du lịch văn hóa gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân và du khách…”.

Báo Nhân Dân