Tăng cường kết nối du lịch trong khối ASEAN
Trong chương trình Năm Du lịch quốc gia 2016, sáng 10-4 tại huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức buổi toạ đàm bàn tròn cấp bộ trưởng về phương hướng tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các quốc gia: Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Philippines và Indonesia. |
Cùng tham dự có ngài K.V.Vnukov, Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam và lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang. Tại buổi tọa đàm, ông Hoàng Tuấn Anh, nguyên Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban tổ chức Năm du lịch quốc gia 2016 đã giới thiệu khái quát tiềm năng, thế mạnh, bước phát triển và định hướng phát triển du lịch của nước ta. Trong đó, ông Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh đến sự cần thiết trong tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các quốc gia, đặc biệt là các nước trong khối ASEAN. Đại diện ngành du lịch các quốc gia tham dự đều nhấn mạnh đến yếu tố này. Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Du lịch Indonesia – I Gde Pitana cho rằng, theo thống kê mới nhất của Tổ chức Du lịch thế giới, thì một nửa lượng khách du khách nước ngoài đến tham quan các quốc gia ASEAN là từ các nước trong khối. Vì vậy để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Indonesia đã miễn thị thực du lịch cho công dân 169 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tiến tới mục tiêu “không thị thực cho khách du lịch”. Trước mắt, Chính phủ Indonesia đưa ra mục tiêu tăng cường thu hút khách du lịch bằng du thuyền, với chính sách “miễn có thời hạn mọi thủ tục khi vào lãnh thổ Indonesia”. Với chính sách đột phá này, Indonesia hy vọng sẽ đón 5.000 du thuyền cập bến vào năm 2019 và mang lại nguồn thu 500 triệu USD từ du lịch đường biển. Tương tự, Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia, ngài Thong Khon cũng cho rằng, việc tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại giữa nội bộ khối ASEAN nên được xem là ưu tiên hàng đầu. Điều này chắc chắn sẽ làm tăng sức hấp dẫn của du khách trong khối và du khách quốc tế khi muốn khám phá các danh thắng thiên nhiên và di sản văn hoá phong phú của các nước ASEAN mà không gặp quá nhiều phiền phức về thủ tục. Theo Bộ trưởng Thong Khon, hiện tại Campuchia – Việt Nam – Thái Lan đã đồng ý thiết lập lộ trình du lịch mới để khai thác tiềm năng của tuyến hành lang du lịch phía Nam qua các tỉnh/thành phố: Bangkok – Rayong – Trat – Koh Kong – Shihanouk ville – Kampot – Kep – Phú Quốc – TP Hồ Chí Minh. Theo ngài Bosengkham Vongdara, Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, hợp tác du lịch Lào và Việt Nam thời gian qua đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần đáng kể cho tăng trưởng kinh tế – xã hội hai nước. Số lượng khách Việt Nam đến Lào trong năm 2015 là 1,18 triệu lươt, tăng 7% và xếp thứ hai trong danh sách thống kê khách du lịch quốc tế đến Lào. Kể từ năm 1989, Lào đã cấp phép đầu tư cho 423 dự án có vốn đầu tư của Việt Nam, đạt mức 4,9 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nước xếp thứ ba trong số 53 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào, tạo ra khoảng 300.000 việc làm cho người dân địa phương. Bà Maria Corazon Jorda-Apo, Giám đốc Cơ quan Du lịch quốc gia Philippines cho rằng, người dân Philippines đi du lịch đến Việt Nam ngày một đông hơn. Hiện hai nước là láng giềng ở khu vực Đông Nam Á, thành phố Manila của Philippines chỉ cách TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội hai giờ đồng hồ máy bay và có các đường bay trực tiếp đến nhau. Hai nước cũng đã ký kết kế hoạch hợp tác và đang triển khai các hoạt động, dự án hợp tác. Trong đó bao gồm nghiên cứu và phát triển du lịch bằng tàu biển, đào tạo nguồn nhân lực, truyền thông và quảng bá, tạo điều kiện thuận lợi đầu tư vào các cảng biển và các điểm đến và du lịch tàu biển tại hai nước. Có mặt tại buổi toạ đàm với tư cách là đại diện cho quốc gia có nhiều công dân đi du lịch đến ASEAN, Đại sứ Nga tại Việt Nam K.V.Vnukov cho biết, xuất phát từ sự chuyển định hướng thị trường các dịch vụ du lịch tại Nga sang Đông Nam Á, và kỷ niệm 20 năm quan hệ đối tác – đối thoại ASEAN – Nga, thì đây chính là lúc cần phải tăng cường dòng du khách từ Nga đến Việt Nam và các nước ASEAN. Để đạt mục tiêu nói trên, Đại sứ Nga đề xuất việc nghiên cứu, tổ chức những chuyến du lịch đến cùng lúc nhiều nước ASEAN. Trong đó, Việt Nam cần nghiên cứu tiếp tục cải thiện chế độ miễn thị thực rộng rãi hơn nữa. Tiếp đến sẽ tiếp tục giảm giá vé máy bay, vì hiện tại giá vé bay từ Nga đến ASEAN và Việt Nam tương đối cao. Do đó, cần có các chuyến du lịch giá rẻ theo hướng “trọn gói”. Thứ ba là các khách sạn tại Việt Nam cần có những hoạt náo viên tổ chức chương trình vui chơi giải trí cho du khách, nhất là trẻ em trong suốt cả ngày, đáng tiếc là hiện Việt Nam chưa có loại hình dịch vụ này. Thứ tư, tăng cường loại hình du lịch tiềm hiểu lịch sử, du lịch mạo hiểm, ẩm thực, tìm hiểu văn hoá các dân tộc, du lịch sinh thái… Bên cạnh đó cũng cần phải “mở rộng vùng địa lý” cho du khách, tức là phát triển dịch vụ “một chuyến đi, nhiều điểm đến”. |
Nguồn nhandan.com.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.