Thủy điện phải ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho người dân

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo các hồ thủy điện phải ưu tiên hàng đầu bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân; tiếp theo là chăn nuôi gia súc, sản xuất nông nghiệp, thủy sản…

Hạn hán đang diễn ra gay gắt trên diện rộng tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ảnh: EVN.

Hiện nay, khu vực miền Trung-Tây Nguyên và miền Nam đang phải đối mặt với tình trạng khô hạn nghiêm trọng. Lưu lượng nước về tại hầu hết các hồ thủy điện trong khu vực đều giảm thấp hơn so với trung bình nhiều năm.

Đặc biệt, một số hồ như Bản Vẽ, Hủa Na, Cửa Đạt, Quảng Trị, Bình Điền, A Vương, Pleikrông, Ialy, Hàm Thuận, Đại Ninh, Đồng Nai 3, Trị An, Thác Mơ… lưu lượng nước về thấp nhất trong chuỗi quan trắc nhiều năm.

Trước tình hình đó EVN đã chỉ đạo các nhà máy thủy điện phải vận hành theo thứ tự ưu tiên, trong đó ưu tiên hàng đầu là bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt, dịch vụ của người dân.

Tiếp theo là ưu tiên chăn nuôi gia súc, sản xuất nông nghiệp, thủy sản, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh, sản xuất công nghiệp. Cuối cùng mới là sản xuất điện.

EVN cũng yêu cầu các hồ thủy điện trực thuộc gửi kế hoạch điều tiết nước đã thống nhất với các địa phương cho Tập đoàn và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia để điều hành.

Đồng thời, các nhà máy thủy điện cũng phải gửi kế hoạch cho Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) và Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) để giám sát, điều phối.

Không lo thiếu điện trong mùa khô

Cũng theo EVN, trong các tháng mùa khô năm nay, dự kiến tăng trưởng phụ tải khoảng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, tháng 4, dự kiến phụ tải có thể đạt tới 505 triệu kWh/ngày, tháng 5 và 6 khoảng 540 triệu kWh/ngày. Công suất phụ tải lớn nhất toàn hệ thống trong các tháng mùa khô quý II có thể lên tới 28.730 MW.

Để đáp ứng nhu cầu trên, EVN đặt mục tiêu điều hành khai thác hợp lý các nguồn điện để cấp điện đầy đủ và an toàn cho đến cuối mùa khô.

Theo đó, các hồ thuỷ điện miền Trung-Tây Nguyên và miền Nam được điều tiết, khai thác tiết kiệm để đáp ứng nhu cầu cung cấp nước cho hạ du. Đồng thời, huy động cao các nguồn điện than, khí, nhiệt điện chạy dầu.

Vận hành an toàn, tin cậy hệ thống truyền tải điện liên kết các miền. Đặc biệt, qua tính toán cân bằng cung-cầu điện năng, hệ thống điện quốc gia đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải trong quý II.

EVN cũng cho biết, trong tháng 4 bảo đảm tiến độ chạy thử nghiệm tổ máy 1 Nhiệt điện Duyên Hải 3; lắp đặt rotor tổ máy 2 Thủy điện Lai Châu và tổ máy 2 Thủy điện Huội Quảng, đồng thời đưa vào vận hành trong tháng 4/2016 trạm biến áp 500 kV Phố Nối, trạm biến áp 220 kV Sơn Tây, đường dây 220 kV Thái Bình-Kim Động, Xekaman 1-Pleiku 2.

Bên cạnh đó, EVN đôn đốc tiến độ các dự án có kế hoạch hoàn thành trong tháng 4 và các công trình còn lại của quý I như: Nâng công suất trạm biến áp 500 kV Sơn La, trạm biến áp 220 kV Mỹ Xuân, nâng công suất các trạm biến áp 220 kV Lào Cai, Hoà Khánh, Đà Nẵng, Dốc Sỏi…

Ngoài ra, EVN cũng bám sát các địa phương giải quyết các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, hoàn thành đóng điện đường dây 500 kV Duyên Hải-Mỹ Tho và các đường dây 220 kV Bảo Thắng-Yên Bái, Cầu Bông-Hóc Môn-rẽ Bình Tân, Phan Thiết-Phú Mỹ 2, Huế-Hoà Khánh (mạch 2)…

Theo báo cáo của EVN, trong tháng 3, hệ thống điện đã sản xuất một sản lượng điện rất cao để bảo đảm nhu cầu điện.

Cao nhất là ngày 22/3, tổng lượng điện sản xuất đạt 507,81 triệu kWh/ngày, cao gần gấp đôi so với mức sản xuất năm 2012 (chỉ khoảng 320.000 kWh/ngày).

Nguồn http://baochinhphu.vn/