Khẩn trương tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt trên biển
Quảng Trị có khoảng 30 tấn cá biển bị chết, trôi dạt vào bờ. Các địa phương đang khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm, tìm nguyên nhân xác định cá chết
Ngày 21-4, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cùng lãnh đạo các sở tài nguyên và môi trường, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đi kiểm tra tình hình cá chết dọc bờ biển tỉnh Quảng Trị.
Ông Hà Sỹ Đồng đề nghị Sở Y tế tiến hành cấp phát thuốc, hướng dẫn bà con cách tiêu hủy cá chết đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường biển. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tập trung khoanh vùng cá biển chết, đề xuất UBND tỉnh biện pháp xử lý kịp thời, cùng với các địa phương tiến hành tuyên truyền, khuyến cáo bà con ngư dân không được hoang mang, không thu mua, không chế biến khi chưa xác định rõ nguyên cá chết. Ngoài ra, ông Đồng yêu cầu các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với các địa phương Quảng Bình, Hà Tĩnh để nắm bắt tình hình, tham mưu, đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ các giải pháp để xử lý. Sở Tài nguyên và Môi trường, phối hợp các địa phương hướng dẫn bà con ngư dân xử lý tiêu hủy cá chết một cách đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Theo thống kê của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị, từ ngày 18-4 đến nay ngư dân vùng biển này đã thu gom được 30 tấn xác cá chết, ước thiệt hại hơn 3 tỷ đồng.
Khu vực xã Vĩnh Thái đến xã Vĩnh Thạch, thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh); xã Trung Giang, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh): hơn 1 tuần qua, khi đang đánh bắt hải sản ven bờ thì phát hiện cá chết hàng loạt, chủ yếu là loại cá tầng đáy vùng rạn như: cá hồng, mú, cá hanh, cá chình, cá đuối, mực nang.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, từ ngày 10-4 đến nay, ở vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa thiên Huế đã xảy ra hiện tượng cá chết nhiều. Nhận xét định tính ban đầu cá đang khỏe mạnh, từ từ yếu dần và chuyển sang chết hàng loạt, chưa rõ nguyên nhân. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt và thu nhập của bà con ngư dân các địa phương. Theo đánh giá định tính ban đầu nguyên nhân cá chết có thể do ảnh hưởng môi trường bị ô nhiễm, bị độc tố làm cho cá yếu dần và chết.
Trước tình hình đó, Sở NN&PTNT Quảng Trị đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nắm bắt tình hình ngư trường, kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân cá chết hàng loạt, sớm có thông báo kết quả để bà con ngư dân an tâm ổn định khai thác thủy sản và đề xuất phương án xử lý nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như môi trường biển được hiệu quả hơn. Trong thời gian chờ nguyên nhân chính thức, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cũng khuyến cáo bà con ngư dân không thu gom cá chết đưa vào chế biến thực phẩm và làm thực ăn gia súc có thể gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của nhân dân.
Cùng ngày, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã tới vùng biển xã Quảng Công, huyện Quảng Điền lấy mẫu nước, sa đáy để tiến hành các xét nghiệm tìm nguyên nhân cá chết. Tại đây, cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu nước và đất đáy biển ở 3 vị trí khác nhau, cách bờ trên 300 m. Trước đó, đơn vị này cũng tiến hành lấy mẫu tại vùng biển thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.
Tại vùng biển xã Quảng Công vài ngày trở lại đây cũng xuất hiện hàng loạt cá biển chết dạt vào bờ, trong đó có loài cá lạt sống ở tầng đáy. Ngư dân ở khu vực này cho biết từ xưa đến nay họ chưa bao giờ chứng kiến thấy các loài cá sống ở tầng đáy biển bị chết nên khá lo lắng.
Trước đó, báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế, khẳng định chất lượng nước phú dưỡng PO4 tại thời điểm đo là 1 mg/lít (chỉ số tối đa cho phép chỉ 0,5 mg/lít) nên làm tăng độ pH; so sánh với độ pH vùng đầm phá và ven biển qua các năm thường biến động từ 7,5-8,3. Đây có thể là nguyên nhân làm cho cá sốc và chết hàng loạt do pH nước thay đổi đột ngột; PO4 tăng cao. Ngoài ra, tảo phát triển mạnh, mùa có cá rò trôi là nước xấu, kết hợp với khí độc ở đáy lồng tích tụ bốc lên khi nhiệt độ tăng cao trong thời điểm giao mùa dẫn đến thiếu oxy cục bộ làm cho cá chết nhanh.
Nguồn Người lao động Online
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.