Thí điểm mô hình “Làng đô thị xanh” đầu tiên của Việt Nam

 UBND tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức hội thảo khoa học mô hình “Làng đô thị xanh tại thành phố Đà Lạt”. Đây là mô hình thí điểm đầu tiên trong cả nước và cũng chưa phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế; đại diện bộ, ngành T.Ư tập trung thảo luận, làm rõ những cơ sở khoa học, định hướng và thực tiễn, để TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng tổ chức thực hiện những bước tiếp theo, như: các tiêu chí cụ thể, khuyến nghị lựa chọn vị trí đầu tư thí điểm; định hướng mô hình “Làng đô thị xanh” cho TP Đà Lạt; các giải pháp, cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển mô hình “Làng đô thị xanh”…

1

Đà Lạt – thành phố trong rừng.

Đà Lạt từ lâu đã nổi tiếng trong và ngoài nước với các giá trị di sản tự nhiên, văn hóa vật thể và phi vật thể, được thiên nhiên ưu đãi với những đặc trưng về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng. Quy hoạch chung “Xây dựng TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Thủ tướng Chính phủ, xác định phát triển Đà Lạt trở thành vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế; có đặc thù về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ có quyết định “Ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng”. Trong các cơ chế đó, Lâm Đồng được giao thí điểm xây dựng mô hình “Làng đô thị xanh” (green village) tại TP Đà Lạt.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh bày tỏ sự ủng hộ và đánh giá cao sự chủ động đề xuất của tỉnh Lâm Đồng, thí điểm xây dựng “Làng đô thị xanh” đầu tiên cả nước. Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cho rằng, khái niệm tăng trưởng xanh nói chung và phát triển đô thị tăng trưởng xanh còn mới mẻ với Việt Nam. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược và Kế hoạch tăng trưởng xanh quốc gia, Bộ Xây dựng đã và đang tiến hành nhiều chương trình nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về nội dung này. Đây là định hướng then chốt trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng những năm tới, nhằm phát triển bền vững đất nước. “Tôi tin tưởng rằng, với sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước trên nhiều lĩnh vực, mô hình “Làng đô thị xanh” sẽ được triển khai thành công tại TP Đà Lạt, góp phần quan trọng trong thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia của nước ta” – Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh kỳ vọng.

Các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế cũng trình bày những ý kiến cụ thể, giúp định hướng mô hình “Làng đô thị xanh” đầu tiên của Việt Nam, như: kinh nghiệm quy hoạch “thành phố xanh” trong nước, quốc tế và các mục tiêu cần hướng tới, của Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS. Phạm Hoàng Mai; đô thị theo hướng tăng trưởng xanh tại Việt Nam; mô hình “Làng đô thị xanh” tại Pháp và những kinh nghiệm có thể áp dụng tại Việt Nam, của Tổng Giám đốc Công ty Arep Ville – Arep South Asea, ông Antoine Mougenot; ý tưởng thiết kế “Làng đô thị xanh” của ông Pedro Marques, Công ty Boydens Engineering; hình thái định cư hướng tới “Làng đô thị xanh” của TS. KTS Trương Văn Quảng, Bộ Xây dựng…

Ý tưởng quy hoạch Đà Lạt trong đồ án xây dựng TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm một đô thị trung tâm và hệ thống đô thị vệ tinh, đối trọng. Trong đó, đô thị trung tâm Đà Lạt hiện hữu là không gian đô thị kết hợp cả khu ở, vùng sản xuất nông nghiệp nội đô, hệ thống rừng phòng hộ cảnh quan, hồ, suối, tạo nên một “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”.

Xen giữa các đô thị là các vùng ven không gian sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cùng các khu dân cư, với chất lượng sống tương đương đô thị. Đó là các làng đô thị, với xu hướng phát triển theo tiêu chí xanh, bền vững, gọi là “Làng đô thị xanh”. Đây là xu hướng phát triển đô thị mới ở Việt Nam, mà Đà Lạt và vùng phụ cận có đủ điều kiện để hình thành mô hình này.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi về điều kiện tự nhiên, văn hóa, đặc điểm KT-XH của địa phương, việc xây dựng thí điểm mô hình “Làng đô thị xanh” tại Đà Lạt còn nhiều thách thức, bộ mặt kiến trúc, cảnh quan đô thị còn lộn xộn, thiếu thẩm mỹ; diện tích cây xanh, mặt nước bị thu hẹp; hệ thống hạ tầng đô thị quá tải; hệ thống cây xanh khu vực nội ô chưa đáp ứng yêu cầu của đô thị sinh thái…

Để đô thị phát triển bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt cho rằng, cần có những định hướng trong phát triển đô thị theo hướng “đô thị xanh”, đô thị thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và là đô thị sống tốt cho mọi người. Do đó, mô hình “Làng đô thị xanh” được xem là gợi ý tích cực, giúp Đà Lạt phát triển xanh và bền vững, cải thiện điều kiện sản xuất và nâng cao đời sống của một bộ phận cư dân gắn với làng nghề truyền thống, nhưng không ảnh hưởng đến mô hình phát triển của đô thị hiện đại, giàu bản sắc như TP Đà Lạt.

Bước đầu, tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu, đề xuất quy mô một “Làng đô thị xanh” có diện tích từ 50 – 100 ha, dân số khoảng bảy nghìn người, 1.700 căn hộ, trường học và bộ tiêu chí tạm thời, gồm địa điểm quy hoạch, xây dựng; sử dụng tài nguyên, năng lượng và công nghệ xanh; chất lượng môi trường kiến trúc, môi trường sống; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa gắn với phát triển du lịch…

Nhiều chuyên gia cho rằng, thách thức đặt ra đối với Đà Lạt là phải “sáng tạo” một hình thức phát triển đô thị đặc thù, kết hợp không gian đô thị với nông thôn, phát huy sự tiện nghi với sáng tạo không gian đô thị. Song, vẫn gìn giữ được mối liên hệ mật thiết với các thung lũng nông nghiệp, với một nền nông nghiệp đô thị cần được phát huy theo hướng thân thiện với môi trường.

“Những làng đô thị xanh sẽ có nhiệm vụ “mở rộng” TP Đà Lạt đều về các hướng, tạo nên bức tranh cảnh quan mới của một thành phố vườn quy mô lớn, làm mới hình ảnh và tên tuổi của một địa danh du lịch kết hợp thiên nhiên và văn hóa” – Bà Larousse Christine, đại diện công ty InterSence France, chia sẻ.

Biệt thự Đà Lạt trong sương.

Báo Nhân Dân