Nỗ lực giữ cội nguồn bằng âm nhạc dân tộc
Trên đất Mỹ, âm nhạc dân tộc Việt luôn tìm được sự đồng điệu ở những người xa xứ nên có sức sống bền bỉ
Những ngày qua tại Seattle, thành phố lớn của bang Washington – Mỹ, đông đảo khán giả kiều bào đã quan tâm đến một sự kiện văn hóa mang ý nghĩa góp phần giữ gìn cội nguồn văn hóa dân tộc. Đó là đêm kỷ niệm 15 năm thành lập Đoàn Văn nghệ Dân tộc Hướng Việt (diễn ra tối 16-4 tại Shorecrest Performing Arts Center – Seattle) với chủ đề “Việt Nam sắc hương xưa 8”.
Vừa làm bác sĩ vừa nghệ sĩ
Đoàn Văn nghệ Dân tộc Hướng Việt do bác sĩ – nghệ sĩ Hồng Việt Hải thành lập trên đất Mỹ. Việt Hải tốt nghiệp y khoa Trường Đại học Washington. Anh là người yêu âm nhạc dân tộc nên theo học đàn tranh với nghệ sĩ Kim Uyên suốt 15 năm qua và cũng từng ấy năm anh dồn tâm trí gầy dựng đoàn văn nghệ dân tộc mang tên Hướng Việt. Nghệ sĩ Kim Uyên là một trong những hậu bối của giáo sư – nhạc sĩ Phương Oanh, người học trò tiếp bước GS-TS Trần Văn Khê ươm mầm tài năng âm nhạc dân tộc Việt trên đất Mỹ.
Hơn 10 ngày ở Seattle, tôi đã có dịp tìm hiểu về hoạt động của đoàn Hướng Việt. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận được bang Washington cấp giấy phép hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống âm nhạc dân tộc Việt Nam tại Mỹ. Phòng mạch của bác sĩ sau giờ khám chữa bệnh là phòng học và tập luyện đàn tranh của con em nhiều gia đình người Việt sinh sống tại Seattle. Chị Thúy Loan, con gái của cố nhạc sĩ Chung Quân – tác giả ca khúc “Làng tôi”, nói: “Bác sĩ Hồng Việt Hải noi theo các bậc tiền bối luôn nhiệt tâm với công việc gìn giữ cội nguồn dân tộc thông qua tiếng đàn tranh. Tôi đã học đàn với anh từ 10 năm qua, nay tiếp tục nhân rộng niềm đam mê này bằng cách dạy đàn tranh lại cho các bé là con cháu người Việt”.
Chị Mai Huyền, sinh trưởng tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sang Mỹ định cư và lập gia đình với người Mỹ, sinh được 2 cô con gái. Chị Huyền đã cho các con theo thầy Hải học đàn tranh từ lúc còn bé xíu. Hai bé tuy không nói được tiếng Việt nhưng lại đàn được những bản nhạc Việt: “Em bé quê”, “Hoa thơm bướm lượn”… Chị Etkusu Ito, một người Nhật thích học tiếng Việt và chơi đàn tranh, đã có gần 10 năm gắn bó với Hướng Việt. Chị đàn rất chuẩn bài “Mưa trên phố Huế”…
“15 năm qua, tôi đã có được quá nhiều tình cảm của kiều bào. Họ đã cùng tôi làm một việc rất ý nghĩa là nâng niu những giá trị của truyền thống văn hóa dân tộc” – bác sĩ, nghệ sĩ Hồng Việt Hải xúc động nói.
Niềm tự hào của đàn tranh Việt
Trong chương trình “Việt Nam sắc hương xưa 8”, tôi được chứng kiến một tài năng đàn tranh trên xứ người – nghệ sĩ Kim Uyên. Chị đã giới thiệu các tác phẩm mới sáng tác cho đàn tranh theo phong cách hiện đại của mình. Khán giả kiều bào đã thích thú ngợi khen bằng những tràng pháo tay giòn giã cho những bản độc tấu đầy ấn tượng của chị.
Nghệ sĩ Việt Hải cho biết: “Ngoài các sáng tác mới theo phong cách hiện đại, nghệ sĩ Kim Uyên còn chuyển soạn một số tác phẩm quen thuộc cho dàn nhạc Hướng Việt như: “Mưa trên phố Huế”, “Em bé quê”, “Hoa thơm bướm lượn”… mà chúng tôi đã biểu diễn suốt nhiều năm qua”. Với mục đích phục hưng nhạc cổ truyền Việt Nam tại hải ngoại, nghệ sĩ Kim Uyên còn truyền bá nhiều nhạc phẩm trong 20 bài tổ của nhạc tài tử Nam Bộ.
Nghệ sĩ Kim Uyên bắt đầu học đàn tranh lúc lên 6 tuổi qua sự khai sáng của người mẹ nuôi là giáo sư Phương Oanh, người sáng lập nhóm Phượng Ca tại Pháp. Trong suốt quá trình theo học tại Việt Nam, nghệ sĩ Kim Uyên may mắn được đào tạo bởi các giáo sư tên tuổi, như: Giáo sư Phạm Văn Nghi, Nguyễn Hữu Ba, Phạm Thúy Hoan, Nguyễn Văn Đời, nhạc sĩ Lê Thương.
Chị đã học ca những bản đờn ca tài tử và âm nhạc 3 miền với các nghệ nhân: Cô Mười, cô Hai Bửu, cô Kim Bảng, thầy Đoàn Văn Thanh, cô Tuyết Hương…Chị cũng được học hát và đàn cải lương với thầy Võ Văn Khuê và nhạc sĩ Sáu Xiếu. Chính những người thầy này đã hun đúc nên một nghệ sĩ Kim Uyên tỏa sáng với ngón đàn tranh điêu luyện, dạt dào cảm xúc được công chúng khắp nơi yêu quý.
Năm 1984, nghệ sĩ Kim Uyên tốt nghiệp thủ khoa Nhạc viện TP HCM. Cùng năm, chị chứng minh tài năng của mình khi giành huy chương vàng Liên hoan Đàn tranh toàn quốc do Nhạc viện TP HCM tổ chức.
Năm 1989, nghệ sĩ Kim Uyên nhận được học bổng Women Scholarship tại Trường Đại học Monash ở TP Melbourne – Úc. Tại đây, chị cùng một số người bạn học thành lập nên nhóm Back to Back Zither và cho ra đời các CD có giá trị cao về âm nhạc cổ truyền Việt Nam như: “Quivering Strings”, “Musical Transfiguration” và “Footstep”. Năm 1992, chị tốt nghiệp thạc sĩ âm nhạc về bộ môn Ethnomusicology, sau đó, chị định cư tại TP Toronto – Canada cho đến nay.
GS Phương Oanh rất tự hào về học trò của mình vì ngoài trình diễn khắp châu Á, châu Âu, Úc và Mỹ, nghệ sĩ Kim Uyên còn là cộng tác viên cho các chương trình truyền thanh, truyền hình như: Music Deli, ABC Radio, SBS Radio Station, CBC Radio…Những năm đầu định cư ở nước ngoài, nghệ sĩ Kim Uyên còn hợp tác ghi âm cho bộ phim nổi tiếng của người Việt như “Ba mùa” và thường xuyên xuất hiện trong chương trình của các trung tâm ca nhạc của người Việt, đệm đàn cho ca sĩ Hoàng Oanh tại Mỹ.
Song song với công việc trình diễn, nghệ sĩ Kim Uyên còn đào tạo các thế hệ đàn tranh kế cận. Các học trò của chị hiện là những giảng viên, nghệ sĩ đàn tranh tên tuổi trên khắp năm châu, tiêu biểu như nghệ sĩ Nguyễn Thị Thúy Vân – hiện là người giảng dạy nhạc dân tộc cho các em trường mù của nhóm Huynh Đệ Như Nghĩa tại Việt Nam; nghệ sĩ Diệu Trinh – Trưởng nhóm Tre Việt tại TP Toronto – Canada và bác sĩ – nghệ sĩ Hồng Việt Hải – Trưởng Đoàn Văn nghệ Dân tộc Hướng Việt tại Mỹ.
Chị và những người yêu âm nhạc dân tộc đã cùng nhau thắp sáng niềm đam mê, nỗ lực truyền bá, lưu giữ và đánh thức tâm hồn Việt thông qua âm nhạc dân tộc.
Nguồn Báo Người lao động Online
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.