Khai mạc phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sáng 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc Phiên họp thứ 47. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Phiên họp thứ 47 của UBTVQH sẽ cho ý kiến về 5 vấn đề quan trọng đó là: Đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV; cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết về chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu HĐND; các dự thảo Nghị quyết về việc phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và việc nhập chia điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; Nghị quyết về phân loại đô thị.
Đặc biệt tại phiên họp lần này, UBTVQH cũng cho ý kiến đối với Tờ trình của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao về các nội dung: Trang phục và Chứng minh thư của Thẩm phán; chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Tòa án nhân dân theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014; bổ sung tạm thời về biên chế, số lượng Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp; đồng thời cho ý kiến về việc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016- 2019 tại một số nước.
Không nâng mức hoạt động phí đối với đại biểu HĐND các cấp
Ngay sau khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, UBTVQH đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết về chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu HĐND. Vấn đề được các thành viên UBTVQH quan tâm cho ý kiến nhiều là mức hoạt động phí đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Về nội dung này, Chính phủ đưa ra hai phương án. Trong đó, phương án 1: Giữ mức hoạt động phí hiện hành tại Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 gồm 3 mức: 0,3 mức lương cơ sở đối với cấp xã; 0,4 mức lương cơ sở đối với cấp huyện, 0,5 mức lương cơ sở đối với cấp tỉnh. Dự kiến quỹ hoạt động phí theo phương án 1 là 1.461,4 tỉ đồng/năm.
Phương án 2: Tăng thêm 0,1 mức lương cơ sở ở cả 3 cấp so với quy định tại Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11, cụ thể: 0,4 mức lương cơ sở đối với cấp xã; 0,5 mức lương cơ sở đối với cấp huyện; 0,6 mức lương cơ sở đối với cấp tỉnh. Dự kiến quỹ hoạt động phí chi cho đại biểu Hội đồng nhân dân theo phương án 1 là 1.932,6 tỉ đồng/năm.
Theo Tờ trình, để bảo đảm tương quan với mức phụ cấp trách nhiệm cấp ủy viên tại Quy định số 169-QĐ/TW, Chính phủ đề nghị thực hiện theo phương án 1.
Thẩm tra Tờ trình, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành Phương án 2 của Chính phủ vì cho rằng, mức hoạt động phí hiện hành đối với đại biểu HĐND còn thấp. Ngoài ra, do chế độ đã được ban hành hơn 10 năm nên mức hoạt động phí này không còn phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay, chưa thực sự khuyến khích đại biểu HĐND hoạt động tích cực.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, mức hoạt động phí đối với đại biểu HĐND kiêm nhiệm có thể giữ nguyên như quy định hiện hành; trường hợp mức tăng hoạt động phí thêm 0,1 mức lương cơ sở chỉ nên áp dụng đối với đại biểu HĐND chuyên trách.
Cho ý kiến tại phiên họp, bày tỏ tán thành ý kiến của cơ quan thẩm tra, song Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền băn khoăn nếu phải chi thêm 471,2 tỷ đồng/năm thì ngân sách có đáp ứng được không? Khó khăn, tồn tại như thế nào?
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng bày tỏ quan điểm, trong điều kiện ngân sách khó khăn như hiện nay mà tăng thêm mức hoạt động phí đối với đại biểu HĐND các cấp thì ngân sách càng khó khăn thêm. “Theo tôi nên cố gắng giữ như phương án 1 là tốt” – ông nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt thì băn khoăn “nếu thực hiện phương án 1 thì tội cho HĐND, còn nếu phương án 2 thì lại trói buộc ngân sách”. Ông cũng phân vân khi Bộ Nội vụ chưa giải thích rõ nếu thực hiện theo phương án 2 thì hệ lụy của xã hội như thế nào, mức phụ cấp của HĐND so với cấp ủy ra sao?
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, vấn đề quan trọng khi ra Nghị quyết là phải làm rõ quan điểm “Nghị quyết này ra đời có đảm bảo được HĐND hoạt động hiệu quả hơn không, có khắc phục được những khó khăn hiện nay không?”.
Ủng hộ phương án 2, ông lý giải, nếu theo quy định của Hiến pháp mới và luật Tổ chức chính quyền địa phương thì vị trí, vai trò, chức năng của HĐND được tăng cường hơn. “Chúng ta đổi mới về tổ chức nhưng chế độ, điều kiện lại giữ như 10 năm trước đây thì làm sao bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt động được” – ông nói.
Cán bộ không bố trí ở đâu được mới đưa về HĐND?
Một trong những ý kiến đáng chú ý tại phiên họp sáng nay được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu là lâu nay, trong xã hội cũng như trong hệ thống cán bộ, công chức đã tồn tại tâm lý không muốn về hoạt động tại HĐND, đặc biệt là không muốn về làm chuyên trách. “Vậy trong đánh giá và trong chính sách của Chính phủ có phương án gì để xử lý vấn đề này không? Một trong những nguyên nhân người ta không muốn về là do chế độ chính sách, Chính phủ có biết việc này không và phương án xử lý như thế nào?” – bà Lê Thị Nga đặt câu hỏi.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh đến việc phải nâng cao hơn hoạt động của HĐND mà biện pháp trước hết là con người, thứ hai là về chính sách. “Vấn đề bố trí cán bộ là ai làm hội đồng, cứ cán bộ yếu rồi cho làm hội đồng, rồi làm hội đồng lại không có triển vọng phát triển nữa, đó mới là vấn đề chứ không phải việc tăng thêm 0,1 mức lương cơ sở. Cán bộ không bố trí vào đâu được nữa mới đưa về hội đồng có phải không?” – Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ trong Hội đồng nhân dân khóa tới phải chuẩn bị người có năng lực như thế nào để tạo sức hấp dẫn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân.
Kết thúc thảo luận, UBTVQH đã biểu quyết nhất trí thông qua dự thảo Nghị quyết về mặt nguyên tắc trên cơ sở đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý các ý kiến tại phiên họp. Riêng về mức hoạt động phí, UBTVQH thống nhất theo phương án 1 của Chính phủ, tức giữ mức hoạt động phí hiện hành tại Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 gồm 3 mức: 0,3 mức lương cơ sở đối với cấp xã; 0,4 mức lương cơ sở đối với cấp huyện, 0,5 mức lương cơ sở đối với cấp tỉnh.
Cũng trong phiên họp sáng nay, UBTVQH cho ý kiến về Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về các nội dung sau: Về trang phục và Chứng minh thư của Thẩm phán Tòa án nhân dân; về chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Tòa án nhân dân theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014; về bổ sung tạm thời về biên chế, số lượng Thẩm phán Cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp./.
Nguồn ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.