Vịnh Hạ Long: Di sản thế giới, doanh thu “ao làng”
Xét về thế mạnh của một danh thắng nổi danh toàn cầu như vịnh Hạ Long, với hơn 6,6 triệu lượt khách trong và ngoài nước ghé thăm năm 2011, thì những con số thu ngân sách từ kinh doanh du lịch trên vịnh Hạ Long như một sự hài hước.
Cần cân bằng giữa bảo tồn và phát triển vịnh Hạ Long.
Tại hội nghị bàn về kế hoạch xây dựng, kế hoạch đấu thầu thu phí và khai thác dịch vụ trên vịnh Hạ Long, sáng 9.8, tại TP.Hạ Long, Sở Tài chính Quảng Ninh cho biết, đóng góp của vịnh Hạ Long cho ngân sách năm 2010 là 94,1 tỉ đồng; năm 2011 khoảng 100 tỉ đồng; năm 2012 dự kiến đạt 250 tỉ đồng. Theo Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ninh – ông Nguyễn Văn Minh – mức thu trên không bằng mức thu của một dòng sông hay hồ cũng kinh doanh du lịch của Trung Quốc.
Ngoài nghệ thuật “moi” tiền du khách của những người làm du lịch ở Hạ Long kém xa một trời, một vực so với các đồng nghiệp ở các nước trong khu vực, thì việc các cơ quan chức năng “thờ ơ” với nhiều khoản phí, thuế… cũng là nguyên nhân dẫn tới sự thất thu nặng của du lịch Hạ Long.
Hiện nay, ít nhất có 4 loại phí trên vịnh Hạ Long, gồm: Phí tham quan vịnh, phí vệ sinh, phí sử dụng mặt nước, phí neo đậu. Tuy nhiên, chỉ có loại phí thứ nhất mới được quan tâm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – ông Nguyễn Văn Thành – ngỡ ngàng, bởi du lịch không phải là mảng quản lý của ông: “Có nhiều loại thuế lẽ ra có thể thu được thì chúng ta lại không thu. Tôi không hiểu vì sao lại không thu phí neo đậu tàu thuyền trên vịnh?”.
Với khoảng 1.500km2 mặt nước biển và hàng ngàn lượt tàu thuyền qua lại mỗi ngày, nhưng nguồn thu từ phí sử dụng mặt nước vịnh Hạ Long cũng đang bị bỏ ngỏ.
Có thể nói, việc tỉnh Quảnh Ninh quyết định chủ trương đấu thầu thu phí và khai thác dịch vụ trên vịnh Hạ Long khởi nguồn từ việc thất thu trên. Tuy nhiên, đấu thầu như thế nào cho hiệu quả có lẽ còn phải bàn chán, chứ chưa thể thực hiện ngay trong năm 2013, thậm chí năm sau nữa như mong muốn.
Có ý kiến cho rằng chỉ nên đấu thầu việc thu phí, bởi đấu thầu quyền khai thác các dịch vụ sẽ rất khó do không biết định lượng ra sao. Theo ông Trần Văn Ninh – Cục trưởng Cục Thuế Quảng Ninh: Giao cả việc thu phí và quyền khai thác các dịch vụ nếu không cẩn thận sẽ trở thành giao đất lâu dài cho các nhà thầu và vô tình thu hồi đất, mặt nước của những đối tượng khác. Đồng tình với chủ trương giao hai quyền trên cho một chủ thể, nhưng ông Hà Quang Long – GĐ Sở VHTTDL Quảng Ninh – cho rằng cần thận trọng nếu cho người nước ngoài thuê, bởi khi đó hơn 1.500km2 vùng vịnh sẽ thuộc quyền quản lý của họ.
Theo PCT UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành, nên thống nhất giao hai quyền đó cho một chủ thể, bởi như thế họ mới có động lực để kinh doanh, phát triển. Đồng thời, khi có quyền hành trên vịnh, họ sẽ dễ dàng hơn trong việc thu phí.
UNESCO lo lắng
Tuy nhiên, đây lại là điều mà nhiều người có thiên hướng bảo tồn hơn là khai thác vịnh Hạ Long lo lắng. Bởi, đứng về mặt kinh doanh, các nhà đầu tư, khi có quyền khai thác vịnh Hạ Long, sẽ tìm cách khai thác tối đa tiềm năng của vịnh để kiếm tiền. Vì thế, nếu không có quy hoạch và sự giám sát chặt chẽ, nguy cơ phá vỡ cảnh quan vịnh là rất lớn. Lo lắng trên hoàn toàn có lý, bởi việc quản lý, khai thác vịnh Hạ Long còn yếu, dẫn đến phải đấu thầu tìm người làm thay công việc này!
Tại một hội thảo quốc tế mới đây về vịnh Hạ Long, tại TP.Hạ Long, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam – bà Katherin Muller-Marin – đã bày tỏ sự quan ngại về việc tỉnh Quảng Ninh có chủ trương tách chức năng của Ban quản lý vịnh Hạ Long thành hai cơ quan độc lập – một phụ trách bảo tồn và một chuyên kinh doanh. Với quan điểm bảo tồn là chính – cũng là quan điểm của UNESCO đối với tất cả các di sản – bà Katherin cho rằng, trách nhiệm bảo tồn và thúc đẩy du lịch vịnh Hạ Long luôn song hành trong một thể thống nhất.
Trả lời PV Báo Lao Động, bà Katherin cho rằng, bảo tồn và phát triển phải cân bằng. Vì thế, hai mục tiêu này phải được đặt trong một tổ chức thống nhất, để mục tiêu này không lấn át mục tiêu kia. Theo bà Katherin, nếu muốn tăng cường khai thác vịnh Hạ Long thì có thể lập ra một nhóm chuyên khai thác nhưng phải nằm trong BQL vịnh, chứ không nên lập ra một đơn vị độc lập.
“Tương lai có nên áp dụng mô hình bảo tồn và kinh doanh riêng biệt hay không thì tôi không biết, nhưng hiện tại, vịnh Hạ Long đang đối mặt với quá nhiều vấn đề, như ô nhiễm môi trường, cảnh quan bị phá vỡ… Vì thế, bảo tồn vẫn phải là ưu tiên hàng đầu” – bà Ketherin chia sẻ với Lao Động.
Theo kế hoạch, cuối tháng này, Quảng Ninh sẽ xây dựng xong đề án về việc đấu thầu thu phí và khai thác dịch vụ trên vịnh Hạ Long, để lấy ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các chuyên gia. Tỉnh cũng dự kiến sẽ thuê các chuyên gia tư vấn hàng đầu thế giới trong quá trình kêu gọi đấu thầu.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.