Bộ GTVT siết chặt quy định màu sơn xe taxi

     Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định 91/2009/NĐ-CP sửa đổi, trong đó nhấn mạnh tới việc quy định màu sơn xe taxi đồng nhất trên cả nước, đề xuất quy định cấp phù hiệu đối với xe container nhằm quản lý, kiểm soát và tăng trách nhiệm của doanh nghiệp.

Theo Bộ GTVT, quy định về màu sơn xe taxi đã tác động lớn đến việc triển khai ở các địa phương. Lý do là quy định 1 màu thống nhất nhưng trong quá trình triển khai các địa phương lại hiểu không đồng nhất dẫn đến những nhầm lẫn. Vì vậy, cần thiết phải có sự sửa đổi bổ sung trong Nghị định 91 nhằm hướng dẫn quy định này để đảm bảo sự thống nhất khi triển khai.
 
Màu sơn xe taxi sẽ phải đồng nhất trên cả nước (ảnh minh họa)
Màu sơn xe taxi sẽ phải đồng nhất trên cả nước (ảnh minh họa)

Trong đó đề xuất Nghị định 91/2009/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều nêu rõ Quy hoạch phát triển vận tải khách bằng xe taxi; quy định số lượng xe taxi bảo đảm phù hợp với điều kiện giao thông. Các thành phố trực thuộc Trung ương được phép quy định màu sơn xe taxi của doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn thành phố.

Đề xuất sửa đổi quy định trên xe taxi có gắn đồng hồ tính tiền theo ki-lô-mét lăn bánh và thời gian chờ đợi, được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì. Doanh nghiệp hợp tác xã phải đăng ký trang trí màu sơn đặc trưng thống nhất trên nền màu sơn đăng ký của phương tiện (không trùng với trang trí màu sơn đã đăng ký của doanh nghiệp, hợp tác xã trước đó), biểu trưng (logo) và số điện thoại giao dịch trên phương tiện của doanh nghiệp, hợp tác xã. Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương có quy định màu sơn cho xe taxi thì doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện màu sơn theo quy định của thành phố.

Cùng với taxi, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2009/NĐ-CP của Bộ GTVT trình Chính phủ cũng nêu hoạt động kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trong đó, chấp thuận mở tuyến, khai thác trên tuyến, bổ sung hoặc ngừng hoạt động của phương tiện.

Bộ này nhấn mạnh việc cơ quan quản lý tuyến quyết định tăng doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên tuyến khi hệ số có khách (xuất phát tại 2 đầu bến) bình quân trên tuyến đạt trên 50%; tăng tần suất chạy trên tuyến của doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động khi hệ số có khách bình quân trên tuyến đạt trên 50%.

Đơn vị kinh doanh bố trí đủ số lượng lái xe và nhân viên phục vụ trên xe phù hợp với phương án kinh doanh và các quy định của pháp luật; đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 30 chỗ ngồi trở lên phải có nhân viên phục vụ trên xe (trừ xe hợp đồng chuyên đưa đón công nhân đi làm tại các khu công nghiệp, đưa đón học sinh và sinh viên đi học).

Liên quan đến thiết bị giám sát hành trình, Bộ GTVT khẳng định thông tin từ thiết bị này được sử dụng làm tài liệu trong quản lý hoạt động của đơn vị vận tải, đơn vị kinh doanh vận tải. Trong đó, lái xe có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan quản lý tuyến vận tải các thông tin liên quan đối với tất cả các chuyến xe hoạt động trong thời gian được cấp phù hiệu, biển hiệu và cung cấp cho lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát giao thông khi có yêu cầu.

Đối với quy định về quản lý phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, Bộ GTVT cho rằng có nhiều bất cập và cần điều chỉnh. Bộ này dẫn chứng việc quy định lắp đặt giám sát hành trình là đúng nhưng chưa đảm bảo để quản lý và kiểm soát trong quá trình tham gia hoạt động kinh doanh vận tải. Giải pháp được Bộ GTVT đề xuất là cần phải quy định cấp phù hiệu đối với loại hình vận tải này để đáp ứng yêu cầu quản lý và tăng trách nhiệm của doanh nghiệp nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Quy định thu hồi, tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô cũng được Bộ GTVT đề xuất sửa đổi. Trong đó, đơn vị kinh doanh bị tước quyền sử dụng giấp phép khi vi phạm điều kiện kinh doanh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dịch vụ và an toàn vận tải. Cụ thể, vi phạm một trong các nội dung sau (tính trong thời gian còn hiệu lực của phù hiệu, biển hiệu được cấp): Đơn vị kinh doanh vận tải có 5% số lượng lượt xe hoạt động trên tuyến người lái xe vi phạm hành trình, hoặc có 20% số lượng lượt xe hoạt động trên tuyến mà người lái xe vi phạm về quy định đón trả khách, hoặc 10% số lượng lượt xe hoạt động trên tuyến mà người lái xe vi phạm quy định về thời gian điều khiển phương tiện…

Cùng với việc siết chặt các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, Bộ GTVT cũng cho biết cần điều chỉnh việc quy định các thủ tục khi cấp phép để đảm bảo đơn giản hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị kinh doanh vận tải. Quy định về vi phạm các điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôt ô cũng cần được rõ ràng hơn để quá trình triển khai được minh bạch và công bằng.