Lá đỏ – khúc bi tráng và ký ức một thời hào hùng

Hai giờ biểu diễn của vở nhạc kịch Lá đỏ tưởng là dài, nhưng lại quá nhanh trong cảm xúc trước những ký ức về một thời hào hùng của dân tộc. Hiển hiện những cung đường Trường Sơn máu lửa và trên hết là khúc ca bi tráng của các chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi đạp lên bom thù để đi đến ngày toàn thắng.


Các nghệ sĩ tham gia vở nhạc kịch Lá đỏ.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã lùi xa hơn 40 năm. Những người lính Trường Sơn, người lính giải phóng năm xưa nay còn sống cũng đã trở thành người cao tuổi. Nhiều người ốm đau, bệnh tật. Một số người đã mất. Những con đường Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây “bên nắng cháy, bên mưa rừng” nay đã trở thành con đường xuyên Việt mang tên Hồ Chí Minh. Chỉ có núi sông, khe suối, lèn đá Trường Sơn còn đó. Còn cây rừng Trường Sơn, nơi mất, nơi còn, nơi đang được phủ xanh bằng những tán cây non che chắn những ngọn đồi, đỉnh núi, mọc đầy cỏ dại. Nhưng ký ức của chiến tranh, của những năm tháng hào hùng vĩ đại của dân tộc bỗng ùa về giữa Thủ đô Hà Nội vào những ngày cuối tháng 5, sau hai đêm diễn của Dàn nhạc giao hưởng và Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, qua vở nhạc kịch Lá đỏ của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, kịch bản thơ của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát (dựa trên tứ thơ bài “Lá đỏ” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi) cùng với sự xuất hiện của hơn 130 nghệ sĩ ca múa nhạc, họa sĩ, phục trang, ánh sáng… Đường Trường Sơn trong chiến tranh có cả nghìn cây số, có hàng trăm trọng điểm ác liệt suốt bao năm tháng luôn bị máy bay B52, B57, trực thăng, pháo hạm của Mỹ băm nát các đỉnh đèo, cánh rừng, lèn đá. Trên dải đất ấy đâu cũng là đất thiêng, đâu cũng có anh hùng. Nhưng các tác giả kịch bản của Lá đỏ đã lựa chọn hang Tám Cô trên mảnh đất Quảng Bình làm điểm tựa, tạo thế đứng cho một vở nhạc kịch dài hơn hai giờ đồng hồ, với hai màn và 44 khúc. Từng màn, từng khúc trong vở nhạc kịch là sự đan xen giữa hư và thực, giữa bom đạn, chết chóc với những khát vọng sống, yêu, hạnh phúc và chiến thắng. Đan xen giữa cái sống và cái chết, giữa con người và thần tiên. Sự hy sinh cũng như sự khẳng định phẩm giá con người ở đây chỉ diễn ra trong gang tấc nhưng đã được những người nghệ sĩ tái hiện một cách sinh động, chân thực bằng âm nhạc, lời ca, điệu múa, ánh sáng, sắc màu trong một không gian chật hẹp của Nhà hát TP Hà Nội.

Trong không gian mờ tỏ của khán phòng với hàng trăm người đến xem Lá đỏ, đã có những giọt nước mắt của những người một thời đi qua bom đạn chiến tranh khi nhìn lại, sống lại trong những ánh chớp của đạn bom năm nào. Đôi mắt đỏ hoe của các cô gái trẻ khi nhìn thấy một cuộc tình trong thời chiến giữa anh bộ đội với Hương, một trong số tám cô gái bị bom vùi lấp trong hang. Câu chuyện thật ra cũng đơn giản. Các tác giả kịch bản thơ và âm nhạc đã lựa chọn thời điểm tám cô gái thanh niên xung phong được giao nhiệm vụ mở đường Trường Sơn… Cuộc sống của họ tuy gian khổ, thiếu thốn, nhưng cháy sáng tình người, đó là sự yêu thương, sẻ chia, đoàn kết và luôn lạc quan, lãng mạn trước những khó khăn, khốc liệt. Đó còn là tình yêu của Sơn, một chiến sĩ đường Trường Sơn với Hương – cô đội trưởng thanh niên xung phong xinh đẹp. Bom nổ, vùi lấp miệng hang và kịch tính bắt đầu đến với từng số phận. Với xúc cảm và trí tưởng tượng của một người làm thơ, Nguyễn Thị Hồng Ngát đã đưa vào trong tác phẩm một nhân vật giả tưởng: nhân vật Thần Núi. Với thủ pháp nghệ thuật này, chị đã mở đường chắp cánh cho âm nhạc, giúp cho nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đủ sức tạo ra những cao trào, tính kịch, sự bi tráng – hào hùng vốn là âm hưởng nghệ thuật chủ đạo của một thời đại anh hùng – thời đại Hồ Chí Minh trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm ở thế kỷ 20. Đây cũng là một cơ hội và thách thức lớn giúp cho các ca sĩ: Tố Loan, Mạnh Dũng, Bùi Thị Trang, Thanh Bình, Đinh Như Tới, Huy Đức, Vành Khuyên, Song Thủy, Thanh Hà, Thu Giang, Phương Đông, Thu Hằng, Vũ Thị Nga, Trang, Phương Dung, Anh Vũ, Khánh Cường,…thể hiện giọng hát của mình trong một vở kịch lớn. Âm nhạc và ca từ được tạo nên bởi bối cảnh chiến tranh cùng với lối kết cấu huyền ảo đã chắp cánh cho dàn nghệ sĩ múa, nghệ sĩ âm nhạc của Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam dưới sự chỉ huy của Nhạc trưởng người Nhật Bản Hon-na Tét-xu-gi và NSND Phạm Anh Phương thỏa sức thể hiện những màn kịch sinh động, cuốn hút người xem, động đến tâm can của nhiều người vốn nặng lòng với quá khứ.

Sẽ có nhiều ý kiến đánh giá, nhận xét khác nhau về Lá đỏ. Một tác phẩm nhạc kịch lớn với sự đóng góp công sức của cả trăm con người. Việc khen chê cũng là chuyện bình thường, càng không thể cầu toàn. Điều mà các tác giả và những người nghệ sĩ đã làm được là đánh thức ký ức lịch sử của một thời hào hùng đầy kiêu hãnh về lòng yêu nước của con người Việt Nam với những tâm hồn trong trẻo của tuổi trẻ. Họ đã sống và chiến đấu với một nghị lực phi thường trong cuộc chiến đấu giữ nước vĩ đại ấy.

NHÀ VĂN ĐỖ KIM CUÔNG

Nguồn Báo Nhân Dân