Sách về biển Đông thu hút giới trẻ

       Sách về biển Đông bán chạy như tốc độ treo cờ Tổ quốc trên các trang mạng xã hội khi có sự kiện chính trị quan trọng, bà Hoa - một người bán sách nổi tiếng ở phố Đinh Lễ (Hà Nội) - cho biết.

Nhiều cuốn sách tư liệu xưa nay dường như chỉ dành cho giới nghiên cứu, luôn được để ở những chỗ “cao và xa” trên giá trong hiệu sách. Tuy nhiên, tư liệu về Trường Sa lại không như vậy. Thậm chí có cuốn như Việt Nam và tranh chấp biển Đông của Quỹ Nghiên cứu biển Đông và các tác giả, NXB Tri thức in, được bày ngay trên giá mặt tiền của cửa hàng sách số 5 Đinh Lễ. Một nguồn tin cho biết NXB Tri thức hiện đã bán hết đầu sách này và sắp tới đây, nhóm tác giả sẽ phát hành thêm trên mạng. Cuốn Việt Nam và tranh chấp biển Đông có nhiều phân tích với độ dài và cách trình bày như những bài báo áp sát nhiều sự kiện thời sự, một cách tiếp cận từ góc độ luật quốc tế. “Nhiều người tìm đọc tư liệu Trường Sa trong thời gian gần đây, do đó sách bán khá đều tay”, bà Hoa, chủ cửa hàng cho biết. Bà được ví như một “phong vũ biểu” trên thị trường sách nhờ biết đón nhận xu thế rất nhạy.

 Sách về biển Đông thu hút giới trẻ
 Sách về Trường Sa đang bán chạy - Ảnh: Trinh Nguyễn

Cùng đề tài biển Đông, Trường Sa, cửa hàng còn một số cuốn sách khác như Người Việt với biển (NXB Thế giới), Hoàng Sa Trường Sa hỏi và đáp (NXB Trẻ) hay Kỷ yếu Hoàng Sa (NXB Thông tin & truyền thông)… Trừ Việt Nam và tranh chấp biển Đông có sự tham gia của nhà báo, Kỷ yếu Hoàng Sa mang dấu ấn tổng hợp tư liệu, những cuốn sách còn lại đều của các nhà nghiên cứu với nhiều phân tích. Có thể thấy, sách đề tài này xuất bản nhiều hơn trong vài năm gần đây.

 

Mua sách vì được hệ thống kiến thức

Theo anh Nguyễn Thanh Tuấn, Công ty Bkav: “Bạn bè chúng tôi vẫn nói với nhau về Trường Sa, về biển Đông. Dù thông tin trên mạng không phải không có, nhưng chúng tôi rủ nhau mua sách vì trong sách mọi thứ tập trung và hệ thống hơn”.

Trước khi trở thành cuốn sách bán chạy, Người Việt với biển là công trình nghiên cứu của nhiều tác giả do PGS-TS Nguyễn Văn Kim chủ biên. Các tác giả gắn kết trong nhóm nghiên cứu thương mại châu Á (PGS-TS Nguyễn Văn Kim thành lập và phụ trách), chính vì thế sách có nhiều tư liệu trong chính sử Trung Quốc và qua quan sát của các thương nhân, giáo sĩ phương Tây. “Tự họ - những người ngoại quốc và các nguồn tư liệu đã nói lên một cách khách quan, hiện thực về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo trên biển Đông”, Giáo sư Vũ Dương Ninh đánh giá về cuốn sách.

Hoàng Sa Trường Sa hỏi và đáp của TS Trần Nam Tiến, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu biển và đảo, ĐH Quốc gia TP.HCM, chọn phương thức hỏi đáp ngắn gọn để giải thích các vấn đề biển đảo. “Nếu chưa từng đọc về Hoàng Sa, Trường Sa rất nên chọn cuốn sách này, bởi nó giới thiệu vấn đề ngắn và mạch lạc”, một dịch giả nổi tiếng giới thiệu cuốn sách với bạn bè.

“Thường thì sách nghiên cứu, tư liệu chỉ bán cho nhà khoa học và người tuổi trung niên. Tuy nhiên, sách về Trường Sa lại có độc giả trẻ, thường là những người vừa tốt nghiệp đại học, mới đi làm”, bà Hoa nói. Rõ ràng, nhu cầu đọc sách về Trường Sa của người trẻ là có thật.

Một tác giả có bài đăng trong cuốn Việt Nam và tranh chấp biển Đông cho biết những cuốn sách này vẫn chưa được quảng bá tốt từ phía nhà xuất bản. Nếu quảng bá sách tốt hơn, cơ hội tiếp cận sách của người trẻ sẽ còn cao hơn nữa.