Về cây hoa sen trong bài ca dao “Tát nước đầu đình”

“Tát nước đầu đình” là bài ca dao quen thuộc với mọi tâm hồn Việt, ít ngày nay bỗng được báo chí nhắc tới nhiều do phát hiện của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long về cây hoa sen mọc ở chùa Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội”.

Loài cây mà nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long (NQL) nhắc đến được trồng tại chùa Bối Khê, gắn biển với tên gọi “cây sen đất”, có nơi gọi là cây sen núi (…) cây sen đất ở chùa Bối Khê có thân gỗ, gần giống thân cây hồng xiêm, lá giống lá đa”.

Búp hoa sen đất có hình dáng không khác gì hoa sen đầm. Ảnh: NQL.
Búp hoa sen đất có hình dáng không khác gì hoa sen đầm. Ảnh: NQL.

Phát hiện trên đã góp thêm một cách nhìn mới thú vị cho bài ca dao “Tát nước đầu đình” dù suy luận của NQL có hơi hướng của cách cắt nghĩa văn chương theo phương pháp xã hội học của thế kỉ trước:” vắt áo lên hoa sen trong đầm thật thì cũng khó xảy ra vì nếu vào mùa có sen, tôi nghĩ không tát nước được. Trong khi, là cây sen đất thì lúc nào cũng có thể vắt áo lên cành!”.

Có lẽ chỉ nên coi đây là một cách nhìn, cách hiểu, thay vì khẳng định ” cây hoa sen này chính là “cành hoa sen” đã đi vào ca dao Việt Nam qua bao thế hệ: “Đêm qua tát nước đầu đình/Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen”, “Lên chùa bẻ một cành sen/Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng…”.

Thứ nhất, khi nhà nghiên cứu khẳng định cây sen đất chỉ duy nhất trồng được ở Bối Khê thì suy luận “Toàn bộ không gian trong bài ca dao này toát lên khung cảnh của đồng bằng Bắc Bộ, nên chúng ta có thể nhận định là bài ca dao được ra đời ở vùng này” sẽ không chặt chẽ bởi Bối Khê chỉ là một địa phương của đồng bằng Bắc Bộ!

Thứ hai, có sự khiên cưỡng trong quan niệm của NQL khi cho rằng cây sen đất trồng ở đất chùa linh thiêng, và “Từ chính sự linh thiêng ấy nên trong bài ca dao, khi chàng trai ngỏ ý với cô gái rằng bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen, dù đó là sự tán tỉnh yêu đương nhưng nó lại thể hiện tính nghiêm túc trong tình cảm mà chàng trai muốn gửi tới cô gái”. Theo tâm thế người Việt, sự nghiêm túc thể hiện ở việc gắn kết tình yêu với hôn nhân; còn việc bày tỏ tình yêu bên cây sen đất ở đinh chùa linh thiêng hay cây sen bình dị thanh tao trong đầm sen thơ mộng đều không hề phương hại tới sự nghiêm túc của tình yêu.

Thứ ba, tuyệt đối không nên suy luận:”… các cụ ta cũng chân chất, thật thà, ăn nói mộc mạc kiểu “Gặp đây anh nắm cổ tay/ Anh hỏi câu này có lấy anh không?” chứ ít khi vòng vo, văn vở… Vì lối suy nghĩ người xưa gần gũi với hành động nên tôi cho rằng, không chàng trai nào nói dối như thế.”

Trong kho tàng ca dao Việt Nam, số lượng những bài ca dao có cách nói vòng vo và có sự phi lí trong cách nói vòng vo chiếm tỷ lệ không nhỏ. Ví như bài ” Ước gì sông rộng một gang/ Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi”, chắc chả ai căn vặn về sự phi lí của cây cầu trên dòng sông rộng một gang, sự phi lí của “vật liệu” xây cầu… mà chỉ mỉm cười về đích đến thi vị hóm hỉnh của cây cầu đặc biệt ấy! Và bên cạnh những cách tỏ bày mộc mạc, có thể thấy ông cha xưa có những cách tỏ tình rất lãng mạn, tình tứ, khi ướm hỏi trân trọng: ” Vườn hồng đã có ai vào hay chưa”, khi gợi ý ngọt ngào:” Tre non đủ lá đan sàng nên chăng”… Tát nước đầu đình có thể coi là sự thăng hoa siêu phàm trong “nghệ thuật tỏ tình” – và tự ngàn xưa, hình như chả có ai cho rằng hàng loạt những phi lí trong bài ca dao này là ” nói dối” – từ việc vô duyên khoe chuyện tát nước quên áo, rồi khi không lại thắt buộc cho người ta nhặt được áo, đổ thừa giữ áo làm tin, rồi kể lể dông dài gia cảnh, sau thoắt cái quay ra nhờ khâu áo, cuối cùng sự phi lí lên tới cao độ khi công khâu áo hoá ra lại trùng khít với sính lễ của một đám cưới!

Tình yêu luôn có con đường đi riêng, chỉ cần có một xuất phát điểm chân thành, tha thiết thì mọi phi lí, dông dài vô duyên đều có thể trở thành những cây cầu dẫn dắt đưa đường ý nhị, tình tứ và có duyên vô cùng cho đôi lứa! Trái tim người con gái luôn phi lí và chấp nhận sự phi lí nếu tin vào sự chân thật của tình yêu; với họ, nội dung lời nói chưa chắc quan trọng bằng cách nói!

Trong bài ca dao Tát nước đầu đình, cô gái chứng kiến, lắng nghe từ đầu tới cuối lời tỏ bày vừa khôn khéo, vừa chân thành của chàng trai, cô không hề bận tâm có thật hay không việc quên áo và nhờ khâu áo, chẳng quan tâm cành sen trong đầm có vắt được áo hay không; thậm chí không bận tâm kể cả cái sính lễ đầy đặn trang trọng có khi chỉ là cách nói ước lệ cho niềm ước ao da diết của chàng trai nghèo, điều cô quan tâm là tình yêu của chàng trai, một tình yêu có thật! Con gái thường yêu bằng tai, những cách nói lãng mạn kiểu như “Hỡi cô cắt cỏ bên sông/ Có sang anh ngả cành hồng cho sang” thường khiến nàng ngả nghiêng xao xuyến hơn cả lời hứa về “nhà ngói cây mít”; chàng trai trong Tát nước đầu đình cũng thật tâm lý để tạo ra sự tinh tế lãng mạn khi “Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen”, tấm áo không còn thô mộc nữa mà thanh ngát hưong sen, bất luận đó là cành sen đất trong đình chùa linh thiêng hay cành sen trong đầm sen thơ mộng, vì dù ở đâu, đó cũng chỉ là cành sen ảo! Mượn cái ảo của “cành hoa sen” để bày tỏ tình yêu trân quí có thật trong lòng, với mọi cô gái trên đời, thế đã là quá đủ!

Từ cách hiểu một cành hoa sen trong bài ca dao quen thuộc, mong góp thêm một cách ứng xử với văn học dân gian vốn luôn hồn nhiên và sâu sắc như tình yêu, xa lạ với mọi sự lý giải, cắt nghĩa duy ý chí!

                                                                                       TS Văn học Trịnh Thu Tuyết

Báo Dân Trí