Đề xuất điều kiện hành nghề lập quy hoạch di tích

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất quy định về điều kiện hành nghề lập quy hoạch, dự án, báo cáo kinh tế – kỹ thuật, thiết kế, thi công, giám sát thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Ảnh minh họa

 

 

 

 

 

 

 

Đề xuất này được đưa ra tại dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề lập quy hoạch, dự án, báo cáo kinh tế – kỹ thuật, thiết kế, thi công, giám sát thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, di sản văn hóa nói chung và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích nói riêng là lĩnh vực chuyên môn sâu, đòi hỏi người chủ trì, tham gia trong công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có trình độ chuyên ngành xây dựng và bên cạnh đó, cần am hiểu về lịch sử, văn hóa, khoa học và hiểu biết về di tích thông qua nghiên cứu, đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và qua thực tiễn tham gia hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Để đảm bảo trình độ chuyên môn trong nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa của ông cha để lại thì việc cấp Chứng chỉ hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cần thiết phải đủ cả 2 yếu tố về trình độ chuyên môn thuộc chuyên ngành xây dựng (Chứng chỉ hành nghề xây dựng) và chuyên môn cộng với kinh nghiệm thực tế về di sản văn hóa.

Qua tham khảo một số nước trên thế giới có kinh nghiệm tiên tiến về bảo vệ di sản văn hóa (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…), pháp luật về di sản văn hóa đã được các nước quy định thành một lĩnh vực chuyên ngành riêng, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kinh tế – kỹ thuật được quy định đầy đủ trong hệ thống pháp luật. Việt Nam chúng ta hiện nay vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; các tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức chi phí về tu bổ di tích đang dần được xây dựng; các trường đại học, viện nghiên cứu chuyên ngành chưa đào tạo ở bậc đại học về bảo tồn di tích như các nước tiên tiến trên thế giới đã thực hiện… do đó, việc cấp Chứng chỉ hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cho các cá nhân tham gia hoạt động này trên cơ sở đã có chứng chỉ chuyên ngành xây dựng là hoàn toàn phù hợp.

Từ khi Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL có hiệu lực, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp 131 Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề và 719 Chứng chỉ hành nghề. Việc cấp Giấy chứng nhận, Chứng chỉ hành nghề từ đó đến nay đã góp phần hạn chế được những vi phạm trong hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên cả nước, ý thức của cộng đồng và xã hội về hoạt động này ngày càng nâng cao.

Để tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; củng cố, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng nói chung và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích nói riêng, tại dự thảo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Chứng chỉ hành nghề và Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề lập quy hoạch di tích, dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế, thi công, giám sát thi công tu bổ di tích.

Trình tự cấp Chứng chỉ hành nghề, Giấy chứng nhận hành nghề

Theo dự thảo, đối với Chứng chỉ hành nghề, cá nhân nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao có thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề quy định.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm kiểm tra và yêu cầu bổ sung hồ sơ nếu thiếu hoặc không hợp lệ.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm xem xét, quyết định cấp Chứng chỉ hành nghề. Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Chứng chỉ hành nghề có hiệu lực trong thời hạn 5 năm.

Đối với Giấy chứng nhận hành nghề, tổ chức gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hành nghề đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao có thẩm quyền cấp Giấy Chứng nhận hành nghề theo quy định

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cấp Giấy chứng nhận hành nghề có trách nhiệm kiểm tra và yêu cầu bổ sung hồ sơ nếu thiếu hoặc không hợp lệ.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm xem xét, quyết định cấp Giấy chứng nhận hành nghề. Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Giấy chứng nhận hành nghề có hiệu lực trong thời hạn 5 năm.

Theo Chinhphu.vn