Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kon Tum

Ngày 3-7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kon Tum về tình hình phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn sáu tháng đầu năm, bàn nhiệm vụ và giải pháp cuối năm 2016.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực phát triển kinh tế – xã hội của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kon Tum những năm qua. Thủ tướng nêu rõ, Kon Tum là địa phương có truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất, có tinh thần tự lực, tự cường, tuy khó khăn nhưng luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, nhất trí cao. Trong năm tỉnh Tây Nguyên, Kon Tum là tỉnh giữ được diện tích rừng che phủ tốt nhất. Bước đầu, tỉnh đã áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, hình thành vùng canh tác một số cây có giá trị như sâm ngọc linh, cà-phê, cao-su,… Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, Kon Tum vẫn còn những khó khăn, hạn chế, do đó các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh phải ra sức nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, Kon Tum cần quan tâm phát huy thế mạnh của địa phương, hướng đến chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, hạn chế bán, xuất thô; coi trọng phát triển thương hiệu, nhất là cà-phê; quan tâm bảo vệ rừng để hưởng lợi từ rừng; nỗ lực phát triển rừng, nâng độ che phủ, thực hiện tốt chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, trồng rừng thay thế, xử lý nghiêm các trường hợp phá rừng tự nhiên, hoặc chuyển rừng nghèo sang trồng cây công nghiệp. Chú trọng tái cơ cấu các nông, lâm trường, trong đó rà soát quỹ đất đai để giao đất giao rừng cho người dân địa phương, không để người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất canh tác sản xuất. Thủ tướng yêu cầu Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh tăng cường giám sát việc này, làm rõ trách nhiệm trong việc quản lý rừng thì mới phát triển rừng. Cần quan tâm hơn giáo dục đào tạo, nâng cao nhận thức cho người dân xóa bỏ hủ tục; tăng cường thâm canh, chế biến, tận dụng mọi điều kiện đất đai để mở rộng chăn nuôi, xóa đói, giảm nghèo, quan tâm việc học hành của trẻ em…, từng bước nâng cao mức sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp tỉnh Kon Tum nghiên cứu, tìm giải pháp thúc đẩy, nâng cấp hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối giao thông trên địa bàn. Tỉnh phải tiếp tục phân tích, tìm giải pháp giảm nghèo bền vững hơn, nhanh hơn; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp rõ hơn để tập trung phát triển một số cây, con có thế mạnh, làm rõ và đưa vào quy hoạch phát triển. Đẩy mạnh công nghiệp chế biến, quan tâm bảo vệ môi trường sinh thái, không để xảy ra tình trạng ô nhiễm. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, chú ý giải quyết việc làm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tập trung giải ngân hết số vốn trong các chương trình mục tiêu quốc gia; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân, chú trọng bảo đảm nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp,… Thủ tướng lưu ý, tỉnh cần bảo đảm tốt an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, đoàn kết các dân tộc, không để yếu tố bất lợi xảy ra ở vùng biên giới, không để kẻ xấu kích động, phá hoại quan hệ đoàn kết hữu nghị với các nước láng giềng.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã cho ý kiến về một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh Kon Tum.

Sáu tháng qua, tổng sản phẩm trên địa bàn Kon Tum ước đạt 4.234 tỷ đồng, tăng hơn 5% so cùng kỳ năm trước; thu ngân sách tính đến ngày 20-6 đạt 815 tỷ đồng, bằng 33% dự toán năm; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 2.133 tỷ đồng, tăng 8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 6.818 tỷ đồng, tăng 12,43%; các sản phẩm chủ lực của tỉnh được quan tâm đầu tư phát triển. Tuy nhiên, hạn hán đã gây thiếu nước tưới cho gần 4.200 ha diện tích cây trồng, làm hơn 12.640 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, thiệt hại sản xuất nông nghiệp lên tới hơn 157 tỷ đồng.

Nguồn Báo Nhân Dân