Kỳ thi THPT quốc gia 2016 thành công tốt đẹp
Ngay sau khi môn thi cuối cùng kết thúc, chiều muộn ngày 4/7, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo thông tin về công tác thi của kỳ thi THPT quốc gia 2016.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, kỳ thi THPT quốc gia 2016 đã kết thúc tốt đẹp. Việc mở rộng số lượng cụm thi quốc gia là một thách thức rất lớn đối với Bộ GD&ĐT, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương trong cả nước, sự hỗ trợ của các bộ ngành, trách nhiệm cao của các trường ĐH, các Sở GD&ĐT chúng ta đã tổ chức thành công Kỳ thi năm nay, tạo không khí phấn khởi cho thí sinh và nhân dân cả nước.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, năm nay có 887.400 thí sinh đăng ký dự thi, giảm 12% so với năm trước (khoảng 1 triệu); số thí sinh dự thi chỉ để tốt nghiệp chiếm 32%. Có 14 tỉnh thành chỉ tổ chức cụm thi đại học.
“Như vậy so với các năm từ năm 2014 về trước có gần 2 triệu hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ ở 3 đợt thi và khoảng 20% thí sinh tốt nghiệp THPT không dự thi ĐH, CĐ, thì số đăng ký dự thi năm nay đã khẳng định hiệu quả của công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong việc phân luồng học sinh, giảm chi phí do hồ sơ ảo” – Thứ trưởng cho hay.
Năm nay có 120 cụm thi, trong đó có 70 cụm thi đại học. Tỷ lệ thí sinh dự thi đạt cao, trên 99% do thuận lợi trong việc thi cử, không phải di chuyển nhiều.
Về đề thi, Thứ trưởng khẳng định công tác ra đề thi năm nay đã được Bộ GD&ĐT thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt từ khâu tuyển chọn người ra đề; soạn thảo, in sao đề thi; vận chuyển và bảo quản đề thi. Mặt khác, đề thi đã đạt được yêu cầu của Kỳ thi, không đánh đố, nội dung thuộc chương trình phổ thông chủ yếu lớp 12.
“Đề thi được dư luận xã hội đánh giá cao bởi tính phân loại cao. Đề thi năm nay tạo tâm lý thoải mái, hứng thú sáng tạo cho thí sinh khi làm bài, có nhiều nội dung liên hệ thực tiễn. Năm nay phổ điểm của thí sinh chắc chắn sẽ rộng, phân bố thành nhiều mức điểm thi, thuận lợi cho công tác xét tuyển, bởi đề thi phân bố ở các mức: dễ, vừa, khó vừa, khó, rất khó” – Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, chấm thi sẽ tiến hành ngay ngày 5/7, bảo đảm chậm nhất đến 20/7 phải toàn tất công tác chấm thi. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo rất chặt chẽ công tác chấm thi đến các trường đại học, các sở; yêu cầu các cụm thi phải bảo đảm tiến độ chấm thi, không được chậm trễ gây ảnh hưởng đến tiến độ cả nước.
Về công bố điểm thi, khi có kết quả chấm thi, Bộ sẽ tổng hợp dữ liệu, sau đó chuyển về cho cả 70 cụm thi đại học công bố, do đó không lo bị “sập mạng” khi công bố điểm thi. Để đảm bảo không xảy ra nghẽn mạng khi thí sinh truy cập kết quả thi, Bộ đã lưu ý các cụm thi làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, ưu tiên đường truyền tại thời điểm công bố kết quả thí.
“Tổ chức cụm thi ở tất cả các tỉnh, thành phố trong nước có thể xem như là một phép thử quan trọng để tiếp tục đổi mới công tác thi, tuyển sinh nhẹ nhàng, hiệu quả hơn trong những năm sắp tới” – Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.
Trao đổi với báo chí về đề thi môn Ngữ Văn năm may, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT một lần nữa khẳng định, phần trích dẫn trong bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ được trích dẫn là đúng. Tư liệu trong đề thi môn Ngữ Văn lấy trong cuốn Thơ Việt Nam 1945 – 1985 do Nhà Xuất bản Giáo dục xuất bản năm 1985, khi đó nhà thơ Lưu Quang Vũ vẫn còn sống và có độ tin cậy cao. Gần đây, PGS.TS Lưu Khánh Thơ – em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ – cũng đề cập đến bản gốc của bài thơ này.
“Đặc điểm của câu hỏi phần Đọc hiểu là việc đưa ra ngữ liệu chỉ là nguyên liệu để đặt câu hỏi kiểm tra kiến thức, kỹ năng của học sinh về đọc hiểu. Ngữ liệu đưa vào đề mỗi năm đa dạng, phong phú, có nguồn gốc chú thích rõ ràng. Với tất cả các điều như vậy, đề thi năm nay đảm bảo độ tin cậy, chính xác” – ông Mai Văn Trinh làm rõ thêm./.
Nguồn ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.