Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp mặt các nhà khoa học quốc tế tham dự hội nghị “Khoa học cơ bản và xã hội”

Chiều 9-7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp mặt các giáo sư đoạt giải Nô-ben và các nhà khoa học quốc tế tham dự hội nghị “Khoa học cơ bản và xã hội” vừa được tổ chức tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Đây là một trong chuỗi các sự kiện của chương trình “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ XII” năm 2016, được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm “Gặp gỡ Morion” do GS Trần Thanh Vân sáng lập. Cùng dự buổi gặp mặt có Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh.

1

Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các nhà khoa học quốc tế. Ảnh: NHAN SÁNG (TTXVN)

Tại buổi gặp mặt, GS Trần Thanh Vân và các giáo sư, các nhà khoa học bày tỏ vui mừng trước sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với các nhà khoa học, các hoạt động khoa học; đồng thời kiến nghị Chủ tịch nước và Chính phủ một số vấn đề như: cần quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn cho các dự án đưa khoa học đến với công chúng và với trẻ em; có chính sách để thu hút, phát triển nguồn nhân lực trẻ, tài năng phục vụ đất nước; có chính sách để khơi dậy và phát triển tiềm năng khoa học công nghệ trong nước… Các nhà khoa học cũng mong muốn Chủ tịch nước cùng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương giúp đỡ, hỗ trợ cho Hội Gặp gỡ Việt Nam và tỉnh Bình Định xây dựng Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) tại Bình Định trở thành một điểm đến và điểm gặp gỡ khoa học hằng năm của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế.

Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình của các tổ chức khoa học, các nhà khoa học quốc tế dành cho Việt Nam nói chung, khoa học Việt Nam nói riêng. Chủ tịch nước nêu rõ, trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn dành cho khoa học- công nghệ sự quan tâm đặc biệt, coi đây là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế – xã hội. Thành tựu sau 30 năm đổi mới của Việt Nam có sự đóng góp tích cực của khoa học – công nghệ, trong đó có khoa học cơ bản. Mặc dù điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, song nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cũng như nỗ lực, tâm huyết của đội ngũ các nhà khoa học, khoa học – công nghệ Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, trong đó khoa học cơ bản của Việt Nam nằm trong tốp đầu của các nước ASEAN. Năm 2015, Trung tâm Vật lý quốc tế và Trung tâm quốc tế về đào tạo và nghiên cứu toán học của Việt Nam trở thành hai trong 66 cơ sở nghiên cứu khoa học tự nhiên được UNESCO công nhận và bảo trợ. Đáng chú ý, từ năm 1974 đến nay, các đoàn học sinh của Việt Nam dự Ô-lim-pích toán quốc tế luôn đạt giải cao và nằm trong số 10 nước đứng đầu thế giới… Có được những kết quả nêu trên trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức khoa học, các nhà khoa học quốc tế đóng vai trò hết sức quan trọng, nhất là trong các lĩnh vực nghiên cứu mới mà Việt Nam còn thiếu nhân lực, kinh nghiệm.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những đóng góp đầy tâm huyết từ nhiều năm nay của GS Trần Thanh Vân và phu nhân là GS Lê Kim Ngọc trong việc tổ chức các chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” tại TP Quy Nhơn để thiết lập mạng lưới kết nối các nhà khoa học quốc tế với cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam. Chủ tịch nước đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn dân về vai trò, tầm quan trọng của khoa học – công nghệ nói chung, khoa học cơ bản nói riêng; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với sự nghiệp phát triển khoa học – công nghệ; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ khoa học – công nghệ với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của từng ngành, từng cấp và từng địa phương. Bên cạnh đó, tập trung phát triển mạnh mẽ khoa học – công nghệ, làm cho khoa học – công nghệ thật sự là động lực quan trọng để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng – an ninh…

Chủ tịch nước mong muốn và đề nghị các giáo sư, các nhà khoa học quốc tế tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực khoa học, kết nối cộng đồng khoa học trên thế giới, đồng thời giới thiệu các nhà khoa học quốc tế đến với Việt Nam, cũng như với nền khoa học Việt Nam nhiều hơn nữa…

Theo TTXVN