Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Theo đó, phấn đấu hằng năm có từ 4 – 5 tài năng thuộc mỗi lĩnh vực, ngành đào tạo được cử tham dự và đoạt giải thưởng các cuộc thi, hội diễn, triển lãm nghệ thuật trong nước và quốc tế hoặc được Hội đồng chuyên môn đánh giá cao, được công chúng đón nhận.
Phấn đấu đến năm 2025, tuyển sinh và đào tạo được khoảng 1.800 sinh viên đại học; trên 200 sinh viên cao đẳng và khoảng 1.500 học sinh trung cấp theo học các lớp tài năng thuộc các lĩnh vực, ngành đào tạo của Đề án.
Về hình thức đào tạo, đào tạo tập trung ở trong nước, trong đó có thời gian thực tập ngắn hạn ở nước ngoài và tham gia các cuộc thi, hội diễn, triển lãm, trại sáng tác theo ngành, chuyên ngành đào tạo ở trong nước và nước ngoài; liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo, đơn vị nghệ thuật có uy tín của nước ngoài.
Việc đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật được tổ chức thực hiện tại các cơ sở đào tạo trong nước, có uy tín trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật; hằng năm, có sự rà soát, đánh giá các cơ sở đào tạo tài năng để điều chỉnh, bổ sung nhằm bảo đảm, nâng cao chất lượng đào tạo.
Bắt đầu từ năm 2017, tuyển sinh trình độ đại học khoảng 185 chỉ tiêu ở các lĩnh vực: Âm nhạc, Mỹ thuật, Sân khấu, Điện ảnh và ngành Sáng tác văn học; trình độ cao đẳng khoảng 20 chỉ tiêu ở lĩnh vực Múa; trình độ trung cấp khoảng 150 chỉ tiêu ở các lĩnh vực Âm nhạc, Múa, Xiếc.
Căn cứ tình hình cụ thể về chất lượng nguồn tuyển sinh hằng năm, tiêu chuẩn và năng lực của cơ sở đào tạo, có thể điều chỉnh tăng hoặc giảm chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm từ 10% – 15%, bảo đảm tổng chỉ tiêu đào tạo không vượt quá số lượng quy định của Đề án.
Tạo điều kiện thuận lợi để đào tạo, phát triển các tài năng trẻ
Một trong các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án là xây dựng môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để đào tạo, phát triển các tài năng trẻ. Cụ thể, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên tài năng về học tập, rèn luyện, trau dồi đạo đức nghề nghiệp và văn hoá ứng xử, phát huy mạnh mẽ tinh thần tự học, tự nâng cao trình độ chuyên môn.
Bên cạnh đó, tăng cường dạy và học ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên tài năng phù hợp với yêu cầu của từng ngành, lĩnh vực đào tạo; tạo môi trường thuận lợi để các tài năng trẻ có cơ hội giao lưu học hỏi, nâng cao khả năng ngoại ngữ và kiến thức chuyên môn; tăng cường các hoạt động, cơ hội giao lưu giữa học sinh, sinh viên theo học các lớp tài năng với các nghệ sĩ, chuyên gia nước ngoài thông qua các hoạt động như tọa đàm, hội thảo chuyên ngành, biểu diễn nghệ thuật, tổ chức triển lãm, trại sáng tác.
Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm khách quan, công bằng để học sinh, sinh viên các lớp tài năng được phát huy khả năng sáng tạo trong học tập và nghiên cứu khoa học; khuyến khích việc tổ chức hội nghị khoa học, giao lưu trao đổi kinh nghiệm học tập với học sinh, sinh viên trong nước và quốc tế phù hợp với lĩnh vực, ngành đào tạo.
Báo ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.