Khu di tích cách mạng Trạm Bò trên xứ hoa Ðà Lạt
Trạm Bò xưa, nay là Xuân Thọ, nằm cách trung tâm Ðà Lạt 12 km về hướng đông, bên quốc lộ 20B. Ðây là vùng đất đã đi vào lịch sử cách mạng của thành phố Ðà Lạt (Lâm Ðồng).
Theo lịch sử Ðảng bộ Lâm Ðồng, người dân lưu tán lên với vùng cao nguyên này trong những ngày đầu của thế kỷ 20 khi thực dân Pháp mở rộng khai thác thuộc địa, phần lớn đều từ những nơi có truyền thống cách mạng, bị áp bức bóc lột nặng nề nên có tinh thần đoàn kết đấu tranh. Nhờ có mối liên hệ chặt chẽ với quê nhà nên phong trào cách mạng các nơi khác nhanh chóng ảnh hưởng và tác động sâu sắc đến Lâm Ðồng.
Ngày 3-2-1930, dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã ra đời trên cơ sở hợp nhất của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Ðồng chí hội với một số tổ chức cộng sản, trong đó có Tân Việt, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng nước ta, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước và chứng tỏ rằng giai cấp vô sản nước ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng. Ngay sau khi Ðảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, tháng 4-1930, Chi bộ Tân Việt tại Ðà Lạt đã tổ chức hội nghị giải thể và thành lập chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Lâm Viên (nay là Lâm Ðồng). Hội nghị được tổ chức trên tầng gác căn buồng số hai nhà xe khách sạn Palace (Ðà Lạt), gồm ba đảng viên do đồng chí Trần Diệm làm bí thư. Từ đây, giai cấp công nhân Lâm Viên có tổ chức tiên phong, tổ chức cao nhất của giai cấp mình để lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương.
Từ khi chi bộ Ðảng ra đời, ảnh hưởng của Ðảng đã nhanh chóng lan rộng trong quần chúng, công tác xây dựng Ðảng được tăng cường, tập hợp lực lượng quần chúng, chi bộ tổ chức các Công hội đỏ trong công nhân nhà máy đèn, hãng thầu xây dựng, đồn điền, công nhân xe lửa và những người làm trong các hiệu may. Ở Trạm Bò (Xuân Thọ) cũng đã thành lập hội Tương tế và một số hội Ái hữu đồng hương gồm những người cùng quê đến đây làm ăn, sinh sống. Ngoài ra còn có Hội Phụ nữ, Hội Phản đế đồng minh thu hút nhiều hội viên tham gia. Thông qua hoạt động của các tổ chức quần chúng, Chi bộ Cộng sản Lâm Viên đã từng bước tuyên truyền đường lối, chủ trương của Ðảng, nhóm lên ngọn lửa cách mạng, lòng yêu nước của đồng bào ở đây để đứng lên chống lại thực dân, giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Lúc này, Trạm Bò được biết tới như một địa chỉ đỏ cho các đảng viên Cộng sản ngày đó. Tại đây, đồng chí Lê Quang Phấn dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo của Ðảng đã triển khai các hoạt động, trong đó mở nhiều lớp huấn luyện cho các đảng viên và tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho những người dân yêu nước ở đây và các làng lân cận. Cũng cần phải thấy rõ tầm quan trọng của sự ra đời của chi bộ đầu tiên ở Lâm Ðồng nói chung và ở Trạm Bò nói riêng đã có những tác động mạnh mẽ cho phong trào yêu nước chống thực dân ở vùng đất cao nguyên này và càng thấy rõ hơn công lao của các bậc tiền bối cách mạng khi đó. Ở vùng đất Trạm Bò này, được sự chỉ đạo của Ðảng, đồng chí Lê Quang Phấn cùng vợ là bà Ðỗ Thị Khương không chỉ tích cực tham gia các hoạt động của chi bộ, tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho quần chúng mà còn nhận nhiệm vụ làm kinh tế để gây quỹ Ðảng, nuôi dưỡng, che giấu các cán bộ cách mạng thông qua những hoạt động như làm nghề thầu xây dựng, trồng hoa, bán hàng la-ghim, chăn nuôi gia súc. Cơ sở Trạm Bò đã góp phần quan trọng tạo dựng phong trào cách mạng ở Lâm Ðồng, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản vượt qua những cam go, thử thách trong những ngày đầu và thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Phát huy truyền thống cách mạng của mảnh đất Trạm Bò xưa, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Xuân Thọ hôm nay đã và đang tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước cũng như của địa phương để quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Một nhà bia lưu niệm khu di tích Trạm Bò cũng đang dự kiến được chính quyền và nhân dân xã Xuân Thọ xây dựng nhằm giáo dục và phát huy truyền thống cách mạng, tưởng nhớ và biết ơn các bậc tiền bối, lão thành cách mạng.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.