Điền kinh Việt Nam với Olympic 2016: Đường đua không dễ thở

Điền kinh (môn thể thao được mệnh danh là “nữ hoàng”) luôn được chờ đợi nhất tại mỗi kỳ Olympic. Với Olympic Rio de Janeiro 2016, một lần nữa chúng ta có 2 suất chính thức góp mặt: Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Thành Ngưng.

Hãy chứng thực bằng kết quả

Nguyễn Thị Huyền (400m, 400m rào nữ), Nguyễn Thành Ngưng (đi bộ nam) dù là các tuyển thủ giành vé chính thức nhưng qua họ, không ít tranh cãi đã xảy ra trong quá trình chuẩn bị cho Olympic 2016.

VĐV Nguyễn Thị Huyền.  Ảnh: N.Anh – T.L

Với Nguyễn Thị Huyền, cô vắng mặt hoàn toàn trong một năm, không thi đấu từ trong nước tới quốc tế kể từ sau giải điền kinh VĐTG 2015 (tháng 8-2015). Thành Ngưng khiến mọi người tranh cãi rằng vì sao nhà quản lý không chú ý vào tuyển thủ này. Để rồi, khi Ngưng bất ngờ có vé chính thức, tuyển thủ người Đà Nẵng mới được đầu tư nhiều hơn. Huyền có những lý giải riêng của mình. Cô đã bảo, do những hiểu lầm giữa thầy-trò và đôi lúc không đồng nhất cũng như mình có thời gian dưỡng thương rồi học tập nên có một quãng thời gian khó khăn khi chuẩn bị cho Olympic. Thầy của cô (HLV Vũ Ngọc Lợi) từng ngợi ca học trò hết lời nhưng cũng không ít lần gởi đơn xin rút không huấn luyện Huyền vì sự chểnh mảng. Thành Ngưng trên thực tế chưa một lần thể hiện năng lực hiệu quả nhất. Kể từ khi được phát hiện có khả năng đi bộ và vào đội tuyển quốc gia, kết quả quốc tế cao nhất của chàng trai người Hòa Vang (Đà Nẵng) cũng chỉ là tấm HCĐ cá nhân SEA Games 26-2011.

Trước thi đấu, không ai muốn tuyển thủ phân tâm. Mọi sự tập trung cao độ phải có để đạt được một kết quả tốt nhất. Trưởng bộ môn Điền kinh Dương Đức Thủy một số lần phân tích từng cho biết với ý rằng đúng là chúng ta chưa và không thể giành được huy chương trong môn Điền kinh tại Olympic vào lúc này. Thế nhưng, tâm thế VĐV được dự Olympic không thể bằng lòng coi đó là phần thưởng mà xác định đã thi đều nỗ lực. Kết quả tại Olympic phản ánh năng lực của họ trước đối thủ thế giới nên ít nhất, từng người vượt được chỉ số chuyên môn cao nhất bản thân hoặc phá KLQG là điều tất cả đều hài lòng. Đáng tiếc, không nhiều tuyển thủ điền kinh từng được dự Olympic của thể thao Việt Nam hướng về mục tiêu xa như vậy.

VĐV Nguyễn Thành Ngưng

Huyền và Ngưng đã có mặt tại Rio de Janeiro. Theo những thông tin chia sẻ, hiện cả 2 tập luyện làm quen khí hậu trước khi chính thức thi đấu Olympic 2016. Xua tan mọi nghi ngờ không gì tốt hơn bằng chỉ số chuyên môn tốt nhất.

Đầu tư thế nào là phù hợp

Olympic 2016 chưa diễn ra nhưng rõ ràng, điền kinh Việt Nam đã phải tính phương án chuẩn bị nhân lực cho cuộc giành vé sau đây 4 năm tại Nhật Bản. Những đầu tư cho đội điền kinh Việt Nam trong kế hoạch giành chuẩn Olympic 2016 là nhiều. Chúng ta đã thấy nhiều về tiền bạc (có tuyển thủ được đi Mỹ tập huấn) và nhiều về số lượng VĐV được chuẩn bị (có 7 người trong danh sách đầu tư trọng điểm). Trong 7 người, chỉ 1 người thành công là Nguyễn Thị Huyền. Người không trong số ấy là Thành Ngưng tạo ấn tượng bất ngờ. Yếu tố may mắn làm nên thành công, điều này không ai phủ nhận. Tất nhiên, cả 7 tuyển thủ mà điền kinh chúng ta tập trung cao độ để giành chuẩn Olympic 2016 trong nội dung họ tranh tài đều là người xuất sắc nhất và triển vọng nhất chúng ta đang sở hữu. Đáng tiếc, nhiều sự kỳ vọng không thể thành công.

Năm 2012, điền kinh Việt Nam lần đầu dự Olympic bằng 2 suất chính thức (Nguyễn Thị Thanh Phúc, đi bộ; Dương Thị Việt Anh, nhảy cao). Năm đó chúng ta cũng đầu tư mạnh mẽ cho Vũ Thị Hương (cự ly ngắn), Trương Thanh Hằng (cự ly trung bình) nhưng họ bất thành giành vé chính thức thi đấu Olympic. Và cũng ở năm đó, điền kinh Việt Nam vào phút chót có thêm một suất chính thức của Dương Thị Việt Anh khi cô may mắn vượt được mức xà 1m91 đạt đủ tiêu chuẩn đi London (Anh).

 Tốt nhất vẫn là Vũ Thị Hương

Cựu tuyển thủ này từng dự Olympic 2008 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) trong cự ly 100m. Hương đã vượt qua vòng loại đầu tiên với chỉ số 11”65 để tiếp bước thi đấu vòng 2. Đáng tiếc tại vòng 2, cô không thành công và xếp hạng 39 chung cuộc. Năm đó, nhiều người đã tin Hương có thể tiến tới tìm được một suất vào bán kết nội dung. Đây cũng là lần đầu, điền kinh Việt Nam ở cự ly ngắn dự một kỳ Olympic có tuyển thủ vượt qua vòng đầu tiên.

Thanh Phúc truyền bí kíp cho em trai

Tuyển thủ đi bộ Nguyễn Thị Thanh Phúc (ảnh) cho biết, gia đình mình vô cùng hạnh phúc khi thêm một lần nữa tại Olympic 2016, có thành viên thi đấu. Năm 2012, Thanh Phúc góp mặt tại London (Anh). Năm nay, em trai Nguyễn Thành Ngưng của cô sẽ tranh tài tại Rio de Janeiro.

“Ai cũng ao ước một lần được thi đấu tại Olympic. Đó là điều rất linh thiêng. Khó khăn lớn nhất trong thi đấu, với nội dung đi bộ, tại Olympic, tôi thấy là ở vấn đề thời tiết. Múi giờ tại địa điểm thi đấu thường chênh lệch với Việt Nam nên chúng tôi phải mất nhiều thời gian làm quen. Dù cũng được thi đấu quốc tế nhiều nhưng sự thích nghi vẫn rất quan trọng. Mỗi chúng tôi được dự Olympic đều luôn đặt cho mình một động lực để phấn đấu hết mình”, Phúc cho biết. Về em trai Thành Ngưng, hiện tại Phúc cho biết hàng ngày có trao đổi với em mình để chia sẻ kinh nghiệm và có những bí quyết riêng để chiến đấu trong ngày quan trọng sắp tới.

SGGP