Cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ do hoàn lưu bão số 2
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai sáng 3/8, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tuy nhiên, một số tỉnh ở vùng núi phía Bắc cần đề phòng xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Khoảng 20h tối 2/8 Bão số 2 đã suy yếu thành Áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Hồi 4 giờ ngày 3/8, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 24,4 độ vĩ Bắc; 109 độ kinh Đông, trên khu vực tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Dự báo trong khoảng 6 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20-25km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên đất liền tỉnh Quảng Tây. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6.
Dự báo khu vực vịnh Bắc Bộ sáng 3/8 tiếp tục có mưa dông mạnh kèm lốc xoáy và gió giật mạnh. Từ sáng 3/8 đến hết ngày 4/8, khu vực Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to, riêng Việt Bắc, Tây Bắc có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa cả đợt khoảng 100-200mm, có nơi trên 250mm. Cấp độ rủi ro cấp 1-2.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 2 kết hợp với đới gió Đông Nam sau bão hoạt động mạnh, từ đêm 2/8 đến hết ngày 4/8, khu vực Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to; riêng vùng núi và trung du Bắc Bộ, phía Tây Bắc Bộ có mưa to đến rất to (100-200mm, có nơi trên 250mm). Dự báo từ ngày 3-5/8, trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ nhỏ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2 đến 4 mét, ở hạ lưu từ 1 đến 2 mét.
Cảnh báo lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất có khả năng xảy ra tại nhiều tỉnh ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt một số tỉnh như: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Về công tác khắc phục hậu quả bão số 1, theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến cuối ngày 2/8, các sự cố về lưới điện cao thế từ 110KV trở lên và lưới điện phân phối tại 4 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất (Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình) đã cơ bản được khắc phục, chỉ còn 4/104 xã thuộc tỉnh Hà Nam chưa được cấp điện. Về tiêu úng, trong ngày 2/8/2016, các tỉnh tiếp tục triển khai bơm tiêu úng với diện tích 8.753 ha lúa bị ngập còn lại (Hà Nam 3.000 ha; Nam Định 5.217 ha; Ninh Bình 536 ha).
Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đối với các tỉnh chịu ảnh hưởng của cơn bão số 1 cần tiếp tục đẩy nhanh công tác tiêu úng, khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, sớm ổn định đời sống của bà con. Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, để chủ động triển khai các biện pháp đối phó với mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; cảnh báo, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động các biện pháp phòng, tránh. Căn cứ diễn biến mưa lũ, chủ động tổ chức kiểm soát các phương tiện giao thông trên sông; hướng dẫn người, phương tiện qua lại tại các khu vực ngầm, tràn, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn. Riêng các tỉnh Lào Cai và Yên Bái cần sớm rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại do dông, lốc và tổ chức huy động các lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống./.
Theo báo cáo nhanh số 124/BC-VPTT ngày 2/8/2016 của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Lào Cai, mưa dông kèm theo sét đánh đã gây thiệt hại trên địa bàn các huyện: Bảo Thắng, Mường Khương và Si Ma Cai. Trong đó, làm 2 người chết, 3 người bị thương, 2 nhà bị sập, 5 ha ngô bị gãy đổ. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lào Cai cùng chính quyền địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình các nạn nhân và huy động các lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do thiên tai, sớm ổn định đời sống.
Tại Yên Bái, theo thông tin ban đầu từ Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN, dông lốc mạnh xảy ra khoảng 17h chiều 2/8 trên địa bàn huyện Văn Chấn và Nghĩa Lộ đã làm ảnh hưởng, hư hại khoảng 1.000 nhà, lều lán, công trình phụ (sập, tốc mái, xô nghiêng…). |
Nguồn ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.