Ông Tập Cận Bình: Vắng mặt bí ẩn, “tái xuất” kỳ lạ

       Sau 13 ngày vắng mặt một cách đầy bí ẩn, khiến tin đồn tràn ngập trong và ngoài nước, Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã “tái xuất” nhưng lại là một “cuộc tái xuất kỳ lạ”. Điều đó khiến cho sự vắng mặt của người được cho là Nhà lãnh đạo tương lai của Trung Quốc càng trở nên bí ẩn và tin đồn vì thế càng dấy lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

                      
                                               Ông Tập Cận Bình
 
Cuộc “tái xuất” kỳ lạ
 
Hôm qua (13/9), Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lần đầu tiên xuất hiện sau gần 2 tuần vắng mặt đầy bí ẩn. Tuy nhiên, lần “tái xuất” này của ông Tập Cận Bình chỉ là trên giấy, thông qua phương tiện truyền thông.
 
Ông Tập Cận Bình đã không xuất hiện trước công chúng trong suốt 13 ngày qua và ông đã hủy một loạt cuộc gặp quan trọng với các phái đoàn ngoại giao cao cấp đến từ nhiều nước, trong đó có Mỹ, Nga, Đan Mạch… Sự vắng mặt của ông Tập Cận Bình đã gây ra một loạt tin đồn xung quanh sức khỏe của ông này. Tuy nhiên, trong suốt thời gian ông Tập Cận Bình vắng mặt thì cũng từng ấy thời gian, Trung Quốc im lặng trước những tin đồn đang dấy lên ồn ào xung quanh việc ông này đang ở đâu và đang làm gì.
 
Phó Chủ tịch Tập Cận Bình là người được dự đoán gần như nắm chắc chắn chiếc ghế Chủ tịch Trung Quốc sau khi ông Hồ Cẩm Đào kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 10 năm nay. Việc ông Tập Cận Bình “biến mất một cách bí ẩn” mà không có bất kỳ lời giải thích nào diễn ra trong thời điểm rất nhạy cảm khi Trung Quốc đang hối hả chuẩn bị cho một cuộc chuyển giao quyền lực mang tính lịch sử 10 năm một lần. Điều đó khiến cho bức màn bí ẩn quanh ông Tập Cận Bình càng trở nên bí ẩn, càng khiến người ta tò mò và từ đó gây ra đủ loại tin đồn.
 
Khi mà tin đồn tràn ngập khắp nơi thì ngày hôm qua, ông Tập Cận Bình “tái xuất”. Báo chí nhà nước Trung Quốc cho biết, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cùng với các quan chức cấp cao hàng đầu khác đã gửi  lời chia buồn “qua các phương tiện khác nhau” về sự ra đi của một vị cựu tướng của Trung Quốc hồi tuần trước. Tờ Nhật báo Quảng Tây đã đề cập đến cái tên của Phó Chủ tịch Tập Cận Bình trong khi nói về những các quan chức Trung Quốc chia buồn trước cái chết của cựu Tướng Huang.
 
Các thông tin tương tự cũng được đăng tải trên một loạt website tin tức của nhà nước Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, không có tờ báo nào đưa thêm chi tiết gì khác về ông Tập Cận Bình hay đả động gì về tình hình sức khỏe của ông.
 
Bản thân chính phủ Trung Quốc cũng không hề đưa ra bất kỳ lời giải thích nào về sự vắng mặt của một trong những quan chức trọng yếu hàng đầu của chính phủ như ông Tập Cận Bình. Tại một cuộc họp báo định kỳ chiều qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lại một lần nữa từ chối trả lời những câu hỏi liên tiếp về sự vắng mặt bí ẩn của ông Tập Cận Bình. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp, ông Hồng Lỗi từ chối đề cập đến thông tin về Phó Chủ tịch Trung Quốc.
 
Tuy nhiên, ông Hồng Lỗi khẳng định, các hoạt động chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 18 của Trung Quốc vẫn đang diễn ra tích cực và “các quan chức Trung Quốc sẽ thông báo những thông tin liên quan vào những thời điểm thích hợp”.
 
Dồn dập tin đồn
 
Được dự đoán là nhân vật chính của cuộc chuyển giao quyền lực lịch sử sắp tới nên sự vắng mặt bất ngờ và đầy khó hiểu của ông Tập Cận Bình đã gây ra một “cơn bão” tin đồn. Trong vài ngày đầu tiên sau khi ông Tập Cận Bình hủy cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ và sau đó là Thủ tướng Đan Mạch, có tin đồn cho rằng, Nhà lãnh đạo tương lai của Trung Quốc đang phải dưỡng thương sau khi bị đau lưng vì tham gia một trận đấu bóng hoặc có thể là đi bơi. Có tin đồn chỉ đơn giản là ông Tập Cận Bình đang bận bịu làm quen với việc điều hành nền kinh tế lớn thứ 2 của thế giới trước khi chính thức tiếp nhận sự chuyển giao quyền lực từ tay Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào tháng tới.
 
Tuy nhiên, tin đồn nhiều nhất tập trung vào việc, Nhà lãnh đạo 59 tuổi Tập Cận Bình bị đau lưng do đi lặn ở bể bơi hồi tuần trước. Không rõ tin đồn này xuất phát từ đâu và nó hoàn toàn không được kiểm chứng về độ xác thực.
 
Mỗi ngày qua đi, lại có thêm nhiều tin đồn khác về sức khỏe của ông Tập Cận Bình và thời gian ông vắng mặt càng dài thì tin đồn về sức khỏe của ông này lại trở nên nghiêm trọng hơn. Mấy ngày nay, ông Tập Cận Bình bị đồn là bị nhồi máu cơ tim, bị đột quỵ, bị ung thư hay vừa trải qua một cuộc phẫu thuật khẩn cấp.
 
Ngày hôm qua, Trung tâm Thông tin Nhân quyền và Dân chủ ở Hồng Kông cho biết, các bác sĩ đã phát hiện một khối u nhỏ đang phát triển ở gan của ông Tập Cận Bình hôm 2/9 và ông này vừa phải trải qua một cuộc phẫu thuật tại Bệnh viện Quân đội 301 ở thủ đô Bắc Kinh. Trung tâm trên dự đoán, ông Tập Cận Bình sẽ xuất hiện trở lại trong tuần tới.
 
Tuy nhiên, một người đàn ông trả lời điện thoại tại văn phòng quản lý của Bệnh viện Quân đội 301 cho biết, ông không hề biết Phó Chủ tịch Tập Cận Bình có phải đang điều trị tại bệnh viện của ông hay không đồng thời bác bỏ những thông tin về tình hình sức khỏe của ông Tập Cận Bình.
 
“Tôi có thể nói rằng, đó hoàn toàn chỉ là những tin đồn vô căn cứ. Thông tin về sức khỏe của các nhà lãnh đạo là một bí mật lớn mà chỉ những người ở cấp cao nhất mới được biết”, người đàn ông trên cho biết.
 
Ngoài tin đồn trên, ngày hôm qua, tờ Telegraph của Anh dẫn lời ông Li Weidong, một nhà bình luận chính trị ở thủ đô Bắc Kinh và là cựu biên tập của tờ Cải cách Trung Quốc, cho biết: “Mặc dù mọi người đồn là ông ấy bị đau lưng nhưng ông ấy thực ra là bị đau tim. Các nguồn tin giấu tên khác cũng cho rằng ông Tập Cận Bình bị đau tim trong khi ông Willy Lam, cựu biên tập của tờ Hoa Nam Buổi sáng, tin rằng, Nhà lãnh đạo tương lai của Trung Quốc bị đột quỵ và hiện không thể xuất hiện trước công chúng.

Có lẽ, người ta sẽ không bao giờ biết được lý do tại sao ông Tập Cận Bình lại vắng mặt bất ngờ suốt gần 2 tuần qua. Và việc các quan chức Trung Quốc vắng mặt bí ẩn một thời gian dài không phải là điều gì lạ lẫm. Dù Trung Quốc bây giờ có thể đã trở thành một trục quan trọng của nền kinh tế toàn cầu và là một lực lượng có ảnh hưởng trên chính trường ngoại giao thế giới nhưng những thông tin xung quanh các nhà lãnh đạo của họ vẫn luôn là một ẩn số có tính bí mật tối cao đối với 1,3 tỉ dân của nước này.
 
“Trung Quốc từ lâu đã có truyền thống không thông báo về sự ốm đau hay bất kỳ vấn đề gì liên quan tới những nhà lãnh đạo cấp cao của họ. Trung Quốc tin rằng, việc cung cấp những thông tin như vậy chỉ tạo ra thêm những tin đồn đoán”, ông Scott Kennedy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Kinh tế Trung Quốc của Trường Đại học Indiana ở thủ đô Bắc Kinh cho biết.
 
Năm nay là năm quan trọng đối với Trung Quốc khi nước này bước vào cuộc chuyển giao quyền lực cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, đúng giai đoạn quan trọng này, chính trường Trung Quốc phải chứng kiến một scandal lớn nhất từ trước đến nay, đó là sự sụp đổ của cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Ông này vốn đang là một ngôi sao sáng trên chính trường Trung Quốc và đang được dự báo sẽ nắm giữ một vị trí chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo mới ở Trung Quốc trong thời gian tới. Sau scandal trên, mới đây nhất, hồi đầu tháng này, một thư ký thân cận của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào bất ngờ bị giáng chức vì scandal liên quan đến vụ tai nạn xe siêu sang Ferrari của con trai ông này.
 
Những diễn biến trên khiến cho vấn đề chính trị ở Trung Quốc trở nên nhạy cảm hơn và bất kỳ dấu hiệu nào cũng có thể khiến người ta nảy sinh những tin đồn đoán vô căn cứ và có thể được xuyên tạc bởi những phần tử đối lập.