Cần hơn 125.000 tỉ đồng cho hạ tầng giao thông ĐBSCL
Ngoài việc tập trung nguồn vốn để hoàn thành các dự án đang được triển khai, để hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và nâng cao năng lực kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tổng nhu cầu vốn của khu vực này giai đoạn 2016-2020 là hơn 125.000 tỉ đồng.
Nội dung nêu trên nằm trong dự thảo kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và logistics vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải thuộc Bộ Giao thông Vận tải, được một nguồn tin từ Ban chỉ đạo Tây Nam bộ gửi đến TBKTSG Online mới đây.
ĐBSCL cần một hạ tầng giao thông đồng bộ để phát triển. Ảnh: Vân Anh |
Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, dự thảo kế hoạch nêu trên cũng sẽ được Bộ Giao thông Vận tải, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và các địa phương trong vùng ĐBSCL thảo luận cụ thể hơn vào ngày 22-8 tới ở Cần Thơ.
Theo dự thảo này, giai đoạn 2016-2020, lĩnh vực đường bộ ở ĐBSCL sẽ có 45 dự án ưu tiên đầu tư mới với tổng nhu cầu vốn là 90.329 tỉ đồng, chiếm 72,06% tổng nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn này, trong đó có 22 dự án đầu tư bằng ngân sách nhà nước với tổng vốn đầu tư là 23.958 tỉ đồng; 14 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA với tổng vốn là 38.513 tỉ đồng; 9 dự án đầu tư bằng nguồn xã hội hóa với tổng vốn 27.858 tỉ đồng.
Lĩnh vực đường biển có 22 dự án ưu tiên đầu tư với tổng nhu cầu vốn là 18.006 tỉ đồng, chiếm 14,36% tổng nhu cầu vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông ĐBSCL trong giai đoạn này, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và xã hội hóa.
Đường thủy nội địa có 14 dự án ưu tiên đầu tư với tổng nhu cầu vốn là 10.347 tỉ đồng tỉ đồng, chiếm 9,44% tổng nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn này ở ĐBSCL, được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước và xã hội hóa.
Trong khi đó, đối với lĩnh vực hàng không có 4 dự án ưu tiên đầu tư với tổng nhu cầu vốn đầu tư là 5.187 tỉ đồng, chiếm 4,14% tổng nhu cầu vốn đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông vận tải của khu vực ĐBSCL trong giai đoạn 2016-2020.
Với việc dự kiến đầu tư mới vào một loạt các dự án cũng như các dự án đang được triển khai, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải đặt mục tiêu dần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và nâng cao năng lực kết nối của vùng ĐBSCL.
Cụ thể, đối với đường bộ sẽ hoàn thiện 5 trục dọc qua vùng ĐBSCL, gồm tuyến N1, N2, Quốc lộ 1, cao tốc TPHCM-Cần Thơ-Cà Mau và tuyến hành lang ven biển; hoàn thành việc đầu tư nâng cấp các tuyến trục ngang, gồm quốc lộ 30, 53, 54, 57, 61, 62, 63, 80, 91 đạt tiêu chuẩn cấp III, quy mô 2 làn xe; hoàn thành xây dựng các cầu lớn, gồm cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh, cầu Đại Ngãi và cầu Rạch Miễu 2.
Các dự án đường thủy nội địa có mục tiêu phát huy hiệu quả của dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL (WB5); tiếp tục nâng cấp các tuyến vận tải thủy hiện có; từng bước giải quyết xử lý các cầu có tĩnh không thấp, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải thủy nội địa.
Đối với đường biển, hoàn thành dự án luồng vào cảng trên sông Hậu; nâng cấp cụm cảng Cái Cui thành cảng tổng hợp quốc gia; tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống cảng và luồng tàu một cách đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải của vùng.
Đối với lĩnh vực hàng không, đầu tư nâng cấp để nâng cao năng lực và chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hành khách tại các sân bay hiện có; nâng cấp và kéo dài đường băng sân bay Cà Mau nhằm nâng cao khả năng phục vụ vận tải hành khách.
Riêng đối với đường sắt, tiến hành nghiên cứu và tìm kiếm nguồn vốn để đầu tư tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh đi Mỹ Tho, Cần Thơ vào thời điểm thích hợp.
Tuy nhiên, Viện Chiến lược và Phát triển hạ tầng giao thông vận tải cũng nhìn nhận nguồn vốn để đầu tư vào hàng loạt các công trình giao thông để đảm bảo các mục tiêu theo các quy hoạch, kế hoạch ở trên là rất lớn. Do đó, đơn vị này đề xuất hướng đầu tư là tập trung cho các dự án trọng điểm, có tính chất “động lực”, giải quyết các “nút thắt” kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL trước.
Cũng theo báo cáo của Viện Chiến lược và Phát triển hạ tầng giao thông vận tải, trong giai đoạn 2010-2016, vùng ĐBSCL đã đầu tư và hoàn thành được 46 dự án, trong đó, đường bộ có 39 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 76.462 tỉ đồng.
Theo đó, nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ nguồn trái phiếu chính phủ (chiếm 47%) và ngân sách nhà nước (chiếm 19%), còn lại là các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách.
Xét về cơ cấu vốn đầu tư theo ngành, thì nguồn vốn đầu tư chủ yếu tập trung ở 2 lĩnh vực chính là đường bộ (chiếm 79%) và hàng hải (chiếm 13%), trong khi đường thủy nội địa lâu nay được xem là thế mạnh của vùng thì chỉ chiếm 1% tổng vốn đầu tư trong giai đoạn này…
Nguồn thesaigontimes.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.