Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Sẵn sàng ứng cứu các điểm xung yếu, nguy hiểm của bão số 3
Chiều 18/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với tại Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn (KTTV) Trung ương để nghe báo cáo diễn biến cơn bão số 3.
Báo cáo với Thủ tướng về tình hình cơn bão số 3, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương Hoàng Đức Cường cho biết, chiều nay, tâm bão số 3 ở vị trí 21 độ vĩ bắc và 110,8 độ kinh đông, nằm sát bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Vùng gần tâm bão, gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 – 11 và vẫn tiếp tục di chuyển theo hướng tây. Qua tham khảo thông tin từ các đài khí tượng thuỷ văn quốc tế và dự báo của Việt Nam đều cho thấy, cơn bão số 3 nhiều khả năng sẽ mạnh lên khi đi vào vùng biển vịnh Bắc Bộ.
Cũng theo ông Hoàng Đức Cường, dự báo cơn bão số 3 bắt đầu ảnh hưởng đến đất liền nước ta trong khoảng trưa và chiều mai 19.8. Hiện tại, vùng trọng tâm bão đổ bộ chưa thể xác định rõ, nhưng cơn bão này có vùng gió mạnh rất rộng, khoảng 200 km, kéo dài từ Nghệ An đến Quảng Ninh. Trong đó, khu vực các tỉnh từ Hải Phòng đến Quảng Ninh phải đề cao cảnh giác. Báo cáo với Thủ tướng, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng bày tỏ lo ngại khi bão số 3 có vùng ảnh hưởng rất rộng và sẽ gây mưa lớn. Vùng núi có nguy cơ lớn xảy ra sạt lở. Đồng bằng các tỉnh Bắc bộ mới trải qua bão số 1 đang trong thời gian khắc phục hậu quả nên theo ông Thắng, bão số 3 tiếp tục đổ bộ vào đây sẽ rất nguy hiểm, thiệt hại sẽ rất lớn.
Trước thực trạng trên, đòi hỏi công tác chỉ đạo ứng phó phải huy động đồng bộ các cấp, các ngành Trung ương đến địa phương để giảm thấp nhất thiệt hại về tài sản và tính mạng người dân. Đối với bão số 3, Thủ tướng đánh giá cao việc Trung tâm KTTV đã tăng cường phối hợp và thu nhận các nguồn tin khác nhau từ các nước trên thế giới để có dự báo kịp thời, chính xác. Thủ tướng đặc biệt lo lắng về mưa lớn có thể xảy ra, sau khi bão số 1 và số 2 đã gây ngập nhiều diện tích lúa với thiệt hại không nhỏ. Nếu mưa lớn gây ngập sâu nữa thì thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều.
Do đó, cần chỉ đạo cấp điện thường xuyên, bảo đảm các trung tâm, trạm bơm tiêu úng hoạt động tốt. “Cần thiết thì đặt một số trạm bơm trung gian chạy bằng dầu để hỗ trợ một số vùng có nguy cơ ngập kéo dài, gây chia cắt. Do đó, ngành điện cần có sự chủ động, ứng trực, xử lý kịp thời. Đừng để bão đã qua một ngày rưỡi rồi mà chưa có điện”, Thủ tướng nêu rõ.
Nhấn mạnh bảo vệ tính mạng con người là mục tiêu vô cùng quan trọng khi thiên tai xảy ra, Thủ tướng yêu cầu, khi chưa xảy ra bão thì phải chỉ đạo sớm, giữ nhà cửa, cứu lúa, cảnh giác lở đất, an toàn hồ đập; mọi ngành, kể cả hàng không, đều phải có phương án ứng phó. Phải dự báo đến các ngành, người dân là bão lớn, giật cấp 12-14. Khi cần thiết phải di dời dân. Và cần thiết, từ ngày mai, các cấp các ngành dừng mọi cuộc họp không cần thiết để dành thời gian chỉ đạo ứng phó với bão số 3. Tất cả các địa phương sẵn sàng ứng cứu các điểm xung yếu, nguy hiểm.
Trên tinh thần chỉ đạo thường xuyên, thông tin đầy đủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã cử 3 Phó Thủ tướng cùng các lãnh đạo một số bộ có liên quan trực tiếp đến các địa phương trọng điểm mà Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương dự báo bão sẽ đổ bộ để trực tiếp đôn đốc, chỉ đạo. Thủ tướng quán triệt tinh thần là hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.