Tiền Giang tổ chức giỗ Trương Định và đón nhận danh hiệu Văn hóa phi vật thể quốc gia
(THTG) Ngày 20/8, tại Thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang tổ chức lễ giỗ lần thứ 152 năm ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết và đón nhận danh hiệu “ Lễ hội Trương Định là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam.
Ảnh: Phi Phụng
Đến dự lễ có Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên trung ương Đảng , Phó Chủ nhiệm tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam, ông Nguyễn Văn Danh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tiền Giang, ông Lê Hồng Quang- Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tiền Giang, ông Lê Văn Hưởng , Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, thị xã Gò Công qua các thời kỳ.
Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, trong khi triều đình nhà Nguyễn nhu nhược ký Hiệp ước nhường đất cho Pháp. Trương Định mộ quân, lập căn cứ quân sự tại vùng đất Gò Công, khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Cuộc khởi nghĩa của Trương Định gây nhiều tổn thất cho thực dân Pháp, được nhân dân phong tặng danh hiệu Bình Tây đại nguyên soái. Trong trận chiến ngày 20/8/1864, Trương Định bị thương nặng và ông đã tuẫn tiết để không rơi vào tay giặc.
Cảm phục trước hành động bất khuất của Trương Định, nhân dân khu vực Gò Công lập đền thờ và tổ chức lễ giỗ Trương Định. Lễ giỗ nầy được duy trì thường xuyên tại xã Gia Thuận, của huyện Gò Công Đông, là nơi Trương Định tuẫn tiết và thị xã Gò Công là nơi xây dựng tượng đài và đền thờ Trương Định.
Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng dân cư về lòng yêu nước, bất khuất chống ngoại xâm. Do đó ngày giỗ của Trương Định được nhiều người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đến viếng và trở thành lễ hội trong khu vực. Vì vậy ngày 10/3/2016, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận lễ hội Trương Định là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Ảnh: Phi Phụng
Nhân kỷ niệm 152 năm ngày Trương Định tuẫn tiết, ông Nguyễn Kiều Linh, đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam trao bằng công nhận “ Lễ hội Trương Định là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” cho huyện Gò Công Đông và thị xã Gò Công.
Trong cuộc khởi nghĩa của Trương Định, bà Trần Thị Sanh, quê ở Gò Công là người vợ thứ của Trương Định đã hỗ trợ cho Trương Định rất nhiều tiền bạc, của cải để duy trì cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Do đó ngày 27/1/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang công nhận di tích mộ bà Trần Thị Sanh tại P5, thị xã Gò Công là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Thay mặt Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, ông Lê Văn Nghĩa , Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã trao bằng công nhận mộ bà Trần Thị Sanh là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cho chính quyền địa phương thị xã Gò Công.
CÔNG LUẬN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.