Ngày hội khai trường và ước mong đổi mới

7h30 sáng ngày 5/9, Lễ khai giảng năm học mới 2016-2017 sẽ được tổ chức đồng loạt trên cả nước với ý nghĩa để ngày khai trường trở thành kỷ niệm thiêng liêng đối với học sinh.

ngay hoi khai truong va uoc mong doi moi hinh 0
Ngày khai trương trở thành kỷ niệm thiêng liêng với các em. Ảnh: Toàn Văn.

Lễ khai giảng phải là ngày hội của học sinh

Trước năm học mới, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo đơn vị cơ sở thống nhất việc tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2016-2017 đồng loạt ở các trường vào đúng ngày 5/9, thời gian bắt đầu lễ khai giảng từ 7h30. Theo đó, yêu cầu lễ khai giảng được tổ chức ngắn gọn, trang nghiêm với đầy đủ nghi thức như: Chào cờ, hát Quốc ca (không mở băng nhạc), đọc thư Chủ tịch nước. Về phần hội, các trường sẽ tổ chức hoạt động vui chơi tập thể lành mạnh, ấn tượng để ngày khai trường trở thành kỷ niệm thiêng liêng đối với học sinh.

Để lễ khai giảng thực sự là ngày hội đến trường của học sinh, bớt đi tính rầm rộ, phô trương hình thức, nhiều địa phương đề nghị lãnh đạo không phát biểu khi đến dự lễ khai giảng. Sở GD&ĐT Đà Nẵng cũng đề xuất lãnh đạo TP. Đà Nẵng khi đến dự lễ khai giảng tại các trường vùng sâu, vùng xa trên địa bàn chỉ tặng hoa, quà chúc mừng mà không phát biểu. Lễ khai giảng chỉ kéo dài trong vòng 45 phút và sau đó bắt đầu học tiết đầu tiên của buổi sáng.

1

Ảnh minh họa 

Từ những thay đổi nhỏ trong ngày lễ khai giảng, kỳ vọng sẽ mở đầu cho những thay đổi lớn của ngành giáo dục trong công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục – đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW. Năm học này, Bộ xác định sẽ tiếp tục thực hiện giảm tải chương trình giáo dục phổ thông bằng việc giao quyền chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục cho các trường trung học. Các trường được thực hiện sắp xếp lại nội dung dạy học để khắc phục những hạn chế của chương trình, sách giáo khoa hiện hành; đổi mới nội dung, phương thức đánh giá HS phù hợp với các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực. Tăng cường kỹ năng thực hành, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh…

Giảm áp lực học hành, thi cử

Bước vào năm học mới, nhiều thầy cô cũng mong muốn có nhiều sự đổi mới tích cực hơn nữa trong hoạt động giảng dạy. Một giáo viên Trường THPT TP.HCM, cho rằng, nhìn tổng thể thì chương trình học các môn ở bậc phổ thông vẫn còn nặng, trong khi số tiết phân bổ lại ít. Điều này khiến giáo viên khó tránh khỏi tình trạng dạy hời hợt, qua loa. Vì thế, nhất thiết phải giảm tải để khắc phục tồn tại này. Chúng tôi mong muốn được lựa chọn những kiến thức thiết thực, gắn bó với cuộc sống học sinh để đưa vào bài giảng. Khi nào giảng dạy theo hướng phát triển toàn diện kỹ năng thì khi đó giáo dục mới đi vào thực chất hơn. Em Việt Hoàng, học sinh lớp 12 (Hà Nội) cho rằng: “Bộ cần thực hiện đổi mới thi cử từng bước ổn định, tránh gây tâm lý căng thẳng, hoang mang cho chúng em”. Bên cạnh đó, nhà giáo là nhân tố quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục. Họ cũng kỳ vọng đời sống sẽ ngày càng được quan tâm, cải thiện hơn.

Trước năm học mới, để “tuyên chiến” với tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, trái quy định, Bộ đã có văn bản gửi trực tiếp chủ tịch UBND các tỉnh, thành đề nghị kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm đối với tình trạng này. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới do Bộ GD&ĐT tổ chức, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị để làm được chủ trương cấm dạy thêm của ngành giáo dục, bên cạnh việc khắc phục hạn chế liên quan đến thi cử, tính gương mẫu của giáo viên thì cần có đủ trường, lớp cho học sinh học 2 buổi/ngày. Nếu làm được như vậy thì áp lực do dạy thêm, học thêm cũng bớt đi.

Một trong những vấn đề “nóng” nữa trong thời gian qua, đó là nhiều giám đốc sở GD&ĐT đã đề nghị Bộ trưởng giao quyền chủ động trong kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương. Lãnh đạo Bộ cho biết, việc thay đổi cần có lộ trình, tránh xáo trộn không cần thiết. Dự kiến, phương án thay đổi sẽ sớm được công bố sớm ngay trước khi kết thúc học kỳ 1 năm học tới.

Tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Để triển khai thành công nhiệm vụ năm học mới, công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành cần bám sát thực tiễn hoạt động giáo dục, đồng thời nắm bắt, dự báo những diễn biến mới để kịp thời điều chỉnh một số chủ trương, chính sách cho phù hợp. Phải tạo sự đồng thuận của xã hội, trước hết là của các thầy cô giáo thì chủ trương đổi mới và các hoạt động giáo dục được triển khai mới có hiệu quả, thiết thực./.

VOV.VN