Cai Lậy trong khởi nghĩa Nam kỳ

Trước cuộc khởi nghĩa khoảng 3 tháng, không khí chuẩn bị trong quận Cai Lậy diễn ra khẩn trương. Giữa tháng 8-1940, các lò rèn làm việc suốt ngày đêm để cung cấp giáo, mác, gươm, ná lảy… cho quân khởi nghĩa. Ở nhiều làng, nhân dân tự nguyện hiến tất cả những dụng cụ bằng sắt để rèn vũ khí.

KHÍ THẾ CUỘC KHỞI NGHĨA

Khoảng 17 giờ ngày 22-11-1940, Gauthier, Chủ tỉnh Mỹ Tho và bọn chỉ huy quân sự nhận được bức điện số 7325 của Mật thám Sài Gòn và tiếp sau đó (lúc 18 giờ 45 phút) lại nhận được điện số 317 của Thống đốc Nam kỳ.

Nội dung của 2 bức điện này báo cho bọn cầm quyền ở tỉnh biết: “Theo nhiều nguồn tin tình báo, đêm nay (22-11) cộng sản sẽ nổi dậy đánh chiếm nhiều nơi, có lính bản xứ tham gia. Tất cả các nơi phải đề phòng, ra lệnh báo động, không cho lính ra khỏi trại, gác kho súng đạn, huy động cảnh sát, mật thám, mã tà… đi tuần tra, kiểm soát chặt chẽ. Nếu có biến động thì thẳng tay đàn áp”.

Nhận được điện, lập tức Chủ tỉnh Mỹ Tho truyền đạt cho các cấp dưới của y và ra lệnh cho cảnh sát, mã tà đi tuần tra, canh gác trên các đường làng, đường tỉnh và thanh tra các đồn trong khu vực (1).

Đêm 22 rạng ngày 23-11-1940, Lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kỳ được chuyển tới làng Mỹ Hạnh Đông và được phổ biến đến các làng ngay trong đêm. Ban lãnh đạo khởi nghĩa Mỹ Hạnh Đông lập tức nổi trống mõ tập hợp nhân dân.

Sáng 23-11, Nhà việc Mỹ Hạnh Đông bị lực lượng khởi nghĩa đánh chiếm. Khoảng 8 giờ sáng, đoàn người nổi trống mõ, trang bị gậy gộc, giáo mác kéo lên cống Huế nhập vào lực lượng khởi nghĩa của Mỹ Hạnh Trung, kéo ra ngã ba sông Cũ. Tới chợ Cái Chuối (tức chợ Mỹ Hạnh Trung) đoàn biểu tình đã có khoảng 500 người, tràn ra Nhà việc làng Mỹ Hạnh Trung với khí thế ào ạt. Đoàn người vừa đánh trống, mõ, vừa hô vang khẩu hiệu “phản đế, bài phong; chống cường hào ác bá; đả đảo đế quốc Pháp; chánh quyền về tay nhân dân”.

Ban Hội tề làng Mỹ Hạnh Trung đã bỏ trốn. Tên Đội Chí dẫn 2 lính đồn Cái Chuối mang súng lửa ra bắn thị uy, liền bị đoàn biểu tình rượt đuổi, bỏ súng và xe đạp chạy bộ ra dinh quận Cai Lậy. Nhà việc Mỹ Hạnh Trung bị đoàn biểu tình chiếm, đốt hết giấy tờ sổ sách. Lực lượng khởi nghĩa thu được 2 khẩu súng lửa.

Xe đạp của mấy tên lính bị ném xuống sông (2). Quần chúng ùa ra đường, đem nước uống tiếp tế cho đoàn quân khởi nghĩa. Dưới sự chỉ huy của Ban lãnh đạo khởi nghĩa, đoàn biểu tình vác cờ, biểu ngữ, tiếp tục đánh trống mõ và hô khẩu hiệu kéo về dinh quận
Cai Lậy.

ĐÀN ÁP ĐẪM MÁU TẠI VỊNH BÀ THU VÀ CHÙA PHƯỚC THẠNH

Theo bản báo cáo của quận trưởng Nguyễn Văn Tâm, khoảng 8 giờ sáng, Tâm chỉ huy lực lượng thân binh (tức mã tà) đi đàn áp ở các làng phía Bắc của quận.

Về phía quân khởi nghĩa, đến 9 giờ sáng đã kéo đến vịnh Bà Thu (nay thuộc xã Tân Bình). Đến đây thì ca nô của quận Tâm cũng vừa đến và lính mã tà trên bộ cũng đã tới. Một số anh em hăng hái định lội ra sông nhận chìm ca nô, nhưng bọn mã tà bắn trả nên phải lui trở lại. Quận Tâm ra lệnh bắt người cầm cờ.

Chị Lê Thị Sảnh bị chúng đánh ngã xuống, chị Dương Thị Nhậm nhảy lên thay không cho lá cờ rớt xuống đất, đã bị trúng đạn hy sinh. Bọn mã tà điên cuồng nhả đạn vào đoàn biểu tình. Anh Nông Văn Cư bị trúng đạn, hy sinh. Anh Đoàn Quí Thể bị bắn mù mắt. Đoàn người vẫn tiến lên, nhiều người bị chúng bắt giải về quận.

Chùa Phước Thạnh (xã Nhị Quí) - một trong những nơi lực lượng khởi nghĩa bị đàn áp dã man.
Chùa Phước Thạnh (xã Nhị Quí) – một trong những nơi lực lượng khởi nghĩa bị đàn áp dã man.

Ở Nhị Quí, chạng vạng tối 23-11, một cánh phía Tây tập họp tại nhà Tư Cẩm, do anh Võ Văn Dư chỉ huy, kéo ra hướng cầu Vĩ, dùng xà beng nạy phá cầu và đốn trâm bầu rào đường. Sau đó kéo về ngã tư Nhị Quí nhập với đoàn người ở chợ Nhị Quí, xếp thành ba hàng, thắp đuốc, đốt pháo tre theo đường cái giữa kéo lên Phú Quí.

Ở cánh phía Đông, lực lượng khởi nghĩa huy động thanh niên khiêng trống chầu cổ động và đánh mõ, hô khẩu hiệu trợ oai. Đoàn người đến chùa Phước Thạnh thì hết đuốc, phải dừng lại để thêm dầu. Có tiếng súng nổ, đèn pha bật sáng. Khoảng 20 lính mã tà do quận Tâm chỉ huy đã đến cầu Vĩ, nhưng cầu đã bị phá, bọn lính mã tà lội qua kinh, bắn xối xả vào đoàn biểu tình. Một số phải chạy vào chùa né đạn.

Chúng bắn chết 2 người đi đầu là Nguyễn Văn Tố, Trương Văn Tương và làm bị thương 2 anh Nguyễn Văn Tời, Võ Văn Dư. Nhiều người hoảng loạn, chạy về đình Mỹ Quí Đông. Số còn lại lo việc chăm sóc, đem những người bị thương về nhà. Anh Tời được khiêng về đến nhà lồng chợ Nhị Quí thì chết.

Tối 23-11, để ngăn chặn sự tiếp viện của địch, nhân dân các xã: Nhị Quí, Tân Hội, Nhị Mỹ, Thanh Hòa… đã chặt cây rào lộ, phá cột điện thoại trên các tuyến lộ Đông Dương, lộ Dây Thép. Cũng trong đêm 23-11, tại làng Hưng Long, Ban lãnh đạo khởi nghĩa khu vực các làng Long Trung, Long Tiên, Tam Bình, Ngũ Hiệp được thành lập, dưới sự chỉ huy của Hà Tôn Hiến. Quân khởi nghĩa chia lực lượng ra làm nhiều tốp lo việc phá cầu, rào đường ngăn giặc đem quân đàn áp; một tốp tiến qua cù lao Ngũ Hiệp chiếm nhà Đốc Phủ Mầu, tịch thu nhiều của cải, mở kho lúa cấp cho dân.

Lực lượng khởi nghĩa ở Cai Lậy làm chủ được 23 làng cho đến ngày 30-11.

(1) H.S. Ký hiệu IIA. 45/236 (2) Trung tâm Lưu trữ II tại TP. Hồ Chí Minh.

(2) Sống mãi với nhân dân Hồi ký của Nguyễn Chí Công, tr.13-NXB Tổng hợp Tiền Giang năm 1989.

Nguồn Văn nghệ Tiền Giang