Chương trình nghệ thuật “Mười bông hoa thép trên vùng đất Lam Hạ anh hùng”
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày hy sinh của mười nữ dân quân Lam Hạ (1-10-1966 – 1-10-2016) và đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia Trận địa pháo phòng không Lam Hạ, tối 2-10, tại Quảng trường Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Hà Nam, đã diễn ra Chương trình nghệ thuật “Mười bông hoa thép trên vùng đất Lam Hạ anh hùng”. |
Chương trình do Báo Nhân Dân, Đài truyền hình Việt Nam, tỉnh Hà Nam phối hợp tổ chức, nhằm tưởng nhớ, tri ân những cống hiến, hy sinh của các bậc anh hùng liệt sĩ, trong đó có mười nữ dân quân Lam Hạ trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao sổ tiết kiệm cho thân nhân 10 nữ liệt sĩ dân quân phòng không xã Lam Hạ. Dự Chương trình nghệ thuật có các đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; đại diện các ban, bộ, ngành T.Ư, các tỉnh, thành phố trong cả nước; các cựu dân quân từng tham gia chiến đấu trên trận pháo Lam Hạ và đông đảo quần chúng nhân dân. Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia Trận địa pháo phòng không Lam Hạ. Phát biểu khai mạc chương trình nghệ thuật, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ: Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây, nơi mảnh đất thiêng liêng thấm máu các anh hùng liệt sĩ, ghi dấu chiến công của trận địa pháo phòng không Lam Hạ, trong chương trình “Mười bông hoa thép trên vùng đất Lam Hạ Anh hùng” đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày hy sinh của 10 nữ dân quân Lam Hạ (1-10-1966 – 1-10-2016), một thời điểm hết sức có ý nghĩa để tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ, của 10 nữ liệt sĩ Đại đội dân quân phòng không xã Lam Hạ và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, mãi mãi nằm lại với đất mẹ thân thương. Nhắc đến địa danh Lam Hạ làm sống lại trong mỗi chúng ta những ký ức không thể nào quên về một thời đạn bom khốc liệt của những năm tháng rực lửa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước oanh liệt của nhân dân ta. Tại trận địa pháo Lam Hạ, 10 nữ dân quân thuộc Trung đội nữ, Đại đội dân quân phòng không xã Lam Hạ đã ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ khi tuổi đời còn rất trẻ, để lại xót thương và tự hào cho đồng đội, đồng bào cả nước. 10 nữ dân quân ấy, sống cùng chung đại đội, chết kiên cường, anh dũng, tất cả đã không kịp bước chân về ngày toàn thắng nhưng máu của họ hòa tan vào đất trời, viết nên một huyền tích anh hùng về lịch sử của Lam Hạ. Địa danh lịch sử Lam Hạ – đã trở thành bất tử. Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, bởi tầm quan trọng chiến lược của nơi kết nối nhiều tuyến đường huyết mạch như đường sắt bắc-nam, đường bộ Quốc lộ 1A, đường thủy sông Châu, sông Đáy… từ hậu phương lớn miền bắc, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền nam, thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đã trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của kẻ địch. Mảnh đất nơi ngã ba sông này đã được mệnh danh là vùng “tam giác lửa”. Bất chấp bom đạn hủy diệt, quân và dân ta vẫn bám trụ kiên cường với ý chí sắt đá “Lấy máu mình để bảo vệ Tổ quốc”. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông vận tải, dân quân tự vệ đã mãi mãi nằm lại mảnh đất thiêng liêng này. Trong đó, đặc biệt là chiến công và sự hy sinh oanh liệt của 10 nữ dân quân Đại đội dân quân phòng không xã Lam Hạ. Các anh, các chị đã hiến dâng cả tuổi trẻ và cuộc sống của mình để giữ con đường chi viện cho chiến trường không bao giờ tắc, góp phần làm nên chiến thắng của quân và dân ta trên các chiến trường, vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền nam thống nhất Tổ quốc. Sự hy sinh của các anh các chị đã làm nên một Lam Hạ bất tử, và mười bông hoa thép mãi mãi tỏa sáng một huyền thoại về ý chí bất khuất kiên cường chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến vĩ đại chống đế quốc Mỹ xâm lược trong thế kỷ XX. Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã hồi sinh trên chiến trường ác liệt năm xưa, nhưng những tấm gương nghĩa liệt, sự hy sinh cao cả của các anh hùng, liệt sĩ mãi mãi làm rạng ngời đất mẹ, mãi mãi được khắc ghi không bao giờ phai mờ trong tâm khảm mỗi người Việt Nam, trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào, nguồn cổ vũ động viên to lớn cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chúng ta không bao giờ được phép quên “Mỗi tấc giang sơn một dòng máu đỏ, bao xương máu mới làm nên Tổ quốc”. Những tên người, tên núi, tên sông đã trở thành linh thiêng, cao cả. Lam Hạ và hàng nghìn địa danh khác nữa luôn nhắc nhở chúng ta hãy sống xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các thế hệ người Việt Nam yêu nước. Thực hiện chương trình nghệ thuật “Mười bông hoa thép trên vùng đất Lam Hạ Anh hùng” hôm nay, chúng ta thể hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn, bày tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc đồng thời để lưu giữ bảo tồn một địa danh lịch sử cho các thế hệ mai sau. Để Lam Hạ mãi mãi là một trong những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước bất khuất, kiên cường lưu truyền qua các thế hệ để dân tộc ta, đất nước ta trường tồn và phát triển rực rỡ. Chương trình “Mười bông hoa thép trên vùng đất Lam Hạ Anh hùng” – do Báo Nhân Dân phối hợp tỉnh Hà Nam, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện với tấm lòng thành kính và biết ơn sâu nặng kỷ niệm 50 năm ngày hy sinh của 10 nữ dân quân Lam Hạ, chia sẻ niềm vinh dự, tự hào của chính quyền và nhân dân Hà Nam nhân dịp đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Trận địa pháo phòng không Lam Hạ. Đồng thời cũng là hoạt động “uống nước nhớ nguồn”, kêu gọi sự quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ việc xây dựng khu đền thờ liệt sĩ và di tích văn hóa tỉnh Hà Nam, cũng như giúp đỡ thân nhân gia đình thương binh, liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn hiện sống trên địa bàn tỉnh Hà Nam và hàng vạn người nói chung trên cả nước. Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam một lần nữa nhấn mạnh: Nhắc đến địa danh Lam Hạ, là nhắc tới những ký ức không thể nào quên về một thời đạn bom khốc liệt, trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Xã Lam Hạ xưa (nay là phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý) là một trọng điểm giao thông quan trọng, trên tuyến đường huyết mạch từ hậu phương miền bắc, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền nam, đã trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của kẻ địch. Để bảo vệ Thị xã Phủ Lý và những vùng lân cận, ngày 5 tháng 8 năm 1965, Đại đội dân quân phòng không xã Lam Hạ được thành lập, gồm 87 người, là những thiếu nữ dân quân đã không sợ gian khó, không sợ hy sinh, chiến đấu kiên cường, góp phần bẻ gãy ý đồ của đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền bắc. Trong những ngày đầu cuộc chiến, các nữ dân quân tuổi đời từ 16 đến 24 của hai thôn Đình Tràng và Đường Ấm đã anh dũng chiến đấu và hy sinh ngay trên mâm pháo. Chiến thắng và sự hy sinh của mười cô gái dân quân pháo phòng không Lam Hạ là chiến thắng của tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường sẵn sàng hy sinh, vì nước quên thân, không tiếc tuổi xuân vì quê hương, đất nước. Để bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích một cách có hiệu quả, năm 2009, tỉnh Hà Nam đã Quy hoạch và đầu tư xây dựng khu di tích văn hóa tâm linh: Đền thờ các anh hùng liệt sĩ toàn tỉnh và đền thờ mười liệt sĩ, đến nay đã xong giai đoạn I, hiện đang triển khai xây dựng giai đoạn II, để nơi đây trở thành một “địa chỉ đỏ” giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Lam Hạ hôm nay đã trở thành một trong những địa danh lịch sử của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm vô cùng anh dũng của nhân dân ta. Những tấm gương nghĩa liệt, chói sáng trong cuộc kháng chiến vĩ đại đó sẽ mãi mãi là niềm tin, là ý chí kiên cường, là niềm tự hào của nhân dân Hà Nam và cả nước. Quê hương Hà Nam hôm nay không ngừng đổi thay và phát triển mạnh mẽ, là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao trong vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tỉnh Hà Nam đã xác định hướng đi khá rõ nét, phát triển mạnh công nghiệp, du lịch và dịch vụ, coi đó là tiềm năng và thế mạnh để phát triển bền vững. Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Đinh Thế Huynh đã trao sổ tiết kiệm cho thân nhân 10 nữ liệt sĩ dân quân phòng không xã Lam Hạ; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao tiền ủng hộ xây dựng tượng đài vinh danh 10 nữ dân quân Lam Hạ thuộc quần thể Khu Đền thờ liệt sĩ và di tích lịch sử, văn hóa tỉnh Hà Nam. Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia Trận địa pháo phòng không Lam Hạ (1965-1972). Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Mười bông hoa thép trên vùng đất Lam Hạ anh hùng” gồm ba phần: Yên bình một vùng quê; ngoan cường, dũng cảm trong chiến đấu, hy sinh anh dũng cho quê hương và trên quê hương Lam Hạ hôm nay, với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam; Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam; Nhà hát chèo Hà Nam. Chương trình nghệ thuật đặc biệt được dàn dựng công phu, hoành tráng với các tác phẩm múa, hát ca ngợi quê hương, đất nước và con người Hà Nam. Chiều 2-10, Đoàn công tác của Báo Nhân Dân do đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam dẫn đầu, đã đến dâng hoa tại Khu Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tỉnh Hà Nam và Khu di tích lịch sử quốc gia trận địa pháo phòng không Lam Hạ. Các thành viên trong đoàn bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, ghi nhớ công lao to lớn của các thế hệ cha anh đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Các anh hùng liệt sĩ là tấm gương tiêu biểu về lòng yêu nước, ý chí quật cường, cống hiến hy sinh cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội… |
Nguồn Nhân dân
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.