Triển vọng lạc quan của kinh tế Philippines
Kinh tế Philippines đang khẳng định những bước tăng trưởng ổn định và tích cực |
Trong buổi họp báo cuối năm về tình hình kinh tế diễn ra cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Kinh tế Philippines Arsenio Balisacan cho biết, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của nước này sẽ vượt xa con số mục tiêu 6% trong năm nay, và ở trong khoảng 5,5-6,5% vào năm 2013 và trong khoảng 6,5-7,5% vào năm 2014.
Các tổ chức đa phương hàng đầu như Ngân hàng Thế giới (WB) và Standard & Poor's (S&P) cũng đã nâng mức dự báo tăng trưởng và xếp hạng tín dụng cho Philippines.
WB đã nâng mức dự báo tăng trưởng của Philippines trong năm nay và năm tới. Theo đó, trong năm nay, Philippines sẽ tăng trưởng trên 6%, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đây là lần thứ 3, WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Philippines trong năm 2012. WB cho rằng, trong năm 2013, kinh tế Philippines sẽ tăng trưởng ở mức 6,2%.
Việc WB sửa lại mức dự báo được đưa ra sau khi chính phủ Philippines báo cáo con số tăng trưởng 7,1% trong quý III. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 2 năm qua, đưa Philippines trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 9/2012.
Kinh tế Philippines đã tăng trưởng 6,5% trong 3 quý đầu năm 2012 nhờ vào chi tiêu chính phủ ở mức cao hơn, chi tiêu hộ gia đình tăng và các khoản đầu tư cao hơn của doanh nghiệp địa phương.
Trong một thông báo được đưa ra vào ngày 20/12, hãng xếp hạng tín dụng S&P đã nâng mức xếp hạng triển vọng của Philippines dựa trên những điều kiện thuận lợi về mặt chính trị và những minh chứng về khả năng của chính quyền Tổng thống Benigno Aquino trong việc thúc đẩy và thực hiện các cải cách quan trọng. Theo đó, hãng này đã nâng triển vọng xếp hạng tín dụng của Philippines từ “ổn định” lên “tích cực”. Thông báo của S&P được đưa ra cùng ngày Tổng thống Philippines Benigno Aquino ký ban hành văn bản luật cải cách thuế đầu tiên mà đối tượng được áp dụng đầu tiên là lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ thuốc là.
Nhờ chi phí đi vay thấp hơn, chi tiêu công được cải thiện và doanh thu cao hơn. Chính phủ Philippines đang cố gắng đạt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống 279 tỉ peso trong năm 2012. Dự báo, thâm hụt ngân sách của Philippnes sẽ thu hẹp còn 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2013./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.