Hai nông dân chuyển đổi cây trồng có hiệu quả
Trong những năm qua, khi hệ thống đê bao Đông – Tây Ba Rài khép kín, giúp ngăn lũ và triều cường, bảo vệ sản xuất và đời sống, nhân dân các xã phía Nam Quốc lộ 1: Thanh Hòa, Cẩm Sơn, Hội Xuân (Cai Lậy); Bàn Long, Phú Phong, Kim Sơn (Châu Thành)… đua nhau chuyển đổi từ trồng lúa sang lập vườn cây ăn trái đặc sản. Qua kết hợp chọn giống cây trồng, nắm vững kỹ thuật canh tác tiên tiến, nắm bắt thị trường tiêu thụ… đã giúp nhiều nông dân thành công lớn, thu nhập cao, trở thành điển hình làm giàu tại nông thôn.
CHUYÊN CANH MÍT CHO THU NHẬP CAO
Điển hình như hộ ông Hồ Văn Lập, tên thường gọi là Ba Lập, ngụ tại ngọn rạch Cầu Ván thuộc địa bàn ấp 4, xã Cẩm Sơn. Với 9 công đất trồng mít, mỗi năm ông Ba Lập thu nhập gần 450 triệu đồng. Nhờ vườn chuyên canh mà gia đình ông từ chỗ nhiều khó khăn, đã vươn lên hộ giàu.
Trước đây, ông làm ruộng, mỗi năm 3 vụ, do không chủ động được nguồn nước, lại là vùng đất gò nên cho năng suất kém và thu nhập bấp bênh. Từ khi 2 ô bao Đông và Tây Ba Rài hoàn thiện, ngăn lũ, tạo điều kiện để trồng cây ăn trái đặc sản, ông Lập quyết tâm chuyển đổi cây trồng phù hợp, hiệu quả.
Thời điểm năm 2003, qua một người quen ở Đồng Nai giới thiệu giống mít Thái siêu sớm có nhiều ưu điểm như: dễ trồng, cho trái sớm, chất lượng ngon, ông mua 10 cây giống với giá 25.000 đồng/cây đem về trồng gây giống và nhân ra khu vườn.
Ông Hồ Văn Lập. |
Với phương pháp ghép cành và chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, 3 năm sau ông đã có vườn mít 9 công cho trái. Ông Hồ Văn Lập cho biết, mít Thái siêu sớm ngoài ưu điểm cho trái sớm còn cho trái rải vụ quanh năm và cho năng suất cao, đạt 40 – 50 tấn/ha.
Vào những tháng đầu năm, do mùa nghịch của các loại trái cây nên mít có giá cao, có lúc mít Thái siêu sớm được thương lái mua 25.000 – 27.000 đồng/kg. Một trái mít trọng lượng trung bình 15 – 20kg/trái bán được trên 500.000 đồng.
Ngoài ra, ông Ba Lập còn tích cực nhân và cung cấp cây giống ghép cành. Mỗi cây giống mít tốt ông bán giá 10.000 – 12.000 đồng/cây. Trung bình mỗi năm ông cung ứng thị trường 17.000 cây giống mít Thái siêu sớm, thu lãi hàng trăm triệu đồng tiền bán cây giống.
DỰNG NGHIỆP TỪ CÂY SẦU RIÊNG RI 6
Ông Cao Văn Lập bên vườn cây đặc sản. |
Chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng sầu riêng chất lượng cao là cách làm hay của nông dân Cao Văn Lập ngụ ấp 3, xã Cẩm Sơn (Cai Lậy). Với mô hình này, ông đã nâng lợi nhuận lên gấp 2 – 3 lần so với trồng lúa.
Từ khi có hệ thống đê bao Đông – Tây sông Ba Rài hoàn thành, đảm bảo ngăn lũ, bảo vệ sản xuất và khu dân cư được hoàn thành, ông Cao Văn Lập nhanh chóng lên liếp lập vườn trồng sầu riêng Ri 6. Đây là giống sầu riêng chất lượng cao nổi tiếng và là một trong 7 chủng loại trái cây chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Tiền Giang.
Với 3 công đất, ông trồng được khoảng 40 gốc sầu riêng Ri 6. Hiện vườn sầu riêng của ông đã 7 năm tuổi và cho thu hoạch vài năm nay. Trung bình mỗi mùa, một cây sầu riêng cho độ 50 trái, sản lượng 120 kg (khoảng 2 kg đến 2,5 kg/trái). 3 công đất với 40 gốc sầu riêng cho thu hoạch khoảng 4,8 tấn trái mỗi mùa, bán với giá bình quân 20.000 – 23.000 đồng/kg, gia đình ông thu hàng trăm triệu đồng.
Ông Cao Văn Lập đúc kết được nhiều kinh nghiệm thực tiễn hay từ quá trình trồng và thâm canh sầu riêng Ri6 nhằm đạt năng suất, sản lượng cao, tránh được trúng mùa dội chợ thông qua chủ động xử lý cho trái mùa nghịch.
Đặc điểm của sầu riêng sau 100 ngày kể từ khi đậu trái sẽ cho thu hoạch, nên vào tháng 4 âl ông Lập bắt đầu xử lý để cây ra hoa trái vụ bằng cách dùng ny lon đậy kín gốc và bơm cạn nước trong ao, mương vườn kết hợp với chế độ chăm sóc đặc biệt. Khoảng tháng 7, 8 âl sầu riêng bắt đầu ra hoa và đến tháng 11 âl cho thu hoạch.
Thông thường vụ sầu riêng nghịch kéo dài đến tận tháng giêng đến tháng hai năm sau tùy theo thời gian xử lý của chủ vườn. Đây là thời điểm sầu riêng bán được giá cao nhất. Vụ sầu riêng nghịch vừa qua, có thời điểm thương lái thu mua tại vườn giá lên đến 30.000 – 32.000 đồng/kg, mỗi ha đạt giá trị sản lượng lên đến nửa tỉ đồng và lợi nhuận 200 triệu đến 300 triệu đồng – lợi nhuận gấp nhiều lần so với trồng lúa năng suất cao.
Tại ấp 3, xã Cẩm Sơn, noi gương ông Cao Văn Lập, bà con tích cực phát huy hiệu quả các tuyến và ô đê bao ngăn lũ, chuyển đổi sang lập vườn trồng sầu riêng RI 6 với diện tích hàng trăm ha, trở thành vùng chuyên canh sầu riêng chất lượng cao.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.