Lăng mộ, đền thờ tả quân Lê Văn Duyệt ở Tiền Giang

Long Hưng từ lâu là một địa danh lừng lẫy trong lịch sử đấu tranh của dân tộc. Tuy nhiên, ít ai biết được vùng đất vốn giàu nhân văn, lắm anh kiệt này còn có những địa chỉ mang dấu ấn lịch sử, được xem như là một di tích về một thuở mang gươm đi mở cõi, khai phá vùng đất phương Nam của cha ông ta.

 

images1301810-anh-1.jpg
Không gian bên ngoài khu di tích.
Rêu phong cùng năm tháng
Khu lăng mộ và đền thờ Tả quân Lê Văn Duyệt và song thân nằm ở ấp Thạnh Hòa, xã Long Hưng, huyện Châu Thành. Từ trung tâm chợ Giữa – Vĩnh Kim khoảng 10 phút đi xe máy sẽ đến khu lăng mộ. Đó là một không gian khá thoáng đãng giữa khu vườn rợp mát bóng sapô và vú sữa. Cổng đền uy nghi vừa được xây dựng sau khi khu lăng mộ được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào cuối năm 2009.
Phía trước đền thờ, một hồ sen xanh thẳm đang nở ngát hương, cho ta một cảm giác bình yên. Phía sau đền thờ, lăng mộ song thân và vọng mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt khá đìu hiu, hoang vắng; những phiến đá rêu phong cùng năm tháng, loang lổ theo nắng mưa, cho ta một khoảng lặng với nhiều suy tư về dấu tích, sự tàn phá của thời gian.
Bà Nguyễn Thị Anh, năm nay đã 85 tuổi, cho biết mình là bà từ thứ bảy của khu đền thờ này và đã ở đây từ lúc còn xuân sắc. Theo bà Anh, ngày thường ít khách viếng, chỉ có ngày giỗ ông thì khách thập phương về đông. Khu đền thờ này trước đây rất nhỏ, mái lá, vách cây, mưa dột tứ tung, sau bá tánh cúng viếng, hội giữ tu bổ dần, nên kiến trúc cũng “không giống ai”, chủ yếu có nơi để thờ ông cho đàng hoàng. Về sau được công nhận di tích, nên có kinh phí trùng tu thêm.
Còn theo Ban quý tế khu lăng mộ thì khu lăng này do đức Tả quân Lê Văn Duyệt lập ra để chôn cất thân sinh của mình là ông Lê Văn Toại và bà Nguyễn Phu Nhân, cách bờ đông kinh xáng khoảng 350 m. Quần thể lăng có 10 ngôi mộ, trong đó có 2 ngôi mộ lớn nhất nằm về hướng Tây là song thân của đức Tả quân, người dân gọi là mộ ông cố, bà cố. Những hàng chữ trên bia đá của 2 ngôi mộ này đã bị đục bỏ một số, mà theo sử sách Vua Minh Mạng đã sai cận thần làm thế để trả thù Tả quân Lê Văn Duyệt. Giữa 2 ngôi mộ này là 1 ngôi mộ nhỏ hơn, mặt trước tấm bình phong sau mộ có hình điểu và hổ; theo truyền thuyết tướng tinh của Tả quân là mãnh hổ, nên nhiều giả thuyết cho rằng đây là mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt.
images1301811-anh-3.jpg
Khu mộ được cho là của đức Tả quân Lê Văn Duyệt.
Giai đoạn 1936 – 1940 phong trào cách mạng ở địa phương lên cao, khu vực lăng mộ rất hoang vu, um tùm với xung quanh là ruộng lúa; người dân không dám ra vào khu vực này nên Hương quản Lành lúc đó đem hình của ông về Đình Long Hưng thờ chung với thần. Vì thế, hàng năm cứ đến ngày giỗ ông (1-8 âm lịch)  thì người dân cả 2 khu vực đều tụ tập về cúng kiếng rất đông.
Khép kín một Tour lữ hành?
Tả quân Lê Văn Duyệt (1762 – 1832), người gốc Quảng Ngãi. Thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, ông nội ngài là Lê Văn Hiếu vào Nam lập nghiệp tại vàm Trà Lọt, thuộc xã Hòa Khánh, tỉnh Định Tường xưa (nay là Tiền Giang). Sau khi ông nội mất và được an táng tại Hòa Khánh, cha ông đưa gia đình về cư trú tại rạch ông Hổ, thuộc làng Long Hưng, tỉnh Định Tường. Vì thế có thể xem Long Hưng là quê hương của ông. Và đó cũng là lý do để các vị bô lão ở Long Hưng cho rằng ngôi mộ tại khu lăng mộ này, bên cạnh song thân của mình mới chính là mộ thật của Tả quân Lê Văn Duyệt.
Tả quân Lê Văn Duyệt là quan Tổng trấn đầu tiên của thành Gia Định, là một công thần trụ cột của nhà Nguyễn; ông được Vua Gia Long ban cho đặc quyền  “nhập triều bất bái” và “tiền trảm hậu tấu”. Ông là người có công mở mang bờ cõi của vùng đất phương Nam, xây dựng nơi đây thành một khu vực trù phú. Khi làm quan, ông nổi tiếng là công tư nghiêm minh, chính ông đã xử chém Huỳnh Công Lý, cha ruột của một thứ phi rất được Vua Minh Mạng sủng ái, vì ông này phạm tội tham nhũng. Hành động táo bạo, thẳng tay với bọn sâu mọt, hại dân của ông thể hiện “quân pháp bất vị thân” được nhân dân rất tôn sùng. Tuy nhiên, với triều Nguyễn ông được xem như một tội đồ; vì thế mà sau khi ông mất, Vua Minh Mạng đã ra lệnh san bằng và xiềng xích mộ ông, đục bỏ bia mộ của thân sinh ông để làm nhục, trả thù.
Tả quân Lê Văn Duyệt có công hay tội, rồi đây lịch sử sẽ minh chứng. Và hiện nay nhiều nhà sử học đã lên tiếng minh oan cho đức Tả quân. Riêng lòng dân thì luôn hướng về người cương trực; vì thế mà đền thờ ông vẫn được người dân lập ở khắp nơi. Ở TP. Hồ Chí Minh, đền thờ Tả quân Lê Văn Duyệt ở Bà Chiểu từ lâu đã được công nhận là một di tích lịch sử, tượng đồng của ông cũng đã được đúc và đặt trang trọng tại khu vực Lăng Ông Bà Chiểu.
Tại Tiền Giang, khu vực lăng mộ, đền thờ của Tả quân Lê Văn Duyệt cùng song thân tại ấp Thạnh Hòa, xã Long Hưng cũng được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào cuối năm 2009. Hiện khu lăng mộ đã được xây hàng rào kiên cố, trùng tu dần theo kinh phí hàng năm. Khu đền thờ rất gần với Tượng đài di tích Chợ Giữa – Vĩnh Kim, lại nằm trên trục đường qua nhà liệt nữ Lê Thị Hồng Gấm. Vì thế, đây hoàn toàn có thể là một địa điểm du lịch, gắn kết giữa tâm linh và lịch sử. Kết nối toàn tuyến lữ hành khép kín với Trại rắn Đồng Tâm, Khu di tích Rạch Gầm – Xoài Mút, chợ Giữa Vĩnh Kim và Lăng mộ Tả quân Lê Văn Duyệt. Tương lai một chiếc cầu bắc qua kinh Nguyễn Tấn Thành sẽ kết nối dễ dàng với điểm Di tích Nam kỳ khởi nghĩa.
Điều ấy hoàn toàn có thể trở thành hiện thực?
Theo SƠN PHẠM (Báo Ấp Bắc)