Phụ nữ Tân Phú trong trận Ấp Bắc

Chiến thắng Ấp Bắc ngày 2-1-1963 ghi dấu chiến công lừng lẫy của quân và dân ta, trong đó vai trò của phụ nữ là không nhỏ. Giờ đây, hầu hết các dì, các chị đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng ký ức về trận Ấp Bắc vẫn luôn sống mãi trong tâm trí mỗi người…

TRƯƠNG THỊ TUYẾT (Tám Nghề), nguyên Phó Bí thư kiêm Chính trị viên Xã đội Tân Phú năm 1963: Sát cánh cùng bộ đội, không hề nao núng trước kẻ thù

          

Năm 1963, Tân Phú là xã giải phóng, nằm trong vùng “xôi đậu”. Chị em phụ nữ làm nhiệm vụ vận động ghe xuồng đưa bộ đội về căn cứ, chuyển thương, tải đạn, vá quần áo, may đồ cho bộ đội…

Dân công lúc nào cũng có sẵn. Chị em phụ nữ còn vận động mọi người đi đấu tranh chống giặc không được bắn pháo, không gom dân, cào nhà, không bắt chồng con đi lính hay vô phòng vệ dân sự. Vận động gia đình binh sĩ làm đầu tàu tác động vào tâm lý bọn lính đi ruồng, khuyên chúng đừng bắn giết đồng bào ta.

Chị em còn làm nhiệm vụ nắm tình hình địch: Giả bộ đi chợ, đi đám tiệc xem động tĩnh của giặc, về báo lại cho quân ta trong “cứ” biết. Nói thì đơn giản nhưng khi làm việc chị em phải đối mặt với nguy hiểm, chết sống trong gang tấc.

Trong trận Ấp Bắc, dù biết chiến sự nổ ra, chị em vẫn một tấc không đi, một ly không rời, sát cánh cùng bộ đội, hỗ trợ quân ta chiến đấu. Khi nhận được tin giặc càn vào Tân Phú, chị em nhanh chóng chuẩn bị xuồng, cơm nước, phương tiện tải thương…; Đồng thời chuẩn bị tổ chức lực lượng quần chúng đấu tranh trực diện với kẻ thù.

TRƯƠNG THỊ KIM, người trực tiếp tải thương trong trận Ấp Bắc: Dù dưới làn đạn pháo vẫn không biết sợ, không biết mệt

          

Nghe chị Tám Nghề động viên sắp có trận đánh diễn ra trên địa bàn mình là tôi liền chuẩn bị tư thế phục vụ hậu cần, tải thương. Lần ấy, mãi lo tải thương, nhà cháy cũng không về kịp. Bom pháo bắn quá trời. Máy bay địch lượn hết chiếc này tới chiếc khác. Con “cào cào” dồn dập trên đầu, pháo bắn “chịch chịch, quịt quịt” rát lỗ tai.

Ban đầu cũng sợ lắm, nhưng khi thấy anh em mình hy sinh, bị thương thì không còn biết sợ là gì nữa, cứ cắm cúi vẹt lục bình mà bơi, bơi không được thì nhảy xuống sông mọp sát lục bình nắm xuồng kéo, vừa tới điểm tập kết là quay trở lại đi tiếp chuyến tải thương, không biết mệt, không biết sợ…

 

NGUYỄN THỊ TRẠNG (Mười Trạng), mẹ liệt sĩ Trương Văn Hai: Một tay ẵm con, một tay nấu cơm cho bộ đội ăn no chiến đấu

          

Lúc ấy, người con gái của dì (Trương Thị Bảnh) mới vừa ba tháng tuổi. Cũng như những người dân khác, dì Mười quyết sống chết bám trụ cùng với các anh bộ đội. Khi chiến sự nổ ra, dì Mười một tay ẵm con, một tay nấu hết xoong cơm này đến xoong cơm khác chuyển đến các anh bộ đội ăn no đánh giặc.

Thấy gạo trong “ruột tượng” của bộ đội đã bị mốc do thấm nước, dì lấy gạo nhà ra nấu. Ban đầu còn cá kho dự trữ, sau hết thì ăn cơm với muối. Gạo không kịp vo là cơi lên bếp nấu. Bếp nhóm bằng ba ông Táo đất trước cửa trảng xê. Cứ thế tay bồng con, tay xách nước, dì Mười chạy lom khom dưới làn mưa bom, bão đạn.

Tiếng con khóc, tiếng đại bác gầm rú, khói lửa mù mịt, mặc! Nấu hết nồi cơm này đến nồi cơm khác, dì Mười vừa giữ con, vừa vượt qua đạn bom, hoàn thành nhiệm vụ. Sau đó, dì Mười còn phải lo phi tang dấu vết, lấy nước tưới lên chỗ bắc ông Táo nấu cơm, lấy bao bố phủ lại kỹ lưỡng để che mắt địch. Xoong nồi thì giấu xuống đìa. Khi giặc đến tĩnh như không! Thằng giặc có mắt như mù.

Mấy mươi năm trôi qua, chiếc nồi nấu cơm cho bộ đội ăn trong trận Ấp Bắc vẫn còn được dì lưu giữ như là một minh chứng sống động cho tình cảm của người dân đối với các anh chiến sĩ cách mạng. Nâng niu chiếc nồi như một báu vật, dì Mười vui vẻ nói: “Tự hào lắm, bao nhiêu cũng không bán. Chừng nào trong xã có lập Nhà bảo tàng Chiến thắng Ấp Bắc thì đem đến trưng bày để góp phần dạy bảo cháu con”.