Có chết cũng phải ngoảnh mặt về phía quân thù

Nhắc đến Chiến thắng Ấp Bắc là mọi người lại nhớ đến liệt sĩ Bảy Đen, Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 261, với câu nói bất hủ: “Có chết cũng phải ngoảnh mặt về phía quân thù”. Anh là vị chỉ huy tài ba, linh hoạt, mưu trí, dũng cảm, trực tiếp chỉ huy trận đánh bẻ gãy hai chiến thuật tân kỳ của Mỹ là “trực thăng vận” và “thiết xa vận”, bước đầu làm phá sản chiến lược Chiến tranh đặc biệt và làm náo động cả nước Mỹ.

Ông Lê Công Sơn (Sáu Hưỡn) trong buổi lễ kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Ấp Bắc.

Kỷ niệm 50 năm ngày Chiến thắng Ấp Bắc, tôi tìm về ấp Trung, xã Long Định, huyện Châu Thành gặp gỡ ông Lê Công Sơn (Lê Công Huẫn-Sáu Hưỡn), người thay thế cương vị của liệt sĩ Bảy Đen làm Đại đội trưởng Đại đội 1, để nghe ông kể về người Đại đội trưởng của mình. Và bao giờ cũng vậy, ông Lê Công Huẫn luôn một lòng thành kính nhắc đến liệt sĩ Đặng Minh Nhuận (Bảy Đen). Giọng ông cứ bồi hồi, thương tiếc, nhắc hoài: “Đại đội trưởng Bảy Đen của chúng tôi từng nói: – Có chết cũng phải ngoảnh mặt về phía quân thù”.

Là lớp chiến sĩ đầu tiên của Tiểu đoàn 261, ông Huẫn khá rành về những người chỉ huy của mình. Trong số những cán bộ của Đại đội 1, người ông Huẫn kính phục nhất là Đại đội trưởng Bảy Đen. Giọng ông vẫn đều đều: “Anh Bảy quê ở phường 3, thị xã Vĩnh Long. Anh sinh năm 1932, lớn hơn tôi 7 tuổi. Năm 1948, mới 16 tuổi, anh đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Sau năm 1954, anh tập kết ra miền Bắc và được đào tạo chính quy tại Trường sĩ quan Lục quân. Năm 1961, anh Bảy là một trong số những cán bộ tình nguyện trở về miền Nam trực tiếp tham gia chiến đấu giải phóng quê hương.

Lúc này, Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 do anh Tư Huệ làm Đại đội trưởng. Tháng 2/1962, đại đội chúng tôi được lệnh tổ chức phục kích bọn địch ở Lương Hòa, Bến Lức (Long An). Thắng trận, nhưng đau lòng thay, Đại đội trưởng Tư Huệ đã anh dũng hy sinh. Tháng 9/1962, anh Bảy Đen được điều về thay anh Tư Huệ làm Đại đội trưởng Đại đội 1. Đúng 1 năm sau, tháng 9/1963, anh Bảy Đen lại anh dũng hy sinh, anh Ba Chung Kỳ tạm thời được cử lên thay anh Bảy khoảng vài tháng. Sau đó, tôi là Chính trị viên phó đại đội chính thức được đề bạt lên làm Đại đội trưởng Đại đội 1. Sống với anh Bảy tròn một năm, nhưng anh Bảy đã để lại trong lòng tôi và đồng đội những kỷ niệm sâu nặng, vì đã từng vào sanh ra tử với nhau. Ngoài cái tên Đặng Minh Nhuận, anh Bảy còn có tên là Đoàn Minh Triết và Nguyễn Bảy. Nước da anh Bảy đen bóng, nên chúng tôi thường thân mật gọi anh là Bảy Đen, riết rồi thành tên. Được đào tạo quân sự chính quy ở miền Bắc, nên anh Bảy rất nghiêm khắc, ra mệnh lệnh dứt khoát, rõ ràng, nói một là một, hai là hai. Anh sẵn sàng kỷ luật bất cứ ai vi phạm điều lệnh, điều lệ, nhất là vi phạm kỷ luật chiến trường, vì phải trả bằng xương máu. Song, anh lại thương anh em hết mực, có bao nhiêu gian nan, nguy hiểm, anh Bảy đều giành hết về mình. Trong trận Ấp Bắc, anh như con thoi, hết ở tiền duyên của Trung đội 1, lại lao sang Trung đội 2, hễ nơi nào ác liệt nhất là anh có mặt. Nhiệm vụ của đơn vị là phòng ngự chống càn, nhưng tài thao lược quân sự của anh Bảy rất linh hoạt, hễ thấy địch bị đánh bật ra co cụm lại, là anh Bảy chớp lấy thời cơ điều lực lượng vận động xuất kích đánh thọc sườn vào đội hình địch. Buộc địch phải lùi ra xa và gây tâm lý hoang mang, dao động trong hàng ngũ của chúng. Đại đội trưởng Bảy Đen của chúng tôi là một con người tuyệt vời. Tôi vẫn còn nhớ câu nói bất hủ của anh, thể hiện tinh thần xả thân hy sinh vì sự nghiệp cách mạng: “Có chết cũng phải ngoảnh mặt về phía quân thù”.

Giọng ông Huẫn vẫn đều đều, nhưng đôi mắt ông lại hoe hoe đỏ. Thỉnh thoảng, ông lại hơi cúi đầu, nghiêng sang một bên lấy tay dụi nhè nhẹ vào mắt như có hạt bụi bay vào. Ngước mặt lên, ông lại từ tốn kể: “Anh Bảy hy sinh, nhưng một số người cứ tưởng anh Bảy hy sinh trong trận Ấp Bắc. Không phải vậy! Anh Bảy còn chỉ huy đánh nhiều trận ác chiến nữa. Tên tuổi anh Bảy, lẽ ra còn phải được gắn liền với vùng 20 tháng 7. Bởi vì, sau Chiến thắng Ấp Bắc, ta chuyển sang thế tấn công, phá tan kế hoạch bình định của địch, mở ra một vùng nông thôn giải phóng rộng lớn. Đại đội 1 luôn là mũi chủ lực của tiểu đoàn. Chúng tôi luôn tự hào là lính của Đại đội 1 anh hùng, do anh Bảy Đen làm Đại đội trưởng.

Sau Chiến thắng Ấp Bắc, tiểu đoàn vinh dự được mang tên Tiểu đoàn Girông. Hôm đó tại xóm Đào, xã Mỹ Hạnh Đông (Cai Lậy), đồng chí Tư Hiệp thay mặt Bộ Tư lệnh Quân khu đến trao cờ Girông của Cu Ba trao tặng cho Tiểu đoàn 261. Đại đội 1 vinh dự được đón nhận, lúc đó tôi là Phó Chính trị viên đại đội, được anh Bảy ủy nhiệm thay mặt anh em trong đơn vị lên nhận cờ. Dưới sự chỉ huy tài tình của anh Bảy, lá cờ Girông đã phần phật tung bay trên nóc Khu trù mật Thiên Hộ vào tháng 2/1964. Tháng 7/1964, cờ Girông lại được cắm trên nóc dinh Quận trưởng quận Cái Bè.

Tài chỉ huy của Bảy Đen thiệt đáng khâm phục, chỉ huy đơn vị đánh đâu thắng đó. Mở rộng vùng giải phóng, Đại đội 1 được lệnh đánh đồn Vĩnh Kim, chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút kể từ khi phát lệnh nổ súng, đồn Vĩnh Kim đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Thừa thắng, đại đội tiến lên giải phóng luôn đồn Rau Răm (Phú Phong), diệt gọn bót Bà Gòn. Sẵn đà chiến thắng, đại đội vòng qua tiêu diệt bót Bà Trúc (Bình Trưng), sau đó tiếp tục tiêu diệt đồn Phú An (Hiệp Đức), đồn xóm Việt (Tân Hội). Từ đây, đại đội được lệnh cùng với Tiểu đoàn ngược lên đánh một số đồn bót thuộc huyện Cái Bè, vùng 20 tháng 7 được mở rộng, giải phóng hoàn toàn. Tháng 9/1963, tiểu đoàn được lệnh hành quân về Gò Công. Trong trận tiến công đồn Thạnh Nhựt, Đại đội trưởng Bảy Đen, người chỉ huy tài năng, thân yêu của chúng tôi bị thương nặng và hy sinh sau đó”.

Nước mắt ông Huẫn nhập nhòe. Ông lặng lẽ đứng dậy rút một nén nhang, bước ra trước sân thắp lên bàn thờ Thiên rồi kính cẩn cúi đầu hướng về phía Tây, nơi đã từng xảy ra trận Ấp Bắc.