Chiến thắng Ấp Bắc có ý nghĩa đặc biệt đối với nhân dân Cuba
Chiến thắng Ấp Bắc (ngày 2-1-1963) đã ghi dấu son chói lọi vào trang sử đấu tranh của dân tộc, làm chấn động toàn cầu. Sau Chiến thắng Ấp Bắc, Nhà nước Cuba đã tặng cho Tiểu đoàn 261 lá cờ Giron và chọn 1 làng đặt tên là Ấp Bắc để đánh dấu sự kiện lịch sử quan trọng có mối tương đồng của 2 dân tộc. Nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Ấp Bắc, ngài Gabriel Pérez Tarrau, Tổng Lãnh sự Cuba chia sẻ với Báo Ấp Bắc về sự kiện trọng đại này:
CHIẾN THẮNG ẤP BẮC CÓ Ý NGHĨA TO LỚN
Những thắng lợi của quá trình cách mạng ở 2 nước được thể hiện và phát triển trong cùng một bối cảnh lịch sử, được đánh dấu bởi cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa thực dân và khát vọng của người dân về một nền độc lập đích thực.
Độc lập chủ quyền quốc gia được hiểu như là một điều kiện cần thiết để xây dựng một xã hội công bằng và thịnh vượng. 2 dân tộc chúng ta đã trải qua và luôn cùng nhau chia sẻ những khát vọng đó và chúng ta đã chứng minh được khả năng chiến đấu kiên cường đáng ngưỡng mộ trước kẻ thù hùng mạnh về quân sự.
Ngài Tổng lãnh sự Cuba đến tham dự Mittinh kỷ niệm 48 năm Chiến thắng Ấp Bắc |
Sự giống nhau về quá trình cách mạng giữa 2 nước còn được thể hiện ở việc là cả 2 chúng ta cùng có chung lý tưởng về độc lập chủ quyền quốc gia, công bằng xã hội. Cả 2 cùng giương cao ngọn cờ của Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa quốc tế. Cả hai chúng ta được biết đến vì tình đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau, cũng như cùng mong muốn một cuộc sống yên bình, thịnh vượng cho người dân.
Để bảo đảm cho con đường cách mạng ở mỗi nước, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Cuba đã giữ vững vai trò lãnh đạo của mình. Đảng có vai trò tiên phong, cũng như gìn giữ truyền thống cách mạng của dân tộc, tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, công lý và hòa bình cho các thế mai sau.
Phóng viên (PV): Thưa ngài Tổng lãnh sự, xin ngài cho biết Chiến thắng Ấp Bắc đã tác động đến nhân dân Cuba như thế nào?
Ngài Gabriel Pérez Tarrau: Chiến thắng lịch sử Ấp Bắc trước quân đội Mỹ – ngụy là một chiến thắng có ý nghĩa rất lớn về mặt chính trị và quân sự, có ý nghĩa đặc biệt đối với nhân dân Cuba. Trận chiến Ấp Bắc đã diễn ra trong những ngày nhân dân Cuba kỷ niệm lần thứ 4 Thắng lợi của cuộc cách mạng do đồng chí Fidel Castro lãnh đạo. Và trong bốn năm đó, cấu trúc của sự thống trị đã bị sụp đổ, vì từ năm 1898, Hoa Kỳ đã triển khai kế hoạch ở đất nước của chúng tôi.
Vì vậy, nhân dân Cuba đã phải đối mặt với sự thù nghịch của giới cầm quyền Mỹ, điều này được thể hiện trong hành động như cuộc tấn công của lính đánh thuê ở Playa Giron, được thực hiện dưới sự tài trợ vũ trang của các băng nhóm phản cách mạng và của các tổ chức khủng bố. Giới cầm quyền Mỹ dùng cấm vận về kinh tế cùng với các kế hoạch nham hiểm để tạo ra sự cố và dùng sự cố đó như là một lý do để nước Mỹ trực tiếp chống lại Cuba.
Các kế hoạch này đã vi phạm những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, là khởi đầu cho cuộc khủng hoảng nguy hiểm nhất mà nhân loại đã biết đó là: Cuộc khủng hoảng tháng Mười năm 1962, còn được gọi là “cuộc khủng hoảng tên lửa” hay “Cuộc khủng hoảng Caribbean”. Chỉ hơn 2 tháng sau đó, ở đầu kia của thế giới, Chiến thắng Ấp Bắc đã đưa ra bằng chứng có giá trị trên toàn thế giới để chứng minh rằng các lực lượng phản động không phải bất khả chiến bại.
Và đồng chí Fidel Castro đã từng nói: “… Khi chúng tôi nói vì Việt Nam chúng tôi sẵn sàng hiến dâng máu của mình, chúng tôi nghĩ rằng điều đó cũng không có gì quá lớn lao… Nhân dân Việt Nam đã hy sinh xương máu của chính mình cho chúng tôi và các dân tộc khác…
Bất kỳ dân tộc nào đã và đang sẵn sàng chiến đấu chống lại những bất công đều biết rõ rằng sau kinh nghiệm của Việt Nam đã cho thấy không chỉ có ý chí kiên cường, bất khuất, không chỉ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, mà còn có ý chí cùng lòng tin vững chắc và chiến đấu đến khi giành thắng lợi…
Người Việt Nam làm chúng ta nhớ đến những điều tốt đẹp nhất của nhân loại, làm cho chúng ta nhớ đến những điều xứng đáng nhất, vinh quang nhất, vị tha nhất và anh hùng nhất. Đó là những điều tuyệt vời nhất mà có thể lấp đầy trong trái tim một con người”. (*)
PV: Ngài Tổng lãnh sự cũng đã về thăm di tích Chiến thắng Ấp Bắc. Cảm xúc của ngài như thế nào khi về lại nơi đã từng diễn ra trận đánh đi vào lịch sử của Việt Nam và tạo nên tiếng vang trên thế giới?
Ngài Gabriel Pérez Tarrau: Khi đến thăm địa điểm lịch sử này, được viếng Đài tưởng niệm những người chiến sĩ đã hy sinh vì đất nước và tham quan Bảo tàng Chiến thắng Ấp Bắc như là một Bảo tàng chứng tích chiến tranh lưu giữ những di vật cũng như hình ảnh quan trọng về trận chiến lịch sử đó đã làm tôi tái khẳng định niềm tin rằng Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn hiểu được ý nghĩa đáng trân trọng và tự hào trong lịch sử để làm nền tảng cho sự hình thành và phát triển của các thế hệ sau.
Các bạn luôn hiểu rằng: Sự ghi nhớ quá trình lịch sử đó là một vũ khí không thể thiếu trong việc bảo vệ độc lập tự do Tổ quốc.
QUÁ TRÌNH HOÀN THÀNH KHÁT VỌNG CỦA BÁC
PV: Thưa ngài Tổng lãnh sự, ngài đánh giá như thế nào về sự phát triển của Việt Nam nói chung và của Tiền Giang nói riêng sau 37 năm giải phóng thống nhất đất nước?
Ngài Gabriel Pérez Tarrau: Sự tiến bộ của Việt Nam trên con đường phát triển kinh tế – xã hội là minh chứng rõ nhất cho những phẩm chất đặc trưng của dân tộc Việt Nam: chăm chỉ, kiên cường, thông minh và không ngừng học hỏi để phát triển.
Ở tất cả các mặt, điều được đánh giá cao nhất là quá trình hoàn thành khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh tụ vĩ đại mà chúng ta không thể nào quên, là xây dựng được một Việt Nam “gấp mười lần tươi đẹp hơn”.
Về mặt quốc gia, cũng như các tỉnh, thành khác bao gồm tỉnh Tiền Giang thì tỷ lệ tăng trưởng luôn được giữ ở mức cao hơn nhiều so với các nước khác, bất chấp những thách thức và mối đe dọa phát sinh từ những thay đổi bất thường của nền kinh tế thế giới trong giai đoạn toàn cầu hóa.
Tuy hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, nhiều hạn chế cần loại bỏ, nhiều thách thức phải đối mặt, nhưng kinh nghiệm đã đạt được trong việc phát triển mô hình kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo ra một nền tảng và cơ sở rất tốt cho sự tiến bộ hơn nữa trong tương lai.
PV: Thưa ngài, với vai trò là Tổng lãnh sự, trong thời gian tới, ngài sẽ làm gì để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Cuba và Việt Nam nói chung và giữa Cuba với Tiền Giang nói riêng?
Ngài Gabriel Pérez Tarrau: Việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa Cuba và Việt Nam, theo ý kiến của tôi thì cần thiết phải nắm rõ về thực trạng kinh tế – xã hội của mỗi nước khi các tổ chức, các công ty quan tâm đến thị trường đó.
Có nghĩa là, phải xác định các cơ hội đầu tư và xúc tiến thương mại trong bối cảnh đặc biệt mà mối quan hệ giữa 2 nước đã, đang và luôn phát triển. Những điều cần thiết đó bây giờ đã nhìn thấy rõ hơn, kể từ khi bắt đầu quá trình cập nhật mô hình kinh tế ở Cuba, và một trong những việc của quá trình cập nhật mô hình kinh tế có việc giải phóng lực lượng sản xuất.
Khi tôi nói về “bối cảnh đặc biệt” ở đây là tôi đề cập đến tình cảm anh em đặc biệt trong quan hệ song phương giữa 2 nước đã, đang và luôn phát triển. Một trong những mặt của bối cảnh đó chính là sự tự nguyện một cách độc lập cùng những mong muốn tốt đẹp, tuy còn phải kể đến khoảng cách địa lý xa xôi giữa 2 nước chúng ta, dù điều này tạo ra một số khó khăn trong việc giao dịch và trao đổi.
Và hơn nữa, còn tùy thuộc vào bối cảnh chính trị được thể hiện trong sự ương ngạnh không chịu thấu hiểu của chính quyền Washington trong việc duy trì chính sách cấm vận và bức hại kinh tế đối với đất nước chúng tôi qua những việc tuyên truyền không đúng sự thật cũng như tấn công trên các phương tiện truyền thông.
Về cả 2 mặt trên, tuy còn nhiều cản trở và hạn chế, nhưng tôi nghĩ rằng vẫn luôn có triển vọng thực sự cho việc thúc đẩy hợp tác giữa Cuba và Việt Nam, bao gồm cả tỉnh Tiền Giang.
PV: Xin cảm ơn ngài!
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.