Múa dân gian các dân tộc: Nguồn cội sáng tạo của múa chuyên nghiệp
Cuộc thi múa chuyên nghiệp các dân tộc thiểu số Việt Nam – Khu vực phía Bắc lần thứ nhất năm 2016 vừa kết thúc, nhưng đằng sau đó là cả một câu chuyện dài về những trăn trở của múa dân gian.
Nguy cơ biến tướng
Từ bao đời nay, múa dân gian các dân tộc thiểu số luôn đóng vai trò quan trọng, làm nền tảng cho sự phát triển nghệ thuật múa chuyên nghiệp và là những di sản văn hóa tiêu biểu của Việt Nam. GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh khẳng định: Ngược lại hành trình sáng tạo tác phẩm múa chuyên nghiệp trong hơn nửa thế kỉ qua cho thấy, những điểm sáng, những dấu ấn lịch sử của các tác phẩm múa thành công đều có nguồn cội sáng tạo từ múa dân gian dân tộc thiểu số. Chính múa dân gian dân tộc thiểu số có sức mạnh, có giá trị bản sắc văn hóa đã là mạch nguồn hấp dẫn các nhà biên đạo múa nhiều thế hệ. Có thể kể đến, “Tây Bắc vui tươi” của biên đạo Hoàng Châu, “Chim gâu” của biên đạo Phùng Nhạn, “Mùa xuân trên bản H’mông” của Thúy Quỳnh, “Đoa Pụ” của Đặng Hùng, “Đàn chim công” của Ứng Duy Thịnh, “Vãn cảnh chùa” của Lê Ngọc Cường…
Vào thời kỳ hoàng kim, trên sân khấu chuyên nghiệp, múa dân gian các dân tộc thiểu số là viên ngọc quý, là tài sản vô giá của mỗi dân tộc. Các đoàn ca múa Trung ương, địa phương đua nhau dựng múa: nón Thái, múa sạp, múa xòe, múa khèn, múa ô, múa trống… Tuy nhiên, khi đất nước bước vào thời kỳ hội nhập, các điệu nhảy mới như: Hip hop, múa đương đại… đã phần nào làm mờ nhạt, lấn át múa dân gian các dân tộc. NSND Hoàng Hải, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa nhận định: Nhìn lại hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc gần đây, các tiết mục múa dân gian của các đoàn tham gia không nhiều, đầu tư kinh phí và thời gian ít ỏi, vì thế chất lượng tác phẩm không cao, không để lại ấn tượng. Hội diễn xong có tác phẩm phải “về hưu”, “nghỉ mất sức” hoặc cho “vào kho” lưu trữ. Mặt khác, hiện nay, văn hóa ngoại lai đang du nhập mạnh mẽ, các kênh thông tin nghệ thuật trên sóng truyền hình, các đoàn ca, múa, nhạc nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn nhiều làm cho khán giả “no” về nghệ thuật, quên đi cả cái hay của múa dân gian dân tộc.
Bên cạnh đó, hiện nay, dòng múa dân gian lại có chiều hướng lai tạp, biến tướng, không rõ ràng và chạy theo thị hiếu khán giả. Điều đó tạo ra nhiều nguy cơ dẫn đến nền nghệ thuật truyền thống mà chúng ta đang cố gắng gìn giữ từ bao thế hệ trước tới nay bị biến tướng và mất dần bản sắc, làm khán giả bị nhầm lẫn về dân tộc, trang phục. NSƯT Lê Thị Quỳnh Anh, Chi hội trưởng Chi hội múa tỉnh Khánh Hòa cho hay: Trên sân khấu múa hiện nay, một số biên đạo đưa động tác múa dân gian của một dân tộc lên sân khấu nhưng lại sử dụng âm nhạc, trang phục truyền thống của dân tộc khác; hoặc trang phục được làm mới, mất đi nét đặc trưng của dân tộc đó… Một số đoàn nghệ thuật có rất nhiều tiết mục múa mang chất liệu lẫn lộn với dân gian nước ngoài.
Sáng tạo phù hợp với hơi thở thời đại
Đưa chất liệu múa dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam vào sáng tác múa chuyên nghiệp hiện nay là một việc không dễ dàng. Người biên đạo múa phải nắm bắt được động tác, ngôn ngữ múa dân gian một cách chi tiết, tinh tế để tạo ra ngôn ngữ cho tác phẩm, chưa kể cần phải có các yếu tố quan trọng của những nghệ thuật không thể thiếu được là: âm nhạc, mỹ thuật. Một điều vô cùng quan trọng nữa là diễn viên phải giỏi nghề, nắm bắt được hệ thống múa dân gian các dân tộc thiểu số thật tinh tế và điêu luyện về kỹ năng, kỹ xảo trong từng động tác múa để thể hiện đúng thần thái, phong cách múa của các đồng bào dân tộc thiểu số.
Mặt khác, đứng trước xu thế hội nhập, múa dân gian cần phải có sự sáng tạo để phù hợp với hơi thở của thời đại. NSƯT Hòa Hiếu, Phó Trưởng Đoàn Ca múa nhạc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng: Trong xu hướng như vậy, đòi hỏi người biên đạo phải tự làm mới mình bằng cách tự trang bị kiến thức văn hóa đa dạng, phát huy mạnh mẽ nội lực, thu thập và vận dụng nhiều kiểu tư duy, nghiên cứu nhiều thủ pháp sáng tác, chắt lọc những cái hay, loại bỏ những điều dở và quan trọng nhất là phải tự hình thành một phong cách riêng, không lẫn vào đâu được.
NSND Lê Huân, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Đà Nẵng khẳng định: Hoàn toàn có thể phối hợp các dòng múa cổ điển châu Âu, múa đương đại, danceport, hiphop… với múa dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam để tạo ra tác phẩm mang hơi thở thời đại, nếu người biên đạo biết chọn lựa, sử dụng cho đúng với tinh thần, tình cảm của dân tộc, đúng với thẩm mỹ dân tộc. NSND Lê Huân dẫn chứng, cố NSND Thái Lý là một trong những biên đạo múa Việt Nam đi tiên phong sử dụng ngôn ngữ múa cổ điển châu Âu vào trong các tác phẩm múa dân gian, dân tộc từ những năm 60 của thế kỷ trước. Mặc dù hồi đó ông đã chịu bao nhiêu búa rìu của dư luận, nhưng bây giờ những tác phẩm mà ông để lại như: Cánh chim và ánh sáng mặt trời, Bả khó… đã trở thành những tác phẩm đỉnh cao của nghệ thuật múa Việt Nam.
Sáng tác múa chuyên nghiệp dựa trên chất liệu dân gian là hướng đi chủ đạo để phát triển nghệ thuật múa Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình sáng tạo cũng cần mạnh dạn đưa những yếu tố mới, sắc thái mới trên cơ sở tiếp nhận và cải biên các giá trị truyền thống để tạo sự lan tỏa văn hóa nhằm phát triển nền nghệ thuật múa chuyên nghiệp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của dân tộc./.
Theo ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.