Hội nghị toàn quốc triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Khẩn trương triển khai 4 nhiệm vụ
Cần sự tham gia rộng khắp, thực chất của nhân dân
Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Sinh Hùng – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Lê Hồng Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Đinh Thế Huynh – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Uông Chu Lưu – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Cần phải nhận thức rằng, để việc lấy ý kiến có ý nghĩa thực chất, quá trình này phải được tiến hành thận trọng, khoa học, công khai, dân chủ. Đặc biệt, ý kiến của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác; phải được trân trọng lắng nghe, nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc để góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị, tại Hội nghị này, các đại biểu tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến về những nội dung sửa đổi cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, quán triệt thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội để việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân diễn ra đúng mục đích, yêu cầu và tiến độ.
Báo cáo về kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đồng chí Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Đồng chí cũng cho biết, về kinh phí phục vụ việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, theo quy định tại Nghị quyết của Quốc hội, khoản kinh phí này sẽ do ngân sách nhà nước bảo đảm. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã thống nhất ý kiến với Văn phòng Quốc hội để kịp thời hướng dẫn về kinh phí tổ chức lấy ý kiến nhân dân, bảo đảm việc tổ chức lấy ý kiến được triển khai đúng tiến độ.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhấn mạnh một số vấn đề quan trọng của công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền nhằm làm cho nhân dân nhận thức sâu sắc về quyền và trách nhiệm của mình trong việc tham gia một cách tích cực, tự giác vào việc đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh, bằng mọi khả năng thực tế, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân có nhiều lựa chọn phương thức thể hiện ý kiến góp ý, như phát biểu, qua phương tiện thông tin đại chúng, qua thư góp ý hoặc các phương tiện thông tin khác.
Đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Đảng ủy Ngoài nước cần chủ động triển khai các giải pháp phát huy vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; giới thiệu tinh thần, quá trình sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của nhân dân Việt Nam để các tổ chức quốc tế, các phái đoàn ngoại giao, bạn bè quốc tế hiểu rõ và đồng tình, ủng hộ.
Đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; nêu cao tính gương mẫu trong việc tham gia nghiên cứu và đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu lên một số vấn đề liên quan trực tiếp đến việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân và các biện pháp đảm bảo tổ chức chu đáo việc lấy ý kiến nhân dân.
Đồng chí Lê Hồng Thu – Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Bạc Liêu góp ý: Theo kế hoạch của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thì các khối như Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên sau khi lấy ý kiến trong hệ thống mình sẽ tổng hợp báo cáo và gửi đến hai nơi là Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội; khối các cơ quan tư pháp cũng tập hợp gửi về Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Đồng chí Lê Hồng Thu kiến nghị nên có hướng dẫn thêm để các bộ, ngành hữu quan được chỉ đạo theo ngành dọc từ Trung ương xuống thực hiện việc báo cáo song trùng, vừa báo cáo Trung ương vừa báo cáo cơ quan ở địa phương, cách làm như vậy sẽ được tập hợp được đầy đủ ý kiến của nhân dân hơn.
Đồng chí Trương Thị Ánh – Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngay sau khi nhận được các văn bản của Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo và đã họp phiên thứ nhất để chuẩn bị cho kế hoạch triển khai ở cơ sở. Sau hội nghị này, thành phố sẽ tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt để triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Đồng chí đề nghị không nên quy định gửi báo cáo về Chính phủ chậm nhất là 15/3/2013 mà nên chia làm hai đợt và hai bản báo cáo này có giá trị pháp lý như nhau. Cách làm này theo đồng chí sẽ tổng hợp được đầy đủ, tối đa các ý kiến đóng góp của nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhất trí với đề xuất này và kết luận sẽ tập hợp ý kiến vào ngày 15/3/2013 và 31/3/2013, hai bản tổng hợp ý kiến có giá trị pháp lý như nhau.
Đồng chí Hà Mạnh Quát – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn đề nghị làm rõ hơn nhiệm vụ, vai trò của HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân.
Đóng góp ý kiến vào kế hoạch tổ chức lấy ý kiến, đồng chí Nguyễn Thành Công – Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương đề nghị cho phép mở rộng thành phần lấy ý kiến đến các ban, ngành của tỉnh để ý kiến đóng góp được rộng rãi hơn.
Trả lời vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo việc mở rộng thành phần lấy ý kiến ở các địa phương là do cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và HĐND quyết định. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng mở rộng là tốt nhưng phải tuân thủ nguyên tắc không để một người dân phải tham gia ở nhiều diễn đàn đóng góp ý kiến.
Khẩn trương triển khai 4 nhiệm vụ
Phát biểu kết thúc Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định: Hội nghị đã quán triệt sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng, mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân và xác định đây là công tác trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong các tháng đầu năm 2013 nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với sửa đổi Hiến pháp.
Đồng chí biểu dương tinh thần trách nhiệm của các đại biểu tham dự Hội nghị và khẳng định những ý kiến phát biểu tại Hội nghị sẽ được tiếp thu. Đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh: “Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 mới chỉ bắt đầu, khối lượng công việc cần triển khai là rất lớn trong khi đó Tết cổ truyền của dân tộc đang đến gần, thời gian còn rất ít, nhiều công việc đòi hỏi phải nhanh chóng thực hiện ngay trước và sau Tết Nguyên đán để bảo đảm đúng Chỉ thị, Nghị quyết và Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân”.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị ngay sau hội nghị này cần phải thực hiện ngay một số công việc.
Thứ nhất, quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai và Kết luận Hội nghị lần thứ năm của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Chỉ thị của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Lãnh đạo các ngành, các cấp, các địa phương phải khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch của bộ, ngành, địa phương mình một cách cụ thể, chặt chẽ, khoa học theo đúng Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Kế hoạch của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; lãnh đạo thực hiện tốt việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phù hợp với tình hình thực tế và nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc để việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân khẩn trương, nghiêm túc đúng tiến độ và hiệu quả. Chỉ đạo việc tổng hợp ý kiến và xây dựng báo cáo kết quả đóng góp ý kiến của nhân dân theo đúng yêu cầu, kế hoạch; bảo đảm thời gian, chất lượng; bảo đảm đầy đủ, toàn diện, chính xác ý kiến của nhân dân.
Thứ hai, trong quá trình tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Đảng; sự tham gia tích cực, khẩn trương, nghiêm túc của tất cả các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị; chỉ đạo chặt chẽ công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đơn vị kịp thời đấu tranh phòng tránh, ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ trong việc lấy ý kiến nhân dân để chống phá, tuyên truyền xuyên tạc chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương có kế hoạch tuyên truyền bằng nhiều hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến và phản ánh kịp thời ý kiến đóng góp của nhân dân.
Thứ ba, trên cơ sở báo cáo kết quả ý kiến đóng góp của nhân dân, của các ngành, các cấp do các địa phương cơ quan tổ chức có trách nhiệm gửi đến, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đầu tư thời gian, công sức xứng đáng để tiến hành xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân; nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng các ý kiến góp ý, kịp thời giải trình, tiếp thu, chỉnh lý hoàn chỉnh Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Thứ tư, cần tập trung khẩn trương, tiến hành tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.