Công bố 3 Luật mới
Sáng 12/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 3 Luật: Luật đấu giá tài sản, Luật tín ngưỡng tôn giáo, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư.
Bãi bỏ 20 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Giới thiệu về Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết: Luật đã bãi bỏ 20 ngành, nghề không phù hợp với tiêu chí và mục đích quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nêu tại Khoản 1, Điều 7 Luật Đầu tư hoặc ngành, nghề có thể quản lý bằng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc các ngành, nghề mà qua rà soát được xác định không phải ngành nghề kinh doanh như: kinh doanh dịch vụ đào tạo đại lý bảo hiểm; nhập khẩu thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến điện; hoạt động của trung tâm giáo dục Quốc phòng – An ninh sinh viên; kinh doanh dịch vụ tổ chức lễ hội…
Đồng thời, Luật bổ sung 15 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện phù hợp với tiêu chí, mục đích quy định tại Khoản 1, Điều 7 Luật Đầu tư; đồng thời đáp ứng yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn quản lý nhà nước đối với các hoạt động đầu tư kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông tại buổi họp báo. (Ảnh: TH).
Thứ trưởng Đặng Huy Đông thông tin thêm: Việc rà soát các ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ được thực hiện thường xuyên, tùy theo nhu cầu thực tiễn, theo yêu cầu xã hội hoặc do cơ quan quản lý cần điều chỉnh, bổ sung theo trình tự quy định trong Luật.
Nếu trong quá trình tác nghiệp, báo chí phát hiện những quy định không phù hợp, hoàn toàn có thể đề xuất với cơ quan chủ trì là Bộ Kế hoạch và Đầu tư để rà soát, bãi bỏ, tất nhiên phải có cơ sở lý luận và sự đồng thuận cao”, Thứ trưởng nói.
Hạn chế tối đa tình trạng “quân xanh, quân đỏ”
Đề cập đến điểm mới nổi bật của Luật đấu giá tài sản, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết: Nhằm hạn chế tối đa tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, móc nối, thông đồng, dìm giá, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, tránh gây thất thoát cho tài sản nhà nước, Luật đấu giá tài sản quy định việc niêm yết thông tin đấu giá tài sản được công khai rộng rãi, minh bạch; việc tổ chức đăng ký tham gia đấu giá đảm báo tính chặt chẽ, thuận lợi; nâng tỷ lệ tiền đặt trước lên mức phù hợp; thủ tục đăng ký tham gia đấu giá được thực hiệ công khai, liên tục nhằm tránh tình trạng cản trở hoặc hạn chế người tham gia đấu giá.
Đồng thời, quy định rõ ràng, rành mạch hơn hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp, gián tiếp; bổ sung hình thức đấu giá trực tuyến; bổ sung phương thức đặt giá xuống để phù hợp với thực tiễn họat động đấu giá tài sản tại Việt Nam trước bối cảnh hội nhập quốc tế.
Luật cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của nguời có tài sản đấu giá trong việc tổ chức thực hiện việc đấu giá. Theo đó, trong quá trình đấu giá, người có tài sản đấu giá có quyền giám sát quá trình tổ chức việc đấu giá, yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản…; quy định các trường hợp hủy kết quả đấu giá tài sản đảm bảo chặt chẽ; khách quan nhằm hạn chế các hành vi vi phạm về trình tự, thủ tục đấu giá, thông đồng, dìm giá…
Luật đấu giá tài sản gồm 8 chương, 81 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2017. Tuy nhiên, khoản 4, Điều 80 Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.
Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Luật tín ngưỡng tôn giáo gồm 9 chương, 68 Điều. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho hay: Nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Luật quy định chủ thể thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là mọi người chứ không phải là quyền công dân như trước đây.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo; quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo.
“Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của tất cả mọi người và quyền này không bị giới hạn bởi quốc tịch, giới tính, độ tuổi”, Thứ trưởng nói.
Nhằm tạo điều kiện cho cơ sở tín ngưỡng hoạt động có hiệu quả, Luật quy định cơ sở tín ngưỡng phải có người đại diện hoặc ban quản lý để chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động diễn ra tại cơ sở tín ngưỡng như đăng ký hoạt động tín ngưỡng, thông báo việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng định kỳ; quản lý và sử dụng khoản thu đúng mục đích, công khai, minh bạch.
Để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người phù hợp với Hiến pháp, Luật quy định về đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. So với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, nội dung này có nhiều điểm mới như chủ thể được thực hiện quyền sinh hoạt tôn giáo tập trung dành cho không chỉ tín đồ thuộc tổ chức tôn giáo; đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của tất cả mọi người.
Về đăng ký hoạt động tôn giáo, Luật quy định để được cấp chứng nhận đăng lý hoạt động tôn giáo, tổ chức phải đáp ứng đủ các điều kiện Luật quy định…/.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.