Một năm sôi động của Mỹ thuật Việt Nam
Năm 2016 được xem là một năm sôi động của đời sống mỹ thuật nước nhà khi đan xen những mảng mầu sáng, tối trong xu thế tiếp tục tìm tòi sáng tạo của giới sáng tác và nỗ lực xây dựng một thị trường mỹ thuật lành mạnh, chuyên nghiệp dẫu còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Tác phẩm điêu khắc đá Kết quả chiến thắng của Lưu Danh Thanh tại Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. |
Tranh giả vẫn “làm khó” thị trường Năm 2016, một “cú sốc” lớn đến với mỹ thuật nước nhà. Lần đầu tiên, một địa chỉ tầm cỡ quốc gia là Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh bị tranh giả “qua mặt”. Đó là sự kiện triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu giới thiệu 17 tác phẩm của bộ tứ huyền thoại làng hội họa Việt Nam: Nghiêm – Liên – Sáng – Phái (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái); cùng một số họa sĩ nổi tiếng Trường Mỹ thuật Đông Dương (giai đoạn 1925 – 1945). Trước phản ánh của dư luận về hầu hết tác phẩm trưng bày là tranh giả, Hội đồng giám định triển lãm đã làm việc và đưa ra kết luận: 15 trong số 17 tác phẩm không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện; hai bức còn lại bị mạo danh; đề nghị Bảo tàng có văn bản gửi Công an và Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao TP Hồ Chí Minh tạm giữ để phục vụ điều tra và xử lý. Bảo tàng đã gửi lời xin lỗi đến công chúng về sự việc này. Còn các cơ quan quản lý đã “không kịp” vào cuộc, khi hết thời gian triển lãm, chủ nhân bộ sưu tập đã mang các tác phẩm về… Tiếp đó, một “nghi án” nữa khiến dư luận hoang mang, là trong phiên đấu giá nghệ thuật từ thiện Thiện Nhân và những người bạn tại TP Hồ Chí Minh, bức tranh sơn dầu Phố cổ Hà Nội của danh họa Bùi Xuân Phái được đấu giá thành công với mức giá 102.000 USD (gần 2,3 tỷ đồng). Tuy nhiên sau đó, nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn và gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái đã lên tiếng nghi ngờ kiệt tác sơn dầu của danh họa là tranh giả… Lâu nay, tranh giả, tranh chép vẫn luôn là “đại nạn” của mỹ thuật nước nhà. Từ những năm 90 của thế kỷ 20, trào lưu sao chép tác phẩm của các danh họa Việt Nam nổi tiếng Bùi Xuân Phái, Nguyễn Phan Chánh,… nở rộ. Không chỉ tranh của các bậc thầy, tranh của các họa sĩ trẻ bán chạy lập tức cũng có hàng nhái. Thực trạng này làm ảnh hưởng thanh danh của các nghệ sĩ đích thực, mất uy tín của thị trường mỹ thuật Việt Nam. Không có ai chịu trách nhiệm, cũng không một cơ quan nào đứng ra phân loại thật, giả. Một vài vụ việc bị phát hiện “chép” hoặc “đạo” thường rơi vào các tác phẩm đoạt giải tại triển lãm; sau khi dư luận phản ánh cũng chỉ nhận hình thức bị thu hồi giải thưởng. Còn hầu hết tranh giả trôi nổi trên thị trường không hề bị kiểm soát, xử lý. Sự việc tranh giả có mặt tại triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu ở một bảo tàng mỹ thuật uy tín cho thấy, sự hoành hành của nạn tranh giả và gióng lên hồi chuông khẩn thiết phải có giải pháp mạnh mẽ làm trong sạch thị trường mỹ thuật nước nhà. Sàn đấu giá – lạc quan và hệ lụy Lâu nay, các hoạt động đấu giá tác phẩm mỹ thuật vẫn diễn ra, chủ yếu mang mục đích từ thiện, xã hội; như cuộc đấu giá các tác phẩm hội họa và điêu khắc để hỗ trợ Bảo tàng không gian văn hóa Mường (Hòa Bình) phục dựng nhà Lang; đấu giá tranh gây quỹ cho dự án Nhà chống lũ miền trung,… Trong năm 2016, hoạt động đấu giá nghệ thuật mang tính thương mại đã chính thức ra đời, bước đầu được dư luận quan tâm. Tiêu biểu phải kể đến phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật đầu tiên do Công ty cổ phần bán đấu giá Lạc Việt tổ chức tại Hà Nội, với một số tác phẩm bán được ở mức giá kỳ vọng. Ở TP Hồ Chí Minh, hoạt động này cũng được một số ga-lơ-ry đứng ra tổ chức. Đáng chú ý, bên cạnh đấu giá công khai, trực tiếp, xuất hiện hình thức đấu giá trên mạng như cuộc đấu giá online các tác phẩm hội họa do họa sĩ Phạm An Hải khởi xướng, diễn đàn Vietnam art space điều hành. Sự kiện này được sự hưởng ứng của đông đảo họa sĩ, trong hơn hai ngày đã bán được 50 bức tranh, là khởi đầu lạc quan, mở thêm kênh cho việc bán tác phẩm của nghệ sĩ. Có thể thấy, trong bối cảnh thị trường mỹ thuật đang gặp nhiều khó khăn vì nạn tranh giả, tranh chép và những vướng mắc về cơ chế, tổ chức hoạt động, sự ra đời của sàn đấu giá nghệ thuật mang tính thương mại, ở các hình thức với những hiệu quả bước đầu là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, cũng cần lưu tâm những hệ lụy của nó. Cụ thể, như việc người đấu giá thành công cặp chóe Tứ linh trị giá hơn sáu tỷ đồng tại phiên đấu giá của Công ty cổ phần bán đấu giá Lạc Việt sau đó bỏ không mua nữa. Đây là bài học về công tác tổ chức, đòi hỏi có các điều khoản, quy định pháp luật chặt chẽ; chẳng hạn cần tăng mức phí đặt cọc cao hơn để người đấu giá thắng không bỏ cuộc. Nên nói thêm là lâu nay, các tác phẩm nghệ thuật không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu giá. Vì vậy, Luật Đấu giá tiếp tục sửa đổi được kỳ vọng mang lại cơ sở pháp lý hoàn chỉnh hơn để hỗ trợ hoạt động này. Còn với hình thức đấu giá trên mạng, lại đặt ra vấn đề về bảo hộ bản quyền khi các tác phẩm đưa lên rất dễ bị “đạo”; đòi hỏi các cơ quan chức năng có những giải pháp quản lý và chế tài xử lý phù hợp để không xảy ra những sự việc đáng tiếc. Bên cạnh đó, các đơn vị tổ chức đấu giá cũng cần có đội ngũ chuyên gia tư vấn và các đấu giá viên chuyên nghiệp để bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động. Dấu ấn và hy vọng Năm 2012, lần đầu Việt Nam đăng cai tổ chức cuộc thi và triển lãm tranh đồ họa 10 nước ASEAN. Đến năm 2016 này, Việt Nam lại tiếp tục đứng ra tổ chức cuộc thi tầm cỡ này của mỹ thuật khu vực. Không như các thể loại tranh khác, tranh đồ họa cần có kỹ thuật và công nghệ in ấn, đòi hỏi sự học hành, đào tạo nghiêm túc, bài bản của người sáng tác. Vì vậy, sự kiện lần này tiếp tục là cơ hội cho các họa sĩ Việt Nam giao lưu, học hỏi được nhiều từ nghệ sĩ nước bạn; đồng thời nhận biết được vị trí của tranh đồ họa Việt Nam trên bản đồ mỹ thuật khu vực. Đứng sau Thái-lan, giành một giải nhì và hai giải khuyến khích tại cuộc thi, các nghệ sĩ Việt Nam đã chứng tỏ năng lực và triển vọng của mình ở thể loại nghệ thuật này. Sau nhiều năm lao động, tìm tòi sáng tạo của các làng nghề sơn mài truyền thống và các thế hệ họa sĩ sáng tác tranh sơn mài, vừa qua, Chính phủ chính thức giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận nghệ thuật sơn mài Việt Nam là Di sản văn hóa thế giới. Khác với các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc (cùng chung việc xây dựng hồ sơ trình đợt này), sơn mài Việt Nam độc đáo ở chỗ không chỉ làm nghề thủ công mỹ nghệ hay trang trí đình chùa, mà còn có nghệ thuật hội họa sơn mài, sử dụng sơn ta truyền thống, không dùng hóa chất. Mấy năm gần đây, chúng ta đã nỗ lực đưa triển lãm tranh sơn mài ra các nước trên thế giới như Anh, Pháp, I-ta-li-a, Đức, Trung Quốc; góp phần quảng bá loại hình mỹ thuật độc đáo của nước nhà. Việc được vinh danh Di sản văn hóa thế giới không chỉ là niềm tự hào, mà còn mở ra những cơ hội cho nghệ thuật sơn mài Việt Nam tiếp tục phát triển, góp phần phục hồi nghề trồng và sản xuất sơn ta trong nước. Bên cạnh những sự kiện lớn, các hoạt động ở nhiều hình thức, quy mô vẫn diễn ra tại các thành phố trung tâm nghệ thuật và địa phương trên cả nước; góp phần tạo nên những gam mầu sinh động cho đời sống mỹ thuật nước nhà. Đó là mô hình tổ chức các sự kiện nghệ thuật quốc tế như trại sáng tác điêu khắc và trưng bày tác phẩm ngoài trời, xây dựng môi trường văn hóa du lịch của Khu du lịch sinh thái Flamingo Đại Lải. Trại điêu khắc đá với chủ đề “Thành cổ Quảng Trị – Bất tử và Hồi sinh” đem đến những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, làm đẹp thêm không gian Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. Triển lãm “Today” (Hôm nay) giới thiệu những gương mặt nghệ sĩ trẻ thời kỳ đổi mới tại Hanoi Creative số 1 Lương Yên (Hà Nội)… Điều đáng mừng là lượng khán giả nghệ thuật, khách hàng nội địa – những người có nhu cầu và điều kiện kinh tế trong nước có dấu hiệu tăng lên. Tuy nhiên, vấn đề trình độ, nhận thức thẩm mỹ của công chúng còn là điều không dễ khắc phục ngày một ngày hai. Có thể thấy, trong bối cảnh chung có nhiều thách thức của đời sống nghệ thuật nước nhà, mỹ thuật vẫn đang có những chuyển động ở nhiều trạng thái; không chỉ dừng ở nhu cầu tồn tại mà luôn âm ỉ khát vọng đột phá, vươn lên; cùng mong muốn xây dựng một thị trường chuyên nghiệp, minh bạch, chú trọng phát triển khách hàng trong nước. Thực trạng của mỹ thuật Việt Nam đang đặt ra những vấn đề bức thiết như: cần có cơ chế, hành lang pháp lý trong việc bảo vệ bản quyền, tìm đầu ra cho tác phẩm nghệ thuật; giáo dục, nâng cao trình độ thẩm mỹ của công chúng; xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn tiếp theo với những giải pháp cụ thể… Những việc làm đó, không chỉ là nhiệm vụ của riêng giới mỹ thuật, mà còn là trách nhiệm của cả xã hội vì một nền mỹ thuật Việt Nam trong xu thế hiện đại và hội nhập. |
Nguồn Nhân dân
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.