Truyền hình Tiền Giang- hướng tới mục tiêu truyền thông đa phương tiện

Cách đây 20 năm, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, vào lúc 18 giờ 30 phút ngày 19-12-1996, chương trình truyền hình đầu tiên của Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang (PT-TH TG) đã chính thức phát sóng, cung cấp cho nhân dân một loại hình báo chí mới: Báo hình, đánh dấu bước phát triển mới của báo chí tỉnh Tiền Giang nói chung và của Đài PT-TH TG nói riêng.

Phóng viên Đài PTTH Tiền Giang tác nghiệp. Ảnh: Đức Lập
Phóng viên Đài PTTH Tiền Giang tác nghiệp. Ảnh: Đức Lập

ĐI LÊN TỪ KHÓ KHĂN

Nhìn lại chặng đường 20 năm đã qua, mới thấy hết sự nỗ lực khắc phục khó khăn để vươn lên của tập thể cán bộ, viên chức toàn Đài. Trong những ngày đầu phát sóng, trang thiết bị của Đài rất thiếu thốn, chỉ có 1 máy phát hình 5kw, 2 đầu video VHS, 5 máy quay phim, 2 bàn dựng và 2 máy vi tính. Lực lượng phóng viên và kỹ thuật viên cũng rất khiêm tốn – chỉ khoảng 30 người, mỗi ngày thời lượng phát sóng chỉ 3,5 giờ, với vỏn vẹn 4 loại chương trình. Còn kinh phí thì sử dụng chung với phát thanh, chứ chưa được cấp riêng để hoạt động phát sóng chương trình truyền hình.

Đài PTTH TG vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.                                                       Ảnh: MINH CHÂU
Đài PTTH TG vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Ảnh: MINH CHÂU

Đi từ xuất phát điểm còn khó khăn, để có được thành quả như ngày hôm nay, các thế hệ lãnh đạo, viên chức, phóng viên của Đài đã có sự nỗ lực rất lớn. Đến nay, Đài đã phát sóng 24/24 giờ, phủ sóng khắp cả nước, một số nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới thông qua hầu hết các hạ tầng như truyền hình cáp, vệ tinh Vinasat, IPTV và phát trực tuyến trên Internet… Cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của Đài làm việc ngày một chuyên nghiệp hơn, với trình độ chuyên môn không ngừng nâng cao.

Đài PT-TH TG đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; Cờ thi đua và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; nhiều Bằng khen của bộ, ngành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; các giải thưởng Báo chí quốc gia và Liên hoan truyền hình toàn quốc. Đây là những phần thưởng cao quý, xứng đáng và đánh giá đúng đắn về sự trưởng thành của các thế hệ cán bộ, viên chức làm công tác truyền hình của Đài 20 năm qua.

Cơ cấu chương trình dần hợp lý, chất lượng chương trình ngày một cải tiến theo hướng nâng cao. Trong đó, chương trình thời sự và chuyên mục luôn được cập nhật thông tin mới, nhanh nhạy, chính xác và kịp thời, tạo được thông tin 2 chiều giữa Đài với khán giả và ngược lại. Các chương trình văn nghệ địa phương, giải trí cũng được đầu tư kinh phí, tạo nguồn và tăng thời lượng phát sóng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khán giả.

Song song với công tác tuyên truyền, Đài còn tổ chức thành công các chương trình văn hóa – văn nghệ và Hội thi truyền thống như: Hội thi Giọng ca cải lương giải Nguyễn Thành Châu, Hội thi Tiếng hát phát thanh – truyền hình giải Hoàng Việt, Hội thi Tiếng hát măng non giải Hồ Văn Nhánh; phối hợp với các tỉnh tổ chức các chương trình: Tiếng vọng quê hương, Âm vang miền Tây và Giai điệu phương Nam, được khán giả trong khu vực hoan nghênh. Đài còn thực hiện chương trình Đường đến vinh quang dành cho học sinh THPT khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tổ chức Giải Bóng đá Cúp Truyền hình Tiền Giang…

Ngoài việc thường xuyên nâng cao chất lượng chương trình, 20 năm qua Đài còn tích cực tham gia công tác từ thiện – xã hội với những chương trình khẳng định thương hiệu PT-TH TG do Đài tổ chức thực hiện. Thông qua các chương trình truyền hình: Mái ấm nghĩa tình, Nâng bước đến trường, Địa chỉ nhân đạo, Vượt khó cùng Anco, Khát vọng sống…, Đài đã vận động được trên 70 tỷ đồng để chia sẻ khó khăn với những hoàn cảnh khó khăn, chung tay chăm lo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

VƯƠN LÊN TẦM CAO MỚI

Những thành quả mà Đài PT-TH TG đạt được trong thời gian qua là rất lớn và rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, không thể bằng lòng với những kết quả đó, tập thể Đài đang tiếp tục đóng góp sức lực, trí tuệ để đưa Đài phát triển lên tầm cao mới.

Giám đốc Đài PT-TH TG  Nguyễn Đức Đảm cho rằng, theo dự báo, ngành Truyền hình Việt Nam trong những năm tới sẽ có bước phát triển vượt bậc trong điều kiện nền kinh tế thị trường và nước ta mở cửa hội nhập. Kèm theo sự phát triển đó sẽ là những thách thức và sự  cạnh tranh quyết liệt giữa các loại hình báo chí. Trong xu hướng hiện nay, các cơ quan báo chí và các đài PT-TH đang hướng tới một cơ quan truyền thông đa phương tiện để phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của mình. Trong xu thế chung đó, Đài PT-TH TG phải tập trung đổi mới, cải tiến và nâng cao chất lượng chương trình theo hướng gần gũi và thiết thực hơn với cuộc sống; tăng cường thực hiện xã hội hóa sản xuất chương trình, chuyển tải thông tin và các chương trình giải trí đến quý khán, thính giả thông qua 3 phương tiện chính là: Truyền hình, phát thanh và báo điện tử. Đồng thời sẽ nỗ lực để xây dựng 3 loại hình này ngày càng phát triển mạnh mẽ, cũng như sẽ tích hợp chúng trên Internet để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin, giáo dục và giải trí của người dân trong và ngoài tỉnh cũng như ngoài nước.

Sắp xếp bố trí lại các chương trình và thời lượng chương trình cho phù hợp với từng nhóm đối tượng xem Đài. Cấu trúc chương trình vừa đảm bảo tính định hướng chính trị, vừa bảo đảm tính hài hòa giữa thông tin, giáo dục và giải trí. Các chương trình thời sự chính luận sẽ được bố trí phát ở những giờ tốt nhất, tin tức cập nhật, mở rộng diện thông tin trong tỉnh, trong nước và thế giới. Các chuyên mục, tiết mục sẽ được sắp xếp lại cho phù hợp, mở thêm các chuyên mục mới và loại bỏ các chuyên mục không còn thu hút khán giả. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các chương trình khoa giáo trực tiếp, các hội thi truyền thống, các chương trình phối hợp với các tỉnh bạn. Đặc biệt, các chương trình giải trí sẽ được thực hiện theo hướng xã hội hóa sản xuất thông qua tài trợ trao đổi, hợp tác, mua bán… Việc đổi mới nội dung chương trình của Đài sắp tới sẽ gắn liền với hình thức thể hiện, không chạy theo số lượng, tập trung nâng cao chất lượng, hướng đến phương châm “phát những chương trình mà khán giả cần, chứ không phát những gì Đài có”.

Ông Nguyễn Đức Đảm cho biết thêm, song song với việc đa dạng hóa các loại hình hoạt động, Đài tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng Trung tâm Kỹ thuật phát thanh truyền hình, đầu tư trang thiết bị đồng bộ và hiện đại theo hướng số hóa, đa dạng hóa các hạ tầng phát sóng, thực hiện nghiêm lộ trình số hóa của Chính phủ đến giữa năm 2017 chuyển kênh truyền hình sang phát sóng số mặt đất, phấn đấu đến năm 2018 sẽ phát sóng kênh truyền hình theo chuẩn HD; xin chủ trương và lập các thủ tục sản xuất thêm một kênh truyền hình mới. Bên cạnh đó, Đài sẽ tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, viên chức, đặc biệt là lực lượng phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên và kỹ thuật viên bảo đảm vững vàng về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ, bản lĩnh trong tác nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của khán, thính giả. Mở rộng các hoạt động dịch vụ nhằm tăng nguồn thu, bù đắp chi phí, tái đầu tư sản xuất và phát sóng chương trình, phấn đấu đến năm 2020 Đài sẽ tự chủ hoàn toàn về tài chính…

MAI HÀ- Báo Ấp Bắc