Kịch nói “Kiều”: Thể nghiệm táo bạo giữa truyền thống và đương đại
Tháng 11/2016, những buổi diễn đầu tiên của vở kịch nói “Kiều”, dựa theo kiệt tác Truyện Kiều của Đại Thi hào Nguyễn Du, Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng đã gây được sự chú ý cho công chúng và giới chuyên môn bởi tính thể nghiệm mới lạ, khá táo bạo.
“Kiều” có sự thể nghiệm táo bạo giữa kịch nói, âm nhạc đương đại, múa truyền thống. |
Truyện Kiều đã được khai thác ở nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau từ “phiên bản” cải lương đến kịch thể nghiệm, thậm chí là opera, nên vở diễn là áp lực không nhỏ cho các nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam khi chọn điểm nhấn, thông điệp chuyển tải tới khán giả với những yếu tố mới, khác biệt.
Đó là sự kết hợp giữa những yếu tố âm nhạc đương đại với múa truyền thống, các diễn viên kịch nói phải tự hát, múa, cùng phần xử lý trang trí sân khấu và ánh sáng.
Cách cắt nghĩa và xây dựng nhân vật của đạo diễn, NSND Anh Tú trên sân khấu sắc nét, đan cài giữa việc sử dụng âm nhạc hiện đại, ca từ mới, cảm xúc mới của nhạc sĩ Giáng Son, kết hợp với việc đối thoại ngôn ngữ như kịch nói đã đem lại sức hấp dẫn khác nhau của mỗi loại hình.
Nói về sự kết hợp giữa hát nhạc hiện đại, múa truyền thống, kịch, đạo diễn Anh Tú chia sẻ: Hiện nay có sự khủng hoảng về sân khấu khi hầu như chỉ những người già đến xem, trừ những vở dành riêng cho thiếu nhi. Không thể để tình trạng này tiếp tục, chúng ta phải hướng đến khán giả trẻ thì mới bảo đảm sự cân bằng cho một nền sân khấu. Vì vậy, bất kể vở diễn gì, ngoài công chúng nói chung, tôi cũng hướng đến đối tượng thanh niên. Muốn vậy, thủ pháp dàn dựng phải nhanh, cuốn hút, hấp dẫn.
“Ví dụ ngay cả bài rap của các kỹ nữ lầu xanh lúc đầu tôi cũng có cảm giác không ăn nhập nhưng khi đưa vào vở diễn lại rất phù hợp, thậm chí nhiều bạn trẻ khi xem cảm thấy thích thú”, đạo diễn Anh Tú nói.
Trong khi đó sự xuất hiện của “Múa Bài bông”, điệu múa cổ thời Trần, cho thấy việc học hỏi, đưa được tinh hoa của những nét văn hóa truyền thống vào những vở diễn hiện đại sẽ nâng tầm vở diễn, đồng thời giúp khán giả trẻ thấy cái hay, nét đẹp của văn hóa truyền thống.
Như nhận xét của Đạo diễn Bùi Như Lai (Nhà hát Tuổi trẻ), khi có một tác phẩm tổng hòa tất cả các loại hình từ âm nhạc, hình thể, múa, kịch nói nhuần nhuyễn chứng tỏ sự phù hợp trong thời điểm hiện nay hướng đi nên có của sân khấu Việt Nam.
Kết cấu sân khấu của “Kiều” đã đoạn tuyệt với bục bệ mà thay vào đó là những lớp phông màn mang hình ảnh hoa sen, tượng trưng cho thân phận của người phụ nữ tài sắc nhưng chịu nhiều truân chuyên.
Các nhân vật trong Truyện Kiều từ lâu đã trở thành những nhân vật kinh điển, vì vậy, nhiều đạo diễn thường chọn những diễn viên có kinh nghiệm nhưng ở “Kiều”, đạo diễn Anh Tú đã chọn những diễn viên trẻ với những sáng tạo, tâm huyết, độc đáo.
NSND Anh Tú, Đạo diễn vở kịch cho biết áp lực duy nhất trong quá trình dựng “Kiều” là sự đón nhận từ công chúng khi vở diễn ra mắt bởi “Kiều” thuộc về văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, tâm lý Việt Nam nên luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả.
Những thành công bước đầu của “Kiều” tiếp tục cho thấy xu thế “lội ngược dòng” của một số nhà hát, đơn vị nghệ thuật khi dàn dựng lại những tác phẩm nghệ thuật kinh điển với thủ pháp đương đại từ góc độ xử lý kịch bản như: Rút ngắn thời lượng vở diễn, đơn giản hóa lời thoại, đưa vào những nét văn hóa bản địa…
NSND Anh Tú chia sẻ: “Nếu không dựng kịch kinh điển thì khán giả sẽ rất thiệt thòi, không được thưởng thức tinh hoa nghệ thuật. Chúng ta không sợ rằng những kịch bản đã ra đời cách đây hàng trăm năm sẽ trở nên lỗi thời bởi khi đã là kinh điển thì những tác phẩm ấy sẽ sống với thời gian. Những vấn đề mà các tác phẩm đề cập vẫn rất gần gũi với đời sống, con người hiện tại”.
Việc dựng kịch kinh điển là công việc thường xuyên của các nhà hát hàng đầu để khán giả có điều kiện tiếp cận với những tinh hoa của kịch nói thế giới và Việt Nam. Đồng thời, diễn viên và ê-kíp được sáng tạo hết mình. Tâm thế, tầm và tài năng của nghệ sĩ sẽ được nâng lên.
Nguồn Chính phủ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.