Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Tiếp tục phiên họp thứ 14, chiều 15/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

 

 Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/1.
Ảnh: VGP/Thành Chung.


Tại phiên họp, việc áp dụng bảng giá đất được nhiều đại biểu cho ý kiến. Có 2 loại ý kiến được Chính phủ đưa ra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Thứ nhất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành bảng giá đất để áp dụng cho tất cả các mục đích; không công bố bảng giá đất hàng năm mà chỉ điều chỉnh cục bộ khi giá đất có sự biến động tăng, giảm 20%; trường hợp chưa kịp điều chỉnh bảng giá đất thì xác định giá đất cụ thể để áp dụng. Thứ hai, bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và được công bố vào ngày 1-1 của năm đầu kỳ để làm căn cứ tính các loại thuế, phí, lệ phí và tính thu tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; các trường hợp còn lại như: giao đất, cho thuê đất không theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì thực hiện việc xác định giá đất cụ thể tại thời điểm thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý chưa đồng tình với cả 2 phương án nêu trên và cho rằng, đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước là chủ sở hữu. Nhà nước phải chủ động được và không chạy theo thị trường. Nếu thực hiện như phương án đề cập nêu trên, sẽ xảy ra hiện tượng Nhà nước chạy theo thị trường đất. Còn đối với phương án thứ hai, 5 năm mới thay đổi một lần thì lại quá lâu. Vì vậy, cần đưa ra phương án tối ưu hơn.

Bàn việc áp dụng bảng giá đất, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, nguyên tắc xác định giá đất vẫn mâu thuẫn với nhau. Đất chưa được quy hoạch, chưa được đầu tư giá khác; khi có quy hoạch giá đã khác; khi đầu tư giá lại càng khác. Người dân hay thắc mắc khi đất đã đầu tư xong rồi, so với giá ban đầu có độ vênh, chưa kể đến việc tạo ra giá đất ảo khi dự án chuẩn bị được phê duyệt. Nếu quy định thế này có thể sẽ không sát thực tế và không thỏa mãn yêu cầu người dân. Do đó, phải xác định nguyên tắc giá như thế nào cho hợp lý. Giá đất cho mục đích công cộng và phục vụ kinh doanh cũng phải khác nhau.

Về công chứng, chứng thực hợp đồng giao dịch các quyền của người sử dụng đất, cũng có hai ý kiến quan trọng được Chính phủ đưa ra và trình UBTVQH. Thứ nhất, thực hiện quy định các hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất như: chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực; hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp được công chứng, chứng thực theo nhu cầu của các bên nhằm đảm bảo an toàn cho các giao dịch, phòng ngừa các rủi ro. Thứ hai, nghiêng theo hướng công chứng, chứng thực các hợp đồng về giao dịch quyền sử dụng đất theo yêu cầu của các bên có liên quan.

Tại phiên họp, vấn đề lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi) cũng được đề cập. Dự kiến sẽ có quy định về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), phạm vi lấy ý kiến nhân dân là toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân gửi về Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp đầy đủ các ý kiến nghiên cứu tiếp thu, giải trình để hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Thời gian lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ ngày 1 tháng 2 năm 2013 và kết thúc vào ngày 31 tháng 3 năm 2013./.