Tọa đàm “Thế giới trong gương của Haruki Murakami”
Sáng 18/1, tại Hà Nội, Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức buổi Tọa đàm: “Thế giới trong gương của Haruki Murakami”.
Buổi Tọa đàm có sự tham gia của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà nghiên cứu văn học Trần Thị Tố Loan, dịch giả Trần Tiến Cao Đăng, dịch giả Lương Việt Dũng, đã giúp độc giả Việt Nam có cơ hội trao đổi sâu hơn về nhà văn Nhật Bản – Murakami và tác phẩm mới nhất – “1Q84”, cũng như các tác phẩm đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt của ông; đồng thời có cái nhìn cụ thể hơn về vị trí của văn học Nhật Bản ở Việt Nam hiện nay.
Sinh năm 1949, Haruki Murakami khởi đầu sự nghiệp sáng tác văn chương của mình vào năm 29 tuổi. Chỉ trong vòng khoảng mười năm, ông đã trở thành một nhà văn danh tiếng tại Nhật Bản. Báo chí trong nước và quốc tế dành không ít lời ca tụng các tác phẩm của Murakimi. Tờ The New York Times Book Review đánh giá, Murakami giống như một nhà ảo thuật đang diễn giải những gì mình thực hiện trong lúc biểu diễn, song vẫn khiến người ta tin rằng, ông sở hữu một sức mạnh siêu nhiên… Trong khi bất cứ ai cũng có thể kể một câu chuyện giống như một giấc mơ, ông là một trong số ít nghệ sĩ có thể khiến chúng ta thấy mình thực sự đang mơ…
Độc giả Việt Nam cũng hẳn không còn xa lạ với Haruki Murakami. Ông là tác giả của nhiều tiểu thuyết thuộc hàng bán chạy nhất thế giới như: “Rừng NaUy”, “Biên niên ký chim vặn dây cót”, “Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời”, “Kafka bên bờ biển”… Đặc biệt, hầu hết các tác phẩm của Haruki Murakami đều đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt và được đông đảo bạn đọc chào đón nồng nhiệt.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm (Ảnh: HN) |
Bên cạnh tác phẩm mới nhất – “1Q84”, những tác phẩm của ông, từ “Rừng NaUy”, “Biên niên ký chim vặn dây cót”, “Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời”, “Kafka bên bờ biển” đến “Người tình Sputnik”… là những hành trình đầy trăn trở, những cuộc lãng du kì lạ trong hiện thực, những cuộc vượt ra ngoài không gian, thời gian và thám hiểm vào cõi nội tâm đầy bí ẩn của con người để truy tầm bản ngã cho mình.
Nhà nghiên cứu văn học Trần Thị Tố Loan cho rằng: “Haruki Murakami qua các kiệt tác của mình đã không làm cái việc đáng chán là gom nhặt các mảnh vỡ của hiện thực, để xây dựng một hình ảnh ngụy tạo về thế giới hoàn hảo như con người mong muốn nhìn thấy, mà ông bình thản chấp nhận thế giới hỗn mang như vốn có. Và, nhân vật của Haruki Murakami đã được đặt trong cái thế giới chênh vênh ấy. Trong cõi hỗn loạn xô bồ của đời sống, họ phải dằn vặt, suy nghĩ, trăn trở và nhiều khi đã tìm đến cái chết để giữ được bản ngã của mình”./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.