Chủ tịch nước dự chương trình nghệ thuật “Lời của non sông” của VOV
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến dự và phát biểu trong chương trình giao lưu nghệ thuật “Lời của non sông” do Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện.
Nhân kỷ niệm 70 năm lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thơ chúc Tết trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, tối 17/1, tại Trung tâm phát thanh quốc gia (58, Quán Sứ, Hà Nội), Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật với chủ đề “Lời của non sông”.
Đến dự chương trình có Chủ tịch nước Trần Đại Quang; ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành và thành phố Hà Nội. Về phía Đài TNVN có ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương và các lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Đài TNVN.
Mùa xuân năm 1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu làm thơ chúc Tết. Mùa xuân năm Đinh Hợi 1947, sau ngày Toàn quốc kháng chiến, lần đầu tiên Bác Hồ đọc thơ chúc Tết trên làn sóng Đài TNVN (lúc bấy giờ sơ tán về hang Long Sơn, cạnh Chùa Trầm, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông cũ, nay thuộc Hà Nội). Đúng 22h ngày 27/1/1947, Bác trịnh trọng đọc bài thơ chúc Tết đồng bào, chiến sỹ cả nước. Lời thơ của Người vang vọng hòa vào lời non sông với khát khao độc lập, tự do, niềm tin vào sức mạnh dân tộc.
Cuộc đời, sự nghiệp của Người là một di sản quý giá. Trong đó những bài thơ của Người ôm trọn một trái tim bao la, yêu nước thương nòi. Kể từ bài thơ chúc Tết đầu tiên trên làn sóng Đài TNVN năm 1947 đến lúc ra đi, Người đã sáng tác hơn 20 bài thơ chúc Tết.
Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ nhận quà tặng của Chủ tịch nước dành cho Đài TNVN là bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Khi lời thơ của Bác vang lên trong thời khắc giao thừa, gửi tới quốc dân đồng bào như tiếng của non sông, góp phần động viên chiến sĩ, đồng bào cả nước cùng vượt qua những khó khăn gian khổ, để kháng chiến thành công, góp phần giải phóng miền Nam và xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, đất nước ta vừa tổ chức kỷ niệm trọng thể 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến và hôm nay, chúng ta xúc động kỷ niệm tròn 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Thơ chúc Tết Đinh Hợi 1947 trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam động viên, khích lệ đồng bào, chiến sĩ cả nước. Chủ tịch nước cho biết, sinh thời, Bác Hồ thường tâm sự “Ngâm thơ ta vốn không ham…”. Bác chưa bao giờ tự cho mình là nhà thơ, Bác làm thơ là để nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp lý tưởng, kêu gọi các tầng lớp nhân dân “kháng chiến, kiến quốc”.
“Vì làm thơ cho mọi người dễ nghe, dễ đọc, dễ hiểu nên từ ngữ trong thơ Bác giản dị, trong sáng; tứ thơ rõ ràng, đẹp đẽ; nhịp thơ khoan thai, vững chắc. Làm thơ trong điều kiện chiến tranh ác liệt mà bài thơ nào của Bác cũng toát lên niềm lạc quan vô bờ, sự khoan thai, đĩnh đạc hiếm có”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, giao thừa là thời khắc thiêng liêng nhất của đất nước, của mỗi nhà, mỗi người. Nghe lại những bài thơ chúc Tết của Bác, chúng ta càng bồi hồi, xúc động nhớ về một chặng đường vẻ vang, oanh liệt mà dân tộc ta đã đi qua, hướng về năm mới Đinh Dậu 2017 với bao ước mơ, dự cảm tốt lành.
“Lời thơ chúc Tết của Bác như là lời non nước, là tiếng hịch non sông. Tựa lưng vào lịch sử, đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, ra sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng thành công, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ôn lại những bài thơ chúc Tết của Bác, càng tự hào với truyền thống quật cường, nhân nghĩa của dân tộc, đưa ‘Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng’ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Sự nghiệp cách mạng vẻ vang của chúng ta nhất định thành công”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói.
Đặc biệt, trong chương trình sử dụng những bản thu thanh thơ của Bác Hồ do Nghệ sỹ nhân dân Trần Thị Tuyết, Nghệ sỹ Ưu tú Vũ Kim Dung ngâm và bài thơ năm 1967 do chính Bác Hồ đọc. Bên cạnh đó là các bài hát phổ thơ Bác và những bài hát viết về Người như: Ca ngợi Hồ Chủ tịch (Văn Cao), Đôi dép Bác Hồ (Văn An), Bác Hồ một tình yêu bao la (Thuận Yến); Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác (An Thuyên); Tiến lên chiến sĩ đồng bào (Huy Thục),; Tây Nguyên mừng đón thơ Bác (Doãn Nho); Mùa xuân con vẫn nghe thơ Bác (Trần Viết Bính); Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (Trần Kiết Tường); Nhớ về Hà Nội (Hoàng Hiệp)…
Trong phần tọa đàm, Giáo sư Hà Minh Đức và nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã phân tích về giá trị của thơ Tết Bác Hồ và bày tỏ tình cảm của mình với Bác Hồ kính yêu và những vần thơ thép “mà vẫn bao la bát ngát tình”. Phần phóng sự truyền hình có ý kiến của nhà thơ Vũ Quần Phương, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nhạc sĩ Huy Thục và các tầng lớp nhân dân về thơ Tết của Bác.
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Lời của non sông” đã một lần nữa khẳng định: Thơ chúc Tết của Bác không chỉ là mệnh lệnh chiến đấu, lời kêu gọi kháng chiến mà còn là lời nói giản dị, ấm áp của một vị lãnh tụ gần gũi với dân chúng, ở bên dân chúng trong những thời khắc thiêng liêng của đất nước, nhất là những ngày Tết; thể hiện tầm nhìn của Bác – một nhà tiên tri, nhà tư tưởng, nhà quân sự.
Trong những bài thơ dù ngắn, nhưng thể hiện nhãn quan của Bác về thế trận, chiến sự, những tiên đoán cho cục diện chiến trường, phía sau đó luôn là tinh thần lạc quan của Người, luôn lo lắng cho cuộc sống của người dân. Cùng với đó là những bài thơ – lời kêu gọi của Người đã cộng hưởng với các thế hệ văn nghệ sĩ – chiến sĩ, thúc giục những sáng tạo trong họ để cho ra đời những tác phẩm viết về Bác Hồ, về mùa xuân, về đất nước./.
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.