Lễ giỗ Ba chiến sĩ gang thép: Biểu hiện sinh động của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

Hơn chục năm qua, cứ đến mùng 7 tháng Chạp âm lịch, người dân xã Tân Phú và một số địa phương lân cận lại tề tựu về Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc (huyện Cai Lậy) tổ chức Lễ giỗ Ba chiến sĩ gang thép. Không ai bảo ai nhưng mỗi người đều mong muốn góp thêm tấm lòng tôn kính với những người đã ngã xuống vì độc lập tự do cho dân tộc. Lễ giỗ Ba chiến sĩ gang thép đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống, thể hiện đạo lý cao đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của người dân Tân Phú.

    
Các em học sinh thắp hương tại nơi an nghỉ của Ba chiến sĩ gang thép.

Lễ giỗ được tổ chức nhằm tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ: Hùng, Trạch, Đừng – chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 trong trận đánh hào hùng bẻ gãy chiến thuật “trực thăng vận” , “thiết xa vận” của đế quốc Mỹ, làm nên chiến thắng Ấp Bắc ngày 2/1/1963. Trong Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 có một Tiểu đội quyết tử với nhiệm vụ đúng như tên gọi của nó. Và ba chiến sĩ Hùng, Trạch, Đừng khi ấy ở tuổi đôi mươi đã được chọn vào Tiểu đội với lời thề “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Cảm phục sự hy sinh anh dũng của các anh trong trận đánh Ấp Bắc, người dân gọi các anh là “Ba chiến sĩ gang thép” và Tiểu đội 1 là “Tiểu đội gang thép”.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, trận địa năm xưa hôm nay đã phủ bạt ngàn màu xanh của ruộng lúa. Nhưng đây đó trên quê hương Ấp Bắc anh hùng – nơi mà mỗi con người, mỗi ngõ xóm đều đáng được lưu danh – tinh thần quả cảm của Ba chiến sĩ gang thép vẫn sống mãi trong lòng người dân Tân Phú. Xuất phát từ tình cảm như thế, cách đây hơn chục năm, người dân Ấp Bắc đã tự nguyện tổ chức lễ giỗ Ba chiến sĩ gang thép vào mùng 7 tháng Chạp hàng năm. Không ai bảo ai, từ sáng sớm, mỗi người đã tự nấu xôi, gói bánh, góp chút cây trái … cùng nhau mang đến phần mộ các liệt sĩ làm lễ giỗ. Chính quyền địa phương thấy việc làm ý nghĩa này nên đã góp sức cùng người dân. Lễ giỗ được thực hiện theo nghi thức truyền thống, không khí thành kính nhưng ấm áp và không chỉ đón người dân Tân Phú mà còn đón nhiều đoàn khách phương xa, đặc biệt là thân nhân 3 Chiến sĩ gang thép ở Bến Tre, Long An và Đồng Tháp về tham dự. Thân nhân các liệt sĩ đều cảm thấy xúc động bởi ân tình của người dân quê hương Ấp Bắc, ông Lê Thanh Tâm (cháu ruột của liệt sĩ Hùng, Tiểu đội phó thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 261) hiện đang sinh sống ở huyện Đức Huệ, tỉnh Long An bày tỏ : “Được chính quyền địa phương và người dân chăm lo chu đáo phần mộ và tổ chức lễ giỗ là niềm tự hào của một gia đình liệt sĩ. Chúng tôi tổ chức lễ giỗ tại gia đình vào ngày mùng 8 tháng Chạp hàng năm nhưng năm nào cũng thu xếp về Tân Phú dự lễ giỗ trong không khí thân tình. Từ lâu, gia đình tôi đã xem Tân Phú như quê hương thứ hai”.

Với người dân xã Tân Phú, việc tổ chức lễ giỗ Ba chiến sĩ gang thép không chỉ là cách thể hiện sự tri ân mà còn nhắc nhở thế hệ trẻ về trách nhiệm với những người đã ngã xuống cho quê hương thanh bình hôm nay. Bà Hà Thị Mừng người dân Ấp Bắc nói:”Trong lễ giỗ hàng năm, các cháu học sinh, con em của các gia đình ở địa phương đi làm ăn, công tác xa có dịp trở về đều đến thắp hương tri ân. Người dân địa phương ai cũng nhớ có được cuộc sống thanh bình, no ấm hôm nay cũng nhờ công ơn của các liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất này”. Vì lẽ đó, nơi an nghỉ của Ba chiến sĩ gang thép trong khuôn viên Khu di tích Ấp Bắc lúc nào cũng đầy ắp hoa tươi và ấm áp khói hương như tấm lòng của người dân Tân Phú. Truyền thống hôm qua đang được nhắc nhở bằng tình cảm của thế hệ hôm nay với những hành động tuy đơn sơ nhưng ân tình ngời sáng.