Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định trong dịp Tết

Báo cáo nhanh Chính phủ về tình hình thị trường Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Bộ Tài chính đánh giá, nhìn chung giá cả hàng hóa khá ổn định, nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng cả nước.

1

Chợ Đống Đa (Đà Nẵng) nhộn nhịp hoạt động mua bán từ sáng mồng 3 Tết. Các mặt hàng rau xanh tăng giá mạnh do trước Tết bị lũ lụt, mất mùa. Ảnh: ANH ĐÀO

  

 

Trước Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng được dàn trải ra nhiều ngày, tăng cao từ ngày 23 tháng Chạp. Thị trường ngày sát Tết có vẻ kém sôi động hơn, do phần lớn người lao động đã mua sắm và lên đường về quê đón Tết. Nhiều cửa hàng kinh doanh tư nhân tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đóng cửa sớm, hoạt động mua sắm chỉ tập trung ở các siêu thị và chợ truyền thống. Tại các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, lượng hàng hóa dồi dào, sức mua mặc dù tăng hơn ngày thường nhưng không đột biến, về cơ bản, giá cả hàng hóa vẫn giữ ổn định. Các mặt hàng chế biến trong nước có giá ổn định do nguồn cung lớn, mẫu mã bao bì đẹp hơn các năm trước, cạnh tranh được với hàng nhập ngoại.

Tại một số địa phương trọng điểm như TP Hồ Chí Minh, ngày 29 Tết, sức mua trên thị trường tăng 20 đến 30% so với ngày thường, tập trung tại các chợ lẻ buổi sáng. Tại các chợ đầu mối, giá bán các mặt hàng gia súc, gia cầm khá ổn định. Các đơn vị tham gia Chương trình bình ổn thị trường Tết đã thực hiện giảm giá một số mặt hàng. Theo ghi nhận của phóng viên tại địa bàn, trong sáng 29-1 (mồng 2 Tết), hầu hết các hệ thống siêu thị, chợ truyền thống đã đồng loạt khai trương, mở cửa kinh doanh. Nhìn chung, giá cả các mặt hàng thực phẩm sau Tết ổn định, bảo đảm nguồn cung dù không đa dạng về chủng loại như ngày thường, một số mặt hàng trái cây giá tăng nhẹ. Đáng chú ý, nhu cầu mua gà nguyên con trong ngày mồng 3 Tết ở TP Hồ Chí Minh tăng cao do người dân cúng đưa tiễn ông bà. Các cửa hàng tiện lợi như Mini Srop, Familymart, Vinmart, Circle K đều mở cửa 24 giờ suốt dịp Tết phục vụ nhu cầu của người dân.

Tại Hà Nội, ngày mồng 1 Tết, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) có năm nhà hàng, ki-ốt mở cửa bán hàng. Sang mồng 2 Tết, có thêm bảy siêu thị, cửa hàng tiện ích phục vụ nhu cầu người dân. Từ ngày mồng 3, các siêu thị như Big C, Fivimart, Vinmart, Hapro… đồng loạt mở cửa đón khách. Giá các mặt hàng trong siêu thị ổn định, tuy nhiên lượng hàng thực phẩm tươi sống như: thịt, cá, rau củ quả, trái cây… không phong phú như ngày thường. Tại các chợ, nhiều tiểu thương cũng đã mở bán một số loại thực phẩm như: rau, nấm, thịt bò, cá, hoa tươi… tăng nhẹ so với trước Tết.

Dù hầu hết các hàng quán dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP Hà Nội đều đóng cửa, nhưng xuất hiện nhiều hàng bún, phở vỉa hè, mở bán từ mồng 1, mồng 2 Tết. Nhiều quán này bán với mức giá cao gấp đôi, gấp ba ngày thường, dao động từ 50 đến 100 nghìn đồng/bát bún, phở nhưng vẫn đông khách ăn.

Thị trường Tết tại Đà Nẵng cũng khá sôi động và nhộn nhịp do sức mua của người tiêu dùng tăng cao, tập trung ở các mặt hàng trái cây và hoa cúng, trang trí Tết. Sáng mồng 3 Tết, hầu hết các siêu thị, chợ đều mở cửa và buôn bán trở lại để phục vụ người dân, mặt hàng nhu yếu phẩm, hầu hết đều tăng giá, nhất là rau xanh. Do mưa lũ kéo dài những tháng cuối năm 2016, nhiều loại rau củ quả bị mất mùa, khiến giá tăng mạnh sau Tết. Khảo sát của phóng viên tại chợ đầu mối nông sản Hòa Cường, chợ Cồn, chợ Đống Đa và các chợ nhỏ như Nại Hiên Đông, Bắc Mỹ An,… các loại rau tăng giá mạnh, rau muống, rau mồng tơi có giá 20 nghìn đồng/bó, rau cải xanh 15 nghìn đồng/bó,… Bà Nguyễn Thị Hải, tiểu thương chợ Đống Đa cho biết, rau muống và rau mồng tơi rất hiếm, ngày mồng 3 Tết, bà chỉ lấy được khoảng 30 bó rau về bán. Sáng mồng 2 Tết, các siêu thị đã mở cửa từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa, nhiều người dân Đà Nẵng chọn đây làm điểm mua sắm bởi nguồn thực phẩm tươi, rõ nguồn gốc và giá cả được niêm yết.

Tại Cần Thơ, ngày 30 Tết, nhiều quầy hàng ở chợ hoa Tết bến Ninh Kiều, đường Hoàng Văn Thụ phải hạ giá, xả hàng nhưng lượng người mua vẫn ít do không nở đúng dịp Tết. Mai vàng bon-sai loại nhỏ giá chỉ khoảng 100 nghìn đồng/chậu, nhiều chủ vườn mai phải chất lên ghe chở về nhà kịp đón giao thừa. Từ ngày mồng 2 Tết, giá các loại trái cây trở lại ổn định, một số loại giảm giá so với trước Tết. Mồng 3 Tết, các loại thực phẩm, thủy sản tươi sống giá tăng 30 đến 40% so ngày thường.

Trong đêm giao thừa và sáng mồng 1 Tết, như thông lệ hằng năm, đã có nhiều người bán muối đóng thành túi nhỏ (loại 50 đến 100 g) với giá 10 đến 20 nghìn đồng/túi phục vụ nhu cầu tâm linh. Người dân đi chúc Tết, du Xuân và lễ đầu năm tại các đền, chùa, khiến giá dịch vụ trông giữ xe tại khu vực này tăng cao so với ngày thường. Nhiều điểm trông giữ ô-tô, xe máy, xe đạp tự phát mọc lên, tự đề ra mức thu 50 nghìn đồng/ô-tô, 10 nghìn đồng/xe máy và sử dụng vé tự chế, không có cơ quan nào quản lý.

Theo dự báo của Bộ Tài chính, trong những ngày tới, giá cả các loại hàng hóa sẽ không có biến động lớn so với trước Tết. Giá lương thực, thực phẩm vẫn ổn định do lượng dự trữ dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Riêng dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ ăn uống, đồ lễ, dự báo có thể tăng ở mức cao do lượng người dân đi du xuân và đi lễ đầu năm tăng cao, cần được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng vào cuộc giám sát, quản lý kịp thời. Với diễn biến thị trường nhiều năm qua, khả năng cung ứng hàng hóa của các đơn vị sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu, cùng với sự thay đổi, tiến bộ trong ý thức của người dân trong mua sắm, tiêu dùng, thị trường Tết Nguyên đán vừa qua tiếp tục giữ ổn định giá cả trong tầm kiểm soát, lượng hàng hóa đầy đủ, người dân có tâm lý vui vẻ, phấn khởi.

Báo Nhân Dân