Năm nào cũng vậy, khi các ngày lễ chính của Tết đã qua đi, đến mùng 7 tháng Giêng là đình Tấn Mỹ (Chợ Mới) lại long trọng tổ chức lễ “Khai sơn” với quan niệm đón năm mới nhiều thuận lợi, may mắn. Đây là một trong những ngôi đình hiếm hoi còn giữ lại tập tục tốt đẹp này.
Đình thần Tấn Mỹ là một trong số 7 di tích của huyện Chợ Mới được UBND tỉnh An Giang công nhận là “Di tích kiến trúc nghệ thuật và lịch sử cách mạng” năm 2003. Các vị bô lão trong Ban Tế tự đình Tấn Mỹ cho biết, lễ “Khai sơn” có từ khi ngôi đình thành lập đến nay, khoảng 164 năm tính từ ngày Vua Tự Đức đời thứ 5 ban Sắc phong. Nguồn gốc sâu xa của lễ xuất phát từ tín ngưỡng vạn vật hữu linh, được chủ trì bởi những bô lão có uy tín đại diện các chư tộc trong làng. Lễ “Khai sơn” tiến hành từ khuya mùng 6 Tết và chánh lễ diễn ra vào 2 giờ khuya mùng 7 Tết. Nhắc đến lễ này, ông Trần Trọng Khiêm, Trưởng ban Tế tự đình thần Tấn Mỹ kể rất tường tận, không chỉ bởi ông là người đảm nhiệm trọng trách trong đình, phải giữ gìn những lễ nghi truyền thống lâu đời được thừa kế, mà ông còn rất tự hào vì đây là một tập tục dân gian đẹp, ngày nay không còn được bao nhiêu chỗ duy trì. “Lễ “Khai sơn” tổ chức gọn chỉ trong 1 đêm và 1 ngày nhưng bao nhiêu năm nay Ban Quý tế đều làm rất tôn nghiêm, trang trọng. Người dân đình Tấn Mỹ luôn giữ tục lệ cúng “Khai sơn”, được chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi và có nhiều biện pháp để duy trì và phát triển lễ “Khai sơn” sao cho phù hợp với tục lệ và nét văn hóa truyền thống vốn có”.
Nghi thức thỉnh sắc thần và cúng chánh tế tại lễ “Khai sơn”, đình thần Tấn Mỹ
“Khai sơn” có nghĩa khai mở đất đai, noi theo tục xưa cũ “khai sơn phá thạch” cho Nhân dân bắt đầu ra làm việc. Theo tập quán ngày xưa, nhà nào cũng rước ông bà về cùng “ăn Tết” ngày 29 hoặc 30 tháng Chạp, 12 giờ đón giao thừa qua năm mới, đến mùng 7 tháng Giêng là hết Tết và hạ niêu. Trong khoảng thời gian từ lúc rước ông bà đến mùng 6, mọi người chỉ lo việc trong nhà, gác lại việc đồng áng, không còn ra ruộng rẫy, không được tưới, xới gì cả cho đến đúng ngày mùng 7. Sau lễ “Khai sơn”, nông dân mới được ra đồng làm việc. Ngày nay, do điều kiện thời tiết, tập quán canh tác thay đổi khá nhiều, tuy không còn ai giữ tục “kiêng ra đồng” trong 7 ngày nghỉ, thậm chí mới sang mùng 2 Tết nhiều bà con đã nôn nóng ra thăm lúa, nhưng lễ “Khai sơn” không vì vậy mà mất đi giá trị ý nghĩa. Mỗi năm đến lễ, người dân trong và ngoài tỉnh về dự rất đông, đầu trên, đầu dưới chật kín người đi bộ nhưng ai cũng ăn nói nhỏ nhẹ, chừng mực. Bà con cúng bái, “thỉnh lộc” và sinh hoạt văn nghệ, đờn ca tài tử, chứ không tổ chức phần hội rình rang như lễ Kỳ yên hay lễ Chạp miếu trong năm, thường có mời đoàn hát bộ và sinh hoạt hội thao, trò chơi dân gian sôi động.
Lễ “Khai sơn” có sự tôn nghiêm riêng biệt, không khí trang trọng, ngắn gọn nhưng ý nghĩa. Hàng trăm năm qua, lễ diễn ra vẫn có đầy đủ nhạc lễ, lính hầu, học trò lễ trang phục tươm tất, khang trang. Ban Quý tế là những người cao niên, uy tín, đại diện dân làng mặc áo dài khăn đống chỉnh tề thực hiện các nghi thức cúng, gồm: Tế thần nông, sơn nghênh, túc yết, chánh tế, tống khách… Sau lễ chánh tế, đình cử đại diện một người ra “trảm thảo”, tức chặt cỏ lấy lệ “khai việc đầu năm” với bánh trái, nhang, đèn. Một hành động tượng trưng nhưng biểu lộ ước mong sức mạnh con người sẽ vượt lên trước thiên nhiên. Sau khi tất cả các nghi thức cúng đã xong, lễ vật được dọn xuống bày biện tại chỗ, mọi người quây quần ăn uống, vui vẻ coi như là dịp gặp mặt đầu năm cùng chúc nhau sức khỏe, công việc làm ăn năm mới thuận lợi hanh thông.
Là một nét đẹp văn hóa dân gian được gìn giữ gần như trọn vẹn, lễ “Khai sơn” tại đình thần Tấn Mỹ cũng là dịp dân làng tri ân các vị tiền hiền, tiền bối đã có công khai sơn phá thạch, lập làng, gầy dựng cho con cháu cuộc sống hôm nay.
Miền Tây online
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.