Mít tinh trọng thể kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris
Sáng 25/1, Lễ mít tinh cấp Nhà nước kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris diễn ra trọng thể tại Hà Nội.
Tới dự Lễ mít tinh có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Đại tướng Phùng Quang Thanh – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Trần Đại Quang – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Đinh Thế Huynh- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Huỳnh Đảm – Chủ tịch UBTƯMTTQVN, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh- Trưởng ban Tổ chức cấp Nhà nước kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris.
Tới dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, Các lãnh đạo Ban, Ngành đoàn thể Trung ương và Thủ đô Hà Nội, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí trực tiếp tham gia và phục vụ cho cuộc đàm phán; đại diện gia đình một số đồng chí nguyên là cán bộ của hai đoàn đàm phán và bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam, góp phần vào thắng lợi cuộc đàm phán tại Hội nghị Paris, các vị Đại sứ, đại diện một số cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam; các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh gửi lẵng hoa chúc mừng.
Lễ mít tinh cấp Nhà nước 40 năm ngày ký Hiệp định Paris mở đầu bằng chương trình nghệ thuật đặc sắc |
Các đại biểu làm lễ chào cờ |
Tại Lễ mít tinh diễn ra sáng 25/1 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), kỷ niệm 40 năm ngày Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973-27/1/2013), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho hai Đoàn đàm phán tại Paris.
Hiệp định Paris là mốc son trong trang sử vàng
Trong diễn văn kỷ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Hiệp định Paris là thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao nước ta ở thế kỷ 20, đánh dấu thắng lợi lịch sử của nhân dân ta sau hơn 19 năm đấu tranh kiên cường bất khuất trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao chống Mỹ xâm lược.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đọc diễn văn tại Lễ mít tinh |
Cuộc chiến đấu trường kỳ gian khổ của quân và dân ta trên chiến trường và cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris đều nhằm mục tiêu buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Biết bao đồng bào, chiến sĩ, những người con ưu tú của Tổ quốc đã hy sinh xương máu vì mục tiêu thiêng liêng ấy.
Ký kết hiệp định Paris, Mỹ phải công nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, phải chấm dứt ném bom miền Bắc, rút toàn bộ lính Mỹ và chư hầu ra khỏi Việt Nam. Nhân dân ta đã thực hiện được mục tiêu chiến lược “đánh cho Mỹ cút” mà Bác Hồ kính yêu đã chỉ ra trước lúc Người đi xa.
Hiệp định mở ra cục diện mới với thế mạnh áp đảo của chúng ta trên chiến trường, tạo tiền đề vững chắc để quân và dân ta tiến lên “đánh cho ngụy nhào” với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Hiệp định Paris cũng là niềm cổ vũ lớn lao đối với người yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, những người đã đồng hành, ủng hộ, giúp đỡ nhân dân ta trong lúc cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, dõi theo từng diễn biến trên chiến trường, cũng như trên bàn đàm phán tại Paris.
“Hiệp định Paris là minh chứng hùng hồn cho chân lý “Đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo”, cũng cố niềm tin của nhân dân yêu chuộng hòa bình và nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa. Vì vậy, Hiệp định Paris đã đi vào lịch sử của sự nghiệp đấu tranh chung, của nhân dân thế giới vì độc lập, tự do vì hòa bình và công lý”, Chủ tịch nước khẳng định.
Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris, chúng ta bồi hồi xúc động ghi lòng tạc dạ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người đặt nền móng cho nền ngoại giao cách mạng Việt Nam; ghi nhớ biết bao công lao của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ đã chiến đấu, anh dũng hy sinh để làm nên những chiến công chói lọi. Chúng ta ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp của các thành viên đoàn đàm phán VNDCCH do đồng chí Xuân Thủy làm trưởng đoàn, đoàn CPCMLTCHMNVN do đồng chí Nguyễn Thị Bình làm trưởng đoàn, đặc biệt là vai trò và những cống hiến to lớn của đồng chí cố vấn Lê Đức Thọ; bày tỏ lòng biết ơn chân thành các nước XHCN anh hem, bạn bè quốc tế, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ đã ủng hộ, cổ vũ cho cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta vì độc lập, tự do, hòa bình và công lý. Sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế đã trở thành một phần của lịch sử kháng chiến chống xâm lược của nhân dân Việt Nam vì độc lập tự do của Tổ quốc và cũng vì lẽ phải và công lý trên thế giới.
“Chúng tôi tin tưởng rằng, trái tim và khối óc của các bạn vẫn mãi mãi đồng hành cùng nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng tôi ngày hôm nay”, Chủ tịch nước nói.
Niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng
Phát biểu tại Lễ mít tinh, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, trưởng đoàn đàm phán của CPCMLT CHMNVN tại Hội nghị Paris cho biết: Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược vì độc lập, tự do,thống nhất Tổ quốc là cuộc đấu tranh chính nghĩa, phù hợp với lý tưởng và nguyện vọng của nhân dân thế giới.
Thắng lợi của Việt Nam tại cuộc đàm phán Paris là minh chứng tập trung nhất về sự đúng đắn, tài tình của đường lối, sách lược của nền ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang cho đại diện hai Đoàn đàm phán tại Hội nghị Paris |
Bà Nguyễn Thị Bình cho biết, đoàn đàm phán đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, trong đấu tranh luôn luôn giữ vững lập trường, nguyên tắc trong từng bước đi cụ thể, biết mềm dẻo và linh hoạt- tất cả là nhằm thực hiện mục tiêu cuối cùng: Mỹ phải rút đi hoàn toàn, quân ta vẫn ở lại chỗ, các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam phải được đảm bảo, Việt Nam là của người Việt Nam.
“Ở đây cuộc chiến đấu không dùng súng đạn nhưng bằng đấu trí, đấu lý và cả ý chí, cũng vô cùng khó khăn và gian khổ. Các cuộc họp đàm phán bí mật là những trận chiến đấu hết sức quyết liệt. Động lực chính giúp chúng tôi kiên trì đấu tranh và hoạt động tích cực đó là vì lợi ích tối cao của dân tộc, là niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến của nhân dân ta”, bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ.
“Hôm nay, tại Lễ kỷ niệm trọng thể này, chúng tôi, những người được may mắn thay mặt cho nhân dân ta, ký vào văn bản Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam- một văn kiện lịch sử trọng đại của dân tộc- bày tỏ lòng biết ơn Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã tin tưởng và giao phó cho chúng tôi một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và hết sức vẻ vang. Cảm ơn tất cả các đồng chí trong nước và đồng bào nước ngoài – đặc biệt là ở Pháp, đã giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Và qua đây, chúng tôi đã được rèn luyện và trưởng thành”, bà Nguyễn Thị Bình nói.
40 năm Hiệp định Paris và niềm tin vào tương lai
Cũng tại Lễ mít tinh, bà Helene Luc, nguyên Thượng nghị sỹ, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp- Việt cho rằng lễ kỷ niệm cần và có ích không chỉ cho thế hệ trẻ Việt Nam, mà còn cho toàn thế giới.
“Từ năm 17 tuổi, khi còn là học sinh trung học, bắt đầu đấu tranh chống chiến tranh xâm lược thuộc địa của Pháp rồi của Mỹ cho đến khi trở thành Thượng nghị sĩ, tôi vẫn kiên định một lý tưởng. Và ngày hôm nay, tôi xin bày tỏ cảm phục trước lòng quyết tâm của các bạn, quyết tâm làm cho cuộc sống ấm no hơn, quyết tâm bảo vệ hòa bình. Câu chuyện tình yêu mà chúng ta đã trải nghiệm vì hòa bình và công lý sẽ không bao giờ dừng lại”, bà Helene Luc khẳng định.
Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu |
Đại diện thế hệ trẻ Việt Nam, bạn Lê Việt Phương, Bí thư Đoàn Bộ Ngoại giao chia sẻ: Những bài học kinh nghiệm quý giá của những năm tháng đầy cam go, thử thách của đàm phán Hiệp định Paris là những tài sản vô giá đối với các thế hệ cán bộ ngoại giao, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Qua các hoạt động nhân kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris, thế hệ trẻ có cơ hội được hiểu sâu sắc hơn, càng thêm thấm thía, cảm phục và xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với những cống hiến, hy sinh to lớn của thế hệ đi trước để thế hệ ngày nay được sinh sống, học tập và làm việc trên một đất nước thống nhất, tươi đẹp, hòa bình và phát triển.
Thế hệ trẻ ngày nay ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, đối với nhân dân, tiếp nối truyền thống các thế hệ cha anh, không ngừng rèn luyện phấn đấu, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.