Đảng bộ TP. Mỹ Tho: Anh hùng trong kháng chiến
Các tổ chức Đảng cộng sản ra đời tại tỉnh và thị xã Mỹ Tho (nay là TP. Mỹ Tho, sau đây sẽ gọi là TP. Mỹ Tho) đã mở ra giai đoạn cách mạng mới, tạo thế và lực cho lực lượng cách mạng phát triển. Ngày 3-2-1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập hội nghị đại biểu để bàn việc hợp nhất các tổ chức Cộng sản Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam kỳ, cuối tháng 4-1930, Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Mỹ Tho được thành lập, do đồng chí Nguyễn Văn Thiệu làm Bí thư, cơ quan Thường vụ Tỉnh ủy đóng tại nhà đồng chí Mai Bạch Ngọc (nay là Xóm Dầu, phường 3, TP. Mỹ Tho).
Sau khi Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Mỹ Tho được thành lập, tiếp đó các chi bộ tại TP. Mỹ Tho cũng lần lượt ra đời như: Chi bộ Xóm Dầu, do đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn làm Bí thư; Chi bộ Đạo Thạnh, do đồng chí Nguyễn Văn Đại làm Bí thư; Chi bộ Hãng Xáng, do đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn làm Bí thư (đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn sinh hoạt 2 nơi) và Chi bộ Sở Trường Tiền, gồm các đồng chí Nguyễn Văn Ngự (Chín Ngự), Nguyễn Văn Trí, Nguyễn Tri Phương.
Xóm Dầu (Phường 3, TP. Mỹ Tho) là địa điểm họp để thành lập chi bộ sớm nhất của TP. Mỹ Tho. Ảnh: Tư liệu |
Với sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho và các Chi bộ Đảng TP. Mỹ Tho đã mở ra một hướng đi mới cho cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân trong toàn tỉnh. Tại TP. Mỹ Tho, sau khi có các chi bộ Đảng ra đời và được cơ quan Tỉnh ủy đóng tại thành phố trực tiếp lãnh chỉ đạo, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân thành phố ngày càng phát triển mạnh mẽ và giành được nhiều thắng lợi to lớn, tạo tiền đề cho giai đoạn cách mạng mới sau này.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cuộc đấu tranh, biểu tình, đình công, bãi thị… liên tục diễn ra, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho, các Chi bộ Đảng TP. Mỹ Tho tích cực xây dựng và tăng cường hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng cũng như quần chúng. Các đội tự vệ vũ trang được hình thành.
Thực dân Pháp ra sức truy lùng, đàn áp gắt gao các cơ sở Đảng và phong trào đấu tranh, nổi dậy của quần chúng nhân dân. Hàng trăm chiến sĩ cách mạng là đảng viên bị thực dân Pháp bắt, bị đánh đập, tra khảo tàn nhẫn, trong đó có nhiều người đã hy sinh. Số còn lại, địch giam cầm ở nhà tù Mỹ Tho, sau đó đày đi Côn Đảo. Chính vì vậy, có lúc cán bộ, đảng viên phải phân tán, rút vào hoạt động bí mật để bảo tồn lực lượng.
Qua thời gian phấn đấu khắc phục khó khăn trước sự truy lùng bắt bớ của địch, đến cuối năm 1944 và những tháng đầu năm 1945, TP. Mỹ Tho mới xây dựng được Chi bộ Chợ Cũ, do đồng chí Trần Thanh Mậu làm Bí thư và Chi bộ Thị xã, do đồng chí Dương Khuy làm Bí thư. Sau khi thành lập xong 2 Chi bộ Đảng, các đồng chí đảng viên đã nỗ lực gây dựng tổ chức quần chúng tích cực, như công nhân cứu quốc ở Hãng Xáng, khu 4 (lò heo) và một số ít ở dãy phố Cầu Quay…
Từ tháng 3 đến 8-1945, các tổ chức cơ sở Đảng, đoàn thể, các tổ chức công khai, bán công khai phát triển đều và mạnh, tư thế hành động khi có lệnh khởi nghĩa luôn sẵn sàng. Từ 4 đến 9 giờ sáng ngày 18-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức lực lượng đã nổi dậy khởi nghĩa giành lấy chính quyền về tay nhân dân.
Sau khi giành được chính quyền, Đảng bộ TP. Mỹ Tho củng cố, bảo vệ chính quyền cách mạng, khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài với thực dân Pháp; đồng thời phát triển phong trào kháng chiến mở rộng vùng chiếm đóng. Đến năm 1954, Đảng bộ và nhân dân TP. Mỹ Tho tích cực cùng cả tỉnh đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi.
9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, mọi hoạt động và chiến đấu của Đảng bộ và nhân dân TP. Mỹ Tho trong thế bị bao vây, khủng bố, đàn áp dã man của địch. Thế nhưng Đảng bộ và nhân dân TP. Mỹ Tho vẫn luôn trung thành với Đảng, phát huy truyền thống cách mạng đã liên tục tấn công địch bằng đấu tranh chính trị, vũ trang theo phương thức và yêu cầu thích hợp, nhằm kềm chân địch, quấy rối hậu phương của chúng, làm thất bại mọi âm mưu chiến tranh của địch.
Chuyển sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ TP. Mỹ Tho đã nhận thức rõ vị trí và nhiệm vụ của Đảng bộ hoạt động trong nội thành là phải hết sức quan tâm xây dựng Đảng về quan điểm, lập trường, khí tiết. Đồng thời phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong mọi hoạt động và luôn giữ nghiêm nguyên tắc hoạt động bí mật để đạt được hiệu quả cao trong việc thực hiện những chủ trương, nhiệm vụ của Đảng.
Trong giai đoạn từ năm 1954-1959, mặc dù Đảng bộ đã có kinh nghiệm hoạt động nội thành trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng trước tình thế mới sau hòa bình lập lại đã có phần nào chủ quan trong phát triển lực lượng, vận động các tổ chức công khai, bán công khai, có lúc làm lộ diện lực lượng. Mặt khác, do không giữ nghiêm nguyên tắc ngăn cắt, bí mật nên khi kẻ thù trở cờ phản công, Đảng bộ thành phố đã bị thiệt hại không nhỏ.
Rút kinh nghiệm từ thực tiễn, để đảm bảo cho công tác hoạt động nội thành, Đảng bộ thành phố luôn có ý thức tạo mọi điều kiện để đảng viên gắn chặt với quần chúng. Từ đó, Đảng bộ ngày càng được củng cố vững mạnh. Các tổ chức quần chúng, công khai, bán công khai, các lực lượng đấu tranh thường trực và không thường trực, các tổ chức võ trang: biệt động, thanh niên xung phong, du kích dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ được phát triển và củng cố. Hoạt động của thành phố từ đấu tranh chính trị, võ trang đã phối hợp nhịp nhàng với hoạt động của tỉnh và của chiến trường miền Nam.
Suốt 30 năm kháng chiến, tuy có những lúc cấp ủy buộc phải rời khỏi thành phố, dùng phương pháp chỉ đạo “vòng cầu”, nhưng lúc nào cũng có đảng viên được bố trí bám cơ sở, bám chặt phong trào và từng bước tạo điều kiện để cấp ủy đứng chân ngay trong thành phố. Đây là nét rất riêng của đảng bộ thành phố trong kháng chiến chống Mỹ. Nhờ vậy, Đảng bộ đã kịp thời phối hợp trong phong trào Đồng khởi năm 1960, Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 và trong chiến dịch Mùa xuân đại thắng năm 1975.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.